MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần tháo "room" cho tín dụng tiêu dùng?

21-03-2019 - 22:09 PM | Tài chính - ngân hàng

Chuyên gia cho rằng hạn mức 100 triệu đồng cho mỗi khoản vay hay "room" phần trăm của tín dụng tiêu dùng như các khoản tín dụng khác là chưa thoả đáng...

PGS.TS. Đỗ Hoài Linh
PGS.TS. Đỗ Hoài Linh
Viện Ngân hàng Tài chính - Đại học Kinh tế Quốc Dân
16 bài viết

Tham gia thảo luận tại Toạ đàm "Đi tìm giải pháp mở rộng tín dụng, "giải cứu" người dân khỏi tín dụng đen" do CafeF phối hợp với Báo điện tử Trí thức trẻ tổ chức chiều ngày 21/3/2019, TS. Đỗ Hoài Linh, giảng viên Viện Tài chính Ngân hàng ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, với đặc tính không có tài sản thế chấp, thủ tục nhanh gọn, đảm bảo được tính an toàn cho người vay, bên cạnh mạng lưới rộng khắp thì các khoản vay tiêu dùng của ngân hàng và công ty tài chính có thể thay thế được tín dụng đen.

Tuy nhiên, bà Linh cũng thừa nhận, với thị trường 60 triệu dân sống tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì sự hiện diện của hệ thống tín dụng chính thức vẫn còn rất thiếu so với nhu cầu, cộng với tâm lý e ngại của người dân tiếp xúc với kênh tín dụng chính thức nên tín dụng đen vẫn là kênh cung cấp vốn chủ yếu. Do đó, bên cạnh Công ty tài chính, cần nhiều hơn nữa sự đa dạng của những hình thức tổ chức cung cấp tín dụng để hơn phù hợp với từng phân khúc khách hàng với mục đích vay vốn và độ rủi ro khác nhau, từ đó mới có thể đẩy lùi được tín dụng đen. Đây có thể là một kênh tương đối để có thể giúp đẩy lùi tín dụng đen.

Song để mở rộng được tín dụng tiêu dùng nhằm đẩy lùi tín dụng đen nhiều nhất có thể là điều cũng không dễ dàng, nhất là trong bối cảnh các quy định về hạn mức cho vay hiện nay. Trên cơ sở đó, chuyên gia cũng thảo luận về việc nên chăng tháo gỡ các quy định đó?

Về vấn đề này, TS. Đỗ Hoài Linh cho rằng, trước hết cần phải xác định rõ: Hiện tại, pháp luật của chúng ta chỉ quy định trong Điều 3 Thông tư 43/2016 của Ngân hàng Nhà nước room trong cho vay tiêu dùng của công ty tài chính là 100 triệu đồng. Và trong khu vực tín dụng chính thức không chỉ có công ty tài chính cung cấp cho vay tiêu dùng, do đó, không có việc giới hạn cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng khác như ngân hàng...

Và theo bà, hạn mức 100 triệu đồng là chật hẹp, và bà đề xuất nên thay đổi bằng tỷ lệ % của Vốn tự có của Công ty tài chính, tương tự với tỷ lệ quy định giới hạn cấp tín dụng trong Thông tư 36/2014/TT-NHNN, như thế sẽ phù hợp hơn cả về quản lý an toàn hoạt động của Công ty tài chính, cũng như nâng cao tính phù hợp của số tiền tối đa có thể cho vay với nhu cầu của khách hàng.

Chuyên gia ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu thì nêu quan điểm "không đồng ý có "room" nào cho tín dụng tiêu dùng, cả vi mô lẫn vĩ mô". Bởi theo ông, hiện nay, tín dụng tiêu dùng có tỷ lệ khoảng 20% trên tổng dư nợ nhưng thực tế nhu cầu và khả năng cung cấp còn cao hơn nhiều. "Mình đưa ra một "room" vĩ mô là không hợp lý vì so với các nước xung quanh tín dụng tiêu dùng của mình còn thấp và đang phát triển. Phải để cho các ngân hàng, công ty tài chính được tự do lựa chọn mức tăng phù hợp, họ được chọn phân khúc phù hợp với túi tiền, khách hàng của họ" - ông Hiếu nói.

Bàn thêm về hạn mức cho vay 100 triệu đồng ở thông tư 43, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói hiện không có nền tảng nào cho thấy đó là mức hợp lý. "Nếu nó phù hợp thì vẫn là tín dụng tiêu dùng, tại sao phải giới hạn?" - ông đặt câu hỏi.

Nhóm PV

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên