MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung: Vì đâu nên nỗi

10-05-2018 - 12:20 PM | Tài chính quốc tế

Căng thẳng leo thang có thể khiến quan hệ kinh tế Mỹ-Trung dần rạn nứt và đổ vỡ, và chính hai cường quốc kinh tế thế giới này sẽ phải trả giá đắt.

Nguyên nhân xung đột đến từ cả hai bên

Nền móng của mối quan hệ Mỹ - Trung cũng "giòn tan" như chính bản thân mối quan hệ giữa hai cường quốc này suốt hàng chục năm qua. Sự hội tụ các yếu tố từ cả hai bờ Thái Bình Dương đã đẩy mối quan hệ này đến điểm bấp bênh như hiện tại.

Trong đó về phía Trung Quốc, các chính sách kinh tế theo thuyết trọng thương, cùng với những động thái mạnh mẽ hơn về quân sự và thái độ ngó lơ những quan ngại về thương mại từ phía Mỹ cùng với những nỗ lực gây ảnh hưởng đối với quan điểm chính trị của Mỹ và tiêm nhiễm những căng thẳng về tư tưởng vào mối quan hệ song phương là những yếu tố góp phần đẩy quan hệ hai nước đi vào căng thẳng.

Về phía Mỹ, thay vì theo đuổi một chiến lược nghiêm túc để giải quyết các vấn đề cụ thể, thì chính quyền của Tổng thống Donald Trump lại cho thấy họ ưa thích sự đối đầu, trong khi phương pháp này không những không khiến Trung Quốc phản ứng một cách tích cực hơn trước những lo ngại của Mỹ, mà còn gây tổn hại cho chính các doanh nghiệp và người lao động Mỹ.

Việc Washington không đặt trọng tậm vào sự phối hợp chính sách đã khiến cho các bộ phận khác nhau trong Chính phủ Mỹ tự hiểu những lời lẽ của Tổng thống Trump về Trung Quốc như là sự cho phép họ được thực hiện những kế hoạch ưu tiên của mình. Kết quả là một loạt các động thái trong nhiều vấn đề được đưa ra gần như đồng thời, từ vấn đề Đài Loan, Tây Tạng, đến thương mại, công nghệ, hành pháp và cả hàng hải.

Việc thiếu ưu tiên trong mối quan hệ với Trung Quốc như vậy đã phủ nhận hoàn toàn sự nghiêm túc của Mỹ trong việc tìm cách giải quyết các vấn đề cụ thể, mà thay vào đó còn làm gia tăng những nghi ngờ của Bắc Kinh rằng đứng sau những nỗ lực của Mỹ là nỗi lo ngại về sự suy giảm thế lực của Washington và sự nổi lên của Bắc Kinh.

Đặc biệt, trong các vấn đề thương mại, chính quyền Trump đã không truyền trải một thông điệp nhất quán và mạch lạc giúp nêu bật những mối quan ngại cụ thể của mình, xác định những mục tiêu rõ ràng và vạch ra một chiến lược để đạt được những mục tiêu đó. Thay vì vậy, Tổng thống Trump lại cứ ám ảnh với vấn đề thâm hụt thương mại, trong khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ thì nói về việc đàm phán một thỏa thuận với Trung Quốc, còn Đại diện Thương mại Mỹ thì "nhai đi nhai lại" sự cần thiết phải thay đổi mô hình kinh tế của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, cùng lúc đó Tổng thống Trump lại thường xuyên dành những lời có cánh cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cứ như thể vị lãnh đạo này không có liên quan gì đến những chính sách của Bắc Kinh mà Washington đang cật lực phản đối, từ đó làm dịu đi những áp lực mà giới chức thương mại Mỹ đang cố gia tăng đối với Trung Quốc.

Trong khi đó, bằng việc đưa ra những động thái mới về vấn đề Đài Loan cùng lúc với những lời đe dọa đánh thuế trừng phạt, chính quyền Trump đã làm loãng đi vấn đề thương mại và chuyển hướng tập trung của Bắc Kinh sang vấn đề Đài Loan. Hai vấn đề thương mại và Đài Loan lại giành giật nhau vị trí trọng tâm ở Bắc Kinh trong những ngày này, trước sự lo lắng của những quan chức Mỹ đang tìm cách khiến Trung Quốc tập trung vào việc bãi bỏ những chính sách công nghiệp của mình.

Trước tình hình đó, Trung Quốc đã đáp lại Mỹ bằng thái độ dù có phần lúng túng nhưng vẫn rất kiên định. Trong nước, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi Trung Quốc phải thật vững vàng, tự lập hơn và giảm sự phụ thuộc vào Mỹ. Các cơ quan truyền thông nhà nước đã phát đi tín hiệu rằng khu vực nhà nước sẽ duy trì vai trò trung tâm trong nền kinh tế Trung Quốc, sáng kiến Made in China 2025 vẫn không có thay đổi gì, và sáng kiến Vàng đai và Con đường cũng sẽ vẫn tiến triển như bình thường. Ông Tập còn tận dụng tình hình căng thẳng thương mại Mỹ-Trung để kêu gọi và cổ vũ Trung Quốc phát triển các sản phẩm chip, bán dẫn và các sản phẩm đầu vào khác cho các ngành công nghệ cao của thế kỷ 21.

Phép thử cho mối quan hệ Trump - Tập

Những căng thẳng thương mại song phương này có thể là phép thử cho mối quan hệ giữa hai vị lãnh đạo Donald Trump và Tập Cận Bình. Trong đó, không phải đối mặt với cuộc bầu cử nào sắp tới, ông Tập tin rằng mình có lợi thế hơn Tổng thống Mỹ, người phải đối diện với các cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 sắp tới và một chiến dịch tái tranh cử vào năm 2020. Dù cho Trung Quốc sẽ mất nhiều hơn trong một cuộc chiến thương mại với Mỹ thì Chủ tịch nước này vẫn tin rằng hệ thống chính trị của Trung Quốc sẽ giúp ông "giảm đau" tốt hơn Tổng thống Trump.

Trong khi đó, ông Trump cũng có những lá bài của riêng mình để đối phó với Trung Quốc. Kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ của Trung Quốc thấp hơn sẽ tạo cho Trump một lợi thế trong việc đánh thuế vì Bắc Kinh sẽ bị trượt mục tiêu trước Washington. Washington còn có khả năng thắt chặt kiểm soát hoạt động đầu tư ra nước ngoài và đầu tư nước ngoài vào Mỹ, cũng như hạn chế hơn nữa việc xuất khẩu các sản phẩm đầu vào chủ chốt cho quá trình hiện đại hóa nền kinh tế của Trung Quốc, từ đó kìm hãm nước này leo cao trên chuỗi giá trị.

Washington còn có thể hạn chế cấp visa cho các sinh viên Trung Quốc, trong đó có bộ bốn lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, nhằm ngăn chặn việc chuyển giao bí quyết sản xuất, dù trên thực tế sinh viên Trung Quốc cũng có thể chuyển hướng sang Anh, Canada, Australia, và những nơi khác.

Nếu hai bên vẫn quyết đấu tới cùng thì sẽ không có ai là người thắng cuộc. Căng thẳng leo thang có thể khiến quan hệ kinh tế Mỹ-Trung dần rạn nứt và đổ vỡ, và chính hai cường quốc kinh tế thế giới này sẽ phải trả giá đắt. Mỹ không phải là quốc gia duy nhất bị Trung Quốc dồn ép bởi những biện pháp thương mại thiếu công bằng của mình. Thay vì đối đầu, Washington cần phải hợp tác để tháo gỡ vấn đề với Bắc Kinh. So với việc "nằm mơ" rằng những biện pháp ăn miếng trả miếng bằng thuế quan có thể làm thay đổi các chính sách kinh tế của Trung Quốc mà không gây tổn hại cho người lao động Mỹ thì con đường hợp tác và đàm phán tỏ ra đỡ gập ghềnh và khả thi hơn cả.

Khánh Ly

Viện Brookings

Trở lên trên