MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cảnh báo ngày càng nhiều người mắc bệnh thận: Chuyên gia đầu ngành chỉ 3 dấu hiệu cần nhớ

02-04-2019 - 14:34 PM | Sống

Bệnh thận mạn tính và suy thận mạn tính căn bệnh đang có xu hướng gia tăng và hàng triệu người bệnh phải duy trì lọc máu suốt đời.

Gia tăng bệnh thận

Theo số liệu thống kê của Hội Thận học thế giới, ước tính khoảng 500 triệu người đang có vấn đề về bệnh lý mãn tính ở thận trên thế giới.

PGS Đỗ Gia Tuyển, Trưởng khoa Thận tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết bệnh thận mãn tính đang gia tăng, một báo cáo của Mỹ cho thấy: 16,8% người trưởng thành (từ 20 tuổi trở lên) mắc bệnh thận mạn, hơn 500.000 bệnh nhân điều trị thận suy bằng lọc máu và ghép thận.

Tỉ lệ hiện hành của bệnh nhân bệnh thận mạn giai đoạn cuối ở Mỹ đang tăng lên, trong khi tỉ lệ mắc mới khá ổn định; điều đó cho thấy lượng bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối tăng lên chủ yếu do tuổi thọ của các bệnh nhân này ngày càng cao.

Ở Việt Nam chưa có nghiên cứu trên toàn quốc, tuy nhiên nghiên cứu theo từng vùng địa lý cho thấy tỷ lệ người mắc bệnh thận mạn ngày càng tăng cao.

Một người được coi là mắc bệnh thận mạn, khi có 1 trong hai tiêu chuẩn:

Thứ nhất: Là tổn thương cấu trúc hoặc chức năng thận kéo dài trên 3 tháng, có kèm hoặc không kèm giảm mức lọc cầu thận (GFR), bao gồm tổn thương bệnh học thận (trên sinh thiết) hoặc bất thường trong xét nghiệm nước tiểu hoặc máu, hoặc trên chẩn đoán hình ảnh.

Thứ hai: GFR nhỏ hơn 60ml/phút/ 1.73m2 kéo dài trên 3 tháng, có kèm hoặc không kèm tổn thương thận.

Cảnh báo ngày càng nhiều người mắc bệnh thận: Chuyên gia đầu ngành chỉ 3 dấu hiệu cần nhớ - Ảnh 1.

Bệnh thận mãn tính nguy hiểm.

Còn với bệnh thận mãn tính đây là tình trạng suy giảm chức năng thận mạn tính không hồi phục theo thời gian nhiều tháng, nhiều năm, do tổn thương không hồi phục về số lượng và chức năng của các nephron. Bệnh nhân chỉ được coi là suy thận mạn khi mắc bệnh thận mạn có mức lọc cầu thận < 60ml/phút tương ứng với bệnh thận mạn giai đoạn III, IV, và V.

Với bệnh nhân bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối là giai đoạn nặng nhất của bệnh thận mạn tính. Các biểu hiện gặp trên lâm sàng là do hậu quả của tình trạng tích tụ các độc chất, nước và điện giải trong máu.

Hậu quả cuối cùng biểu hiện trên lâm sàng là hội chứng urê máu cao. Suy thận mạn giai đoạn cuối tương ứng với bệnh thận mạn tính giai đoạn V.

Nguyên nhân bệnh thận mạn tính theo PGS Tuyển tại nước ta nguyên nhân hàng đầu vẫn là bệnh cầu thận mạn các thể loại khác nhau, sau đó đến viêm thận bể thận mạn do sỏi, đái tháo đường, tăng huyết áp.

Cảnh báo ngày càng nhiều người mắc bệnh thận: Chuyên gia đầu ngành chỉ 3 dấu hiệu cần nhớ - Ảnh 2.

PGS Đỗ Gia Tuyển – Trưởng khoa Thận tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai.

Ngoài ra, bệnh thận mạn tính còn do các nguyên nhân khác: bệnh lý đường tiết niệu, thận đa nang, lupus, bệnh thận do thuốc giảm đau, không rõ nguyên nhân….

Chính vì thế, PGS Đỗ Gia Tuyển cho hay những người có nguy cơ cao mắc bệnh thận mạn: Đái tháo đường,tăng huyết áp, xơ vữa mạch, suy tim, bệnh tiết niệu; bệnh thận –tiết niệu tắc nghẽn,bàng quang thần kinh, các bệnh dị dạng đường tiết niệu cần phẫu thuật; bệnh hệ thống gây tổn thương thận: Lupus ban đỏ hệ thống (SLE), viêm mạch, viêm khớp dạng thấp, đa u tủy xương (Myeloma hoặc ahler)...

Những người dùng kéo dài những thuốc sau: Giảm đau chống viêm,thuốc ức chế Calcineurin, Lithium cacbonate, Aminosalicylates. Những người có bố (mẹ) mắc bệnh thận mạn giai đoạn 3-5 và người trên 65 tuổi.

Các triệu chứng cảnh báo bệnh thận

1. Đau, có thể đau quặn thận: khởi phát đột ngột, thường đau một bên, vị trí thường gặp là đau hông lưng, hạ sườn, hố chậu, mức độ đau tăng dần có khi rất dữ dội, kéo dài 5-10 phút hoặc kéo dài hàng giờ. Kèm theo có thể là đái máu, sốt cao. Đau do ứ mủ, ứ nước thận: vỗ vùng hông lưng làm tăng cơn đau.

2. Phù, phù thận là phù mềm, trắng, ấn lõm. Phù xuất hiện ở mi mắt, mặt sau đó mới xuống chân và toàn thân

3. Triệu chứng nước tiểu

Đái ít, vô niệu: Đái ít khi nước tiểu dưới 500 ml/24 giờ hoặc dưới 0.4 ml/giờ.

Trường hợp vô niệu do thận không sản xuất nước tiểu do mất chức năng. Vô niệu hoàn toàn khi một ngày không đái được một giọt nước tiểu nào, siêu âm hoặc thông bàng quang không thấy nước tiểu. Trong khám chữa bệnh (vô niệu lâm sàng) khi lượng nước tiểu dưới 100ml/24 giờ thì phải coi là vô niệu hoàn toàn.

Đái nhiều: Bình thường lượng nước tiểu khoảng 1.2 – 1.5 lít /ngày. Có thể nhiều hơn phụ thuộc lượng nước ăn, uống vào. Đái nhiều bệnh lý khi lượng nước tiểu trên 2.5 lít /ngày, thậm chí 4-6 lít/ngày hoặc 10 lít/ngày.

Đái máu là sự xuất hiện hồng cầu trong nước tiểu. Đái máu đại thể là có thể nhìn thấy máu trong nước tiểu, khi đó số lượng hồng cầu trên 300.000 hồng cầu/ml.

Theo Ngọc Anh

Trí thức trẻ

Trở lên trên