MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần phải công khai phương án giá điện trước khi tăng

Một điểm đáng chú ý được VCCI nêu ra là hiện nay, các phương án giá điện vẫn được coi là tài liệu mật trước khi công bố.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản gửi Cục Điều tiết Điện lực – Bộ Công Thương góp ý về Dự thảo Quyết định Quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 24/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Cần phải công khai phương án giá điện trước khi tăng - Ảnh 1.

Các công ty điện lực vừa là bên bán điện, lại đảm nhận việc tuyên truyền tiết kiệm điện cho người sử dụng là có dấu hiệu xung đột lợi ích. Ảnh: EVN

Theo Điều 4.1 của Dự thảo quy định các chi phí “để đảm bảo khả năng vận hành, cung ứng điện” sẽ được tính vào giá điện. Điều 4.5 của dự thảo quy định: Tổng các chi phí khác… bao gồm chênh lệch tỉ giá… và các chi phí khác hợp lý, hợp lệ theo quy định hiện hành.

Loại bỏ chi phí tuyên truyền tiết kiệm điện

Tuy nhiên VCCI đặt vấn đề không rõ “các chi phí khác hợp lý, hợp lệ theo quy định hiện hành” là chi phí gì? được thực hiện theo những quy định nào?

Theo VCCI, trên thực tế, việc xác định chi phí nào được tính hoặc không được tính vào giá điện không đơn giản, bởi Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN có rất nhiều khoản chi ứng với các hoạt động rất đa dạng. Trong quá trình kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện các năm, đã có trường hợp tranh luận giữa các thành viên đoàn kiểm tra về việc chi phí nào được tính vào giá điện; ví dụ, chi phí cho Tạp chí Điện lực có được tính vào giá điện hay không?

Do đó, để tránh việc có những chi phí không phục vụ sản xuất kinh doanh điện được tính vào giá điện, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo minh định rõ nguyên tắc chỉ những chi phí phục vụ việc vận hành, cung ứng điện thì được tính vào giá điện. Các khoản chi phí cho những công việc mà nếu không có công việc đó thì cũng không ảnh hưởng đến việc vận hành, cung ứng điện trong ngắn hạn và dài hạn thì cần được loại ra khỏi giá điện.

Theo văn bản của VCCI, một số ý kiến từ các doanh nghiệp phản ánh với VCCI về việc giá điện hiện nay bao gồm cả chi phí tuyên truyền tiết kiệm điện cho các khách hàng sử dụng. Theo đó, các công ty điện lực vừa là bên bán điện (hưởng doanh thu từ sản lượng điện thương phẩm), lại đảm nhận việc tuyên truyền tiết kiệm điện cho người sử dụng là có dấu hiệu xung đột lợi ích.

Hơn nữa, việc đưa chi phí này vào giá điện cũng không phù hợp với nguyên tắc “giá điện chỉ bao gồm những chi phí phục vụ việc vận hành, cung ứng điện”.

VCCI nêu thực tế, chi phí tuyên truyền tiết kiệm điện của các công ty điện lực tăng khá nhanh. Theo báo cáo của EVN gửi cho đoàn kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện, tổng chi phí tuyên truyền tiết kiệm điện năm 2016 là 331 tỉ đồng, tăng lên 488 tỉ đồng năm 2017, tức là tăng 157 tỉ đồng, tương ứng với mức tăng 47%. Trong khi đó, hiệu quả của công tác này hiện chưa thực sự rõ ràng, thiếu những đánh giá khách quan.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc xem xét việc loại bỏ hay giới hạn chi phí tuyên truyền tiết kiệm điện đối với người sử dụng trong giá điện. Lưu ý, các chi phí tiết kiệm điện ở các khâu sản xuất, truyền tải và phân phối – bán lẻ vẫn được tính vào giá điện.

Sao vẫn coi phương án giá điện là tài liệu mật?

Một điểm đáng chú ý được VCCI nêu ra là hiện nay, các phương án giá điện vẫn được coi là tài liệu mật trước khi công bố. Thông thường, việc tăng giá điện chỉ được thông báo rộng rãi vào đúng thời điểm quyết định tăng giá có hiệu lực. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp sử đụng điện gặp khó khăn trong việc lên kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính.

VCCI cho rằng, việc đưa phương án giá các mặt hàng Nhà nước điều hành giá vào diện thông tin mật có thể xuất phát từ lo ngại tình trạng đầu cơ, găm hàng trước mỗi lần thay đổi giá. Tuy nhiên, việc đầu cơ, găm hàng đối với mặt hàng điện gần như là điều không thể.

Nguy cơ lớn nhất có thể xảy ra là khi một số doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất trước khi tăng giá điện khiến công suất phụ tải tăng, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống.

Song, theo các chuyên gia hệ thống điện mà VCCI trao đổi, việc này có thể xử lý rất dễ thông qua một vài biện pháp kỹ thuật và quản lý vận hành. Ví dụ, thời điểm tăng giá tránh thời điểm cao điểm về điện.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về việc công khai phương án giá điện trước khi tăng. Cụ thể, các phương án giá điện được công khai ít nhất 10 ngày trước khi được ban hành. Các quyết định tăng giá điện chỉ có hiệu lực sau ít nhất 15 ngày kể từ ngày ban hành.

Theo Trà Phương

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên