MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần minh bạch trước khi tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu

Trước việc Bộ Tài chính đề xuất tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu cùng một số mặt hàng khác để tăng nguồn thu mỗi năm ước tính thêm hàng chục nghìn tỷ đồng, nhiều chuyên gia cho rằng, cần cân nhắc mở rộng các nguồn thu khác, thay vì chỉ tập trung vào xăng dầu. Việc minh bạch tiền thu từ tăng thuế bảo vệ môi trường cũng là vấn đề được đặt ra.

Tăng vì giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn 120 nước

Chính phủ vừa có tờ trình Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội với đề xuất cho tăng đồng loạt các loại thuế bảo vệ môi trường (BVMT) từ ngày 1/7. Theo đề xuất của Bộ Tài chính trong tờ trình này, mức thuế BVMT với xăng sẽ tăng từ 3.000 đồng lên kịch trần 4.000 đồng, với dầu diesel từ 1.500 đồng lên 2.000 đồng. Dầu mazut và dầu nhờn, dầu hỏa, mỡ nhờn cũng tăng lên 2.000 đồng mỗi lít. Theo tính toán của Bộ Tài chính, với việc tăng thuế BVMT, số tiền thu được sẽ vượt 55.000 tỷ đồng/năm, tăng thêm 14.368 tỷ đồng/năm.

Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh mức thuế BVMT sẽ đảm bảo ứng phó kịp thời với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới, đảm bảo lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu khi cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế. Việc tăng thuế cũng góp phần nâng cao trách nhiệm và nhận thức của xã hội đối với môi trường, khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường, qua đó đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường.

Cùng với đề xuất tăng thuế, Bộ Tài chính đưa ra nhiều con số cho thấy tình hình nguồn thu ngân sách đang đối mặt nhiều khó khăn. Cụ thể, việc cắt giảm thuế nhập khẩu đối với xăng dầu theo các hiệp định thương mại tự do cũng khiến nguồn thu thuế giảm rất mạnh.  Riêng việc áp dụng thuế nhập khẩu theo các cam kết mà Việt Nam đã ký cũng làm giảm thu thuế nhập khẩu xăng dầu lên tới 39.600 tỷ đồng, từ 53.000  tỷ đồng năm 2015 xuống còn  khoảng 13.400 tỷ đồng năm 2016. Số thu thuế nhập khẩu xăng dầu năm 2017 cũng chỉ còn khoảng 14.100 tỷ đồng. Thu thuế nhập khẩu xăng dầu được dự báo chỉ còn khoảng 10.300 tỷ đồng đến cuối năm 2018. Còn nếu tính đến năm 2024, theo hiệp định ATIGA, số thu được sẽ bằng 0 vì mức thuế nhập khẩu chỉ còn 0%.

Cần minh bạch trước khi tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu - Ảnh 1.

Người dân có quyền được biết, tiền thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu mà họ đóng đã, đang và sẽ được dùng vào những việc gì? Ảnh : Như Ý.

Một lý do được Bộ Tài chính đưa ra để bảo vệ đề xuất tăng thuế là hiện giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam cơ bản thấp hơn các nước có chung đường biên giới và  thấp hơn so với nhiều nước khác trong khu vực ASEAN.  Còn theo thống kê, giá bán lẻ xăng của Việt Nam đứng vị trí 47 từ thấp đến cao trong tổng số 167 quốc gia và thấp hơn 120 nước, vùng lãnh thổ với mức 19.980 đồng/lít. Cụ thể, giá xăng Việt Nam thấp hơn Lào, Campuchia, Trung Quốc, Singapore, Philippines…

Không nên chỉ tập trung thu từ xăng dầu

 Trước đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính, trong văn bản trả lời góp ý, nhiều bộ ngành cũng khuyến cáo Bộ Tài chính cần có sự tính toán kỹ. Bộ KH&ĐT cho rằng, cơ quan chủ quản về giá xăng dầu cần phải lượng hóa các tác động xấu. Bộ Công Thương đề xuất ý kiến tính toán thận trọng các phương án thay đổi thuế, bởi đây là mặt hàng thiết yếu và là nguyên liệu đầu vào quan trọng cho quá trình sản xuất, kinh doanh.

Cơ sở khoa học yếu và việc đánh giá tác động chưa toàn diện cũng là nguyên nhân khiến Bộ GTVT, Bộ VH-TT-DL đưa ra cảnh báo. Theo đó, căn cứ tăng thuế vì so sánh giá xăng Việt Nam “hiện thấp hơn 120 quốc gia” khó có thể là cơ sở khoa học phù hợp, bởi giá xăng thấp đặt trong bối cảnh thu nhập của người dân thấp, thay vì cao như nhiều quốc gia khác. Bên cạnh đó, cần có giải trình về việc chi tiêu tiền thu được từ tăng thuế BVMT được sử dụng thế nào.

Về số tiền thu ngân sách từ tăng thuế BVMT, theo lý giải của Bộ Tài chính, Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) 2015 quy định các khoản thu ngân sách theo quy định được tổng hợp vào ngân sách chung mà không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể. Hằng năm, kinh phí NSNN bố trí cho các nhiệm vụ BVMT căn cứ vào yêu cầu BVMT cũng như giải quyết các vấn đề về môi trường trong ngắn hạn và dài hạn. Thực tế, trong giai đoạn 2012 - 2016, chi NSNN cho BVMT cao hơn tổng số thu từ thuế BVMT.

Cụ thể, số thu từ thuế BVMT trong giai đoạn 2012-2016 là 105.985 tỉ đồng. Trong khi đó, tổng số chi NSNN cho các nhiệm vụ BVMT giai đoạn 2012 - 2016 là khoảng 131.857 tỷ đồng, trung bình khoảng 26.371 tỷ đồng/năm. Như vậy, mức chi NSNN cho BVMT cao hơn số thu thuế cho nhiệm vụ này bình quân khoảng 21.197 tỷ đồng/năm.

Ngoài ra, bên cạnh các nguồn chi NSNN trực tiếp cho môi trường, còn có nguồn chi từ các hoạt động kinh tế, chi đầu tư phát triển, chi từ dự phòng của ngân sách địa phương cho các nhiệm vụ BVMT và các khoản vay, viện trợ chi trực tiếp cho dự án về BVMT không đưa vào NSNN. Một số nội dung, nhiệm vụ do NSNN chi trả cũng góp phần quan trọng cho BMVT như dự án xây dựng tuyến đường sắt trên cao, các dự án, chương trình khoa học công nghệ ứng dụng công nghệ xanh, bền vững…

Về việc Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng, thay vì chỉ tập trung vào tăng thuế xăng, dầu, Bộ Tài chính nên có biện pháp mở rộng các nguồn thu khác cũng như siết chặt lại hoạt động của chính các đơn vị trong ngành như thuế, hải quan, tránh để thất thoát từ việc chưa tính đúng, tính đủ các nguồn thu.

Cần xóa Quỹ Bình ổn giá xăng dầu

Trao đổi với PV Tiền Phong xung quanh việc tăng thuế BVMT với xăng dầu và việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn cho hay, việc xóa bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại thời điểm hiện nay rất cần thiết nhằm tránh các hành vi trục lợi. Ông này cho rằng, hiện nay, Bộ Công Thương là đơn vị có quyền quyết định mức, thời gian sử dụng Quỹ Bình ổn và đây là một thông tin rất nhạy cảm, hoàn toàn có thể “trục lợi” từ thông tin này.

“Ví dụ, nếu điều hành theo giá thế giới, giá xăng sẽ tăng 500 đồng/lít nhưng Bộ Công Thương chỉ cần “lộ” với doanh nghiệp là có thể không tăng giá bán lẻ và cho sử dụng Quỹ Bình ổn. Với thông tin này, doanh nghiệp sẽ không cần đặt lệnh mua hàng sớm, tiết kiệm được rất nhiều tiền. Tương tự, trong trường hợp nếu biết không sử dụng Quỹ Bình ổn giá, giá sẽ tăng và doanh nghiệp sẽ đi mua xăng sớm, cũng tiết kiệm được tiền. Dù chỉ với mức tăng giá 300 – 500 đồng/lít, đây là số tiền chênh lệch rất lớn với doanh nghiệp và có thể làm giàu rất nhanh”, vị này nói. Theo vị này, Nghị định 83 cũng có quy định về việc giá xăng tăng dưới 7% thì mức sử dụng quỹ thế nào, nếu tăng trên 7% thì sử dụng quỹ thế nào, nhưng thực tế, cơ quan quản lý không điều hành như trong quy định. “Thông tin sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thế nào trong mỗi kỳ điều hành với doanh nghiệp là rất quý. Hiện trên thế giới không sử dụng Quỹ Bình ổn giá. Trước có một số nước sử dụng nhưng chỉ trong điều kiện lạm phát cao. Ở Việt Nam, người dân cũng quen với việc điều hành giá định kỳ rồi”, vị này nói.

Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, ông Phan Thế Ruệ, cho rằng, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu chỉ phù hợp với những doanh nghiệp có nguồn nhập khẩu lớn, lượng bán ra nhiều. Với những đơn vị kinh doanh, phân phối xăng dầu có hệ thống đại lý yếu, tập trung ở một số tỉnh nhất định và có doanh số bán hàng không lớn, chắc chắn quỹ sẽ bị âm, thậm chí phải dùng vốn vay ngân hàng để xả bù vào giá bán lẻ. “Giá cơ sở điều chỉnh tăng dưới 3% thì không nên áp dụng Quỹ Bình ổn giá mà nên để giá bán lẻ tiếp cận với giá thế giới và người tiêu dùng sẽ không phải trích quỹ như hiện nay. Khi giá bán lẻ theo tính toán có biến động từ 3%-7% thì mới nên sử dụng quỹ”, ông Ruệ phân tích.

Cũng cho rằng đã đến lúc Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã hoàn tất vai trò lịch sử, PGS. TS Ngô Trí Long nhận định, việc bỏ Quỹ hoàn toàn có thể thực hiện được. Điểm bất cập hiện nay trong trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu chính là nguồn trích quỹ chỉ thu từ phía người dân, trong khi doanh nghiệp xăng dầu đầu mối không phải trích nộp một đồng nào dù được hưởng mức lợi nhuận định mức cố định 300 đồng/lít bất kể giá xăng dầu trong nước lên xuống thế nào. “Trong kinh tế thị trường, cũng cần có quỹ bình ổn nhưng phải xác định rõ lúc nào cần có quỹ, lúc nào không cần có quỹ. Việc quản lý giá xăng dầu thực hiện theo cơ chế thị trường nhưng lại để cho doanh nghiệp luôn có mức lãi cố định 300 đồng/lít là điều rất vô lý. Ở đây việc chia sẻ lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân chưa thỏa đáng. Với người tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay, việc để tình trạng như này là một thiệt thòi”, ông Long nói.

Về tác dụng của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, trong cuộc trao đổi gần đây với phóng viên Tiền Phong, một phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho rằng, nếu xét ở khía cạnh điều hành giá theo thị trường thì không nhất thiết phải tồn tại Quỹ Bình ổn vì giá lên thì tăng, giá xuống thì giảm giá bán lẻ. Cơ quan quản lý sẽ là đơn vị giám sát việc thực hiện của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cơ quan quản lý đang sử dụng quỹ để phục vụ cho các vấn đề vĩ mô như ổn định kinh tế, tránh tăng giá sốc… Như vậy, việc sử dụng quỹ vẫn cần thiết. “Hiện nay, việc điều hành giá bán lẻ trong nước, trích quỹ, sử dụng quỹ thế nào là do quyết định của cơ quan quản lý. Doanh nghiệp chỉ tuân thủ mà không có ý kiến gì thêm”, vị này nói.

Trả lời phóng viên Tiền Phong tại cuộc họp báo của Bộ Công Thương mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng cho biết, theo Nghị định 83, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu không phải tiền của Nhà nước hay bất cứ doanh nghiệp nào. Đây chính là phần trích để phòng khi có sự tăng giá đột ngột trên thị trường thế giới. Việc sử dụng quỹ sẽ giúp tránh được những cú sốc tăng giá cho người tiêu dùng, cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước. Ông Hải cho biết, cơ quan quản lý đang xem xét việc bỏ Quỹ Bình ổn xăng dầu. Ở góc độ cá nhân, ông cũng không muốn có quỹ này nữa, dù theo đúng tinh thần, nội dung của Nghị định 83, Quỹ Bình ổn vẫn có tác dụng trong thời điểm hiện nay.

"Đánh vào thuế môi trường với mặt hàng xăng dầu để tăng thu ngân sách là chọn cách dễ dàng nhất, nhưng lại không dễ dàng với doanh nghiệp và người tiêu dùng. Xăng dầu đang phải cõng quá nhiều loại thuế và phí, nếu tăng thuế, sẽ kéo theo giá xăng dầu trong nước sẽ tăng theo, chi phí đầu vào của hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ tác động đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp".

PGS. TS Ngô Trí Long

Bộ Tài chính cũng đề xuất tăng thuế với than đá với mức dự kiến từ 5.000 - 10.000 đồng/tấn. Ước tính, tổng số thu từ tăng thuế với mặt hàng này tăng thêm khoảng 795 tỷ đồng/năm, lên 2.385 tỷ đồng/năm. Với túi nilon, Bộ Tài chính đề xuất tăng 10.000 đồng/kg với tổng số thu khoảng 67,5 tỷ đồng (tăng khoảng 13,5 tỷ đồng/năm). Mặt hàng dung dịch cũng được đề xuất tăng 1.000 đồng/kg. Tính toán cho thấy, ngân sách sẽ có thêm khoảng 12,7 tỷ đồng/năm; tổng số thu sẽ vào khoảng 63,5 tỷ đồng.


Theo Phạm Tuyên - Tuấn Nguyễn

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên