MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cảnh báo trẻ có thể phỏng nặng vì một việc cha mẹ nào cũng làm trong dịp Tết

18-01-2017 - 15:03 PM | Sống

Ngoài phỏng do nước sôi, thức ăn nóng ngày tết, trẻ em còn có thể bị bỏng nặng do người lớn đốt vàng mã.

Theo bác sĩ Đặng Thị Thanh Thúy, Phó Khoa Phỏng – Tạo hình BV Nhi Đồng 1 TPHCM, không chỉ riêng các dịp lễ, mà những ngày tết hoặc cận tết, BV đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ em bị phỏng nước sôi, thức ăn nóng, phỏng điện. Bên cạnh đó, trẻ bị phỏng do người lớn đốt vàng mã là điều đáng báo động nhưng lại ít ai nghĩ tới.

Phỏng nặng do đốt vàng mã

Các ngày lễ, tết là dịp để mọi người tỏ lòng thành kính đối với tổ tiên, ông bà. Ở nhiều nơi, đốt vàng mã cho người đã khuất đã trở thành tục lệ không thể thiếu. Nhiều gia đình hay đốt vàng mã trong dụng cụ chứa bằng kim loại.

Sau khi đốt vàng mã, đa số mọi người thường chỉ dọn dẹp thau. Ít ai nghĩ đến việc mang thau đi rồi thì tại nền đặt thau là rất nóng với lượng nhiệt tương đương nhiệt của đống ung lửa. Nếu trẻ vô tình đến khu vực này chơi, giẫm phải vị trí đặt thau thì sẽ bị phỏng ngay.

"Nguy hiểm ở chỗ có nhiều trẻ không biết cách bước ra mà đứng im ở vị trí nhiệt, đến khi gia đình phát hiện thì lòng bàn chân trẻ đã bị phồng da, phỏng sâu, có thể hoại tử cả bàn chân. Đã có trường hợp khi trẻ được đưa vào BV cấp cứu khi đôi chân bị tổn thương nặng nề, da lòng bàn chân và các ngón chân co rút, hoại tử. Di chứng là chín và rụng luôn ngón chân", BS Thúy cho biết.

BS Thúy chăm sóc cho bé N.V.Q.D (SN 2015), bé bị phỏng nước sôi khi tự với tay lấy bình giữ nhiệt.
BS Thúy chăm sóc cho bé N.V.Q.D (SN 2015), bé bị phỏng nước sôi khi tự với tay lấy bình giữ nhiệt.

Người nhà không nên chủ quan khi nghĩ rằng chỉ tiếp xúc với nước nóng, lửa, than nóng thì trẻ mới bị phỏng. Ngay vị trí đặt thau đốt vàng mã, nhiệt độ được truyền xuống nền cũng rất cao. Khi giẫm phải, trẻ có thể bị bỏng cấp độ 2, 3.

Sau khi tai nạn xảy ra với trẻ, vẫn có trường hợp gia đình tự ý điều trị cho trẻ tại nhà bằng cách đắp thuốc, đắp lá cây, kem bôi, để lâu tại nhà… Hành động này vô tình làm vết thương của trẻ bị nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu, hoại tử tại nơi phỏng rất nguy hiểm cho tính mạng của trẻ.

"Ngoài việc trẻ bị phỏng do đốt vàng mã, thì số lượng trẻ bị phỏng nước sôi, phỏng thức ăn nóng, phỏng điện,… vẫn xảy ra rất nhiều vào các dịp lễ, tết. Năm vừa rồi, số lượng trẻ em vào BV cấp cứu rất đông, trung bình mỗi ngày có hàng trăm ca, trong đó có khoảng 20 ca nặng BV phải lưu lại để điều trị lâu dài.", BS Thúy thông tin thêm.

Đề phòng và sơ cứu khi trẻ bị phỏng

BS Thúy khuyến cáo, mùa tết là "mùa của phỏng", tai nạn xảy ra rất nhiều do các bé hiếu động. Ở độ tuổi mới biết đi đến 7 tuổi là giai đoạn trẻ thích khám phá. Việc thích đi lại và tò mò khiến nhiều trẻ đến gần khu vực bếp, nơi đốt lửa, nếu trẻ té ngã ở khu vực này thì rất nguy hiểm. Đặc biết là những vùng nông thôn hay có phong tục nấu bánh tết, nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.

Vì vậy, khi gia đình tổ chức nấu ăn, nấu bánh tết thì nên cử người trông giữ trẻ. Hạn chế cho trẻ lại gần nơi nấu nướng, quan sát trẻ khi chúng vào.

Lúc đốt giấy tiền nên chọn vị trí xa khu vực chơi đùa của trẻ. Khi đốt xong, ngoài việc dọn dẹp thau đốt, người đốt phải tạt nước ngay vào vị trí đặt thau để giảm nhiệt. Cảnh báo trẻ không nên đến gần, hoặc dùng đồ vật cách nhiệt tạm thời che lại vị trí nhiệt.

Những dụng cụ sử dụng điện phải để cách xa tầm tay trẻ, dọn dẹp ngay các ổ cắm, dây sạc sau khi sử dụng.

Vào dịp lễ, tết, BV Nhi Đồng 1 phải cấp cứu rất nhiều trẻ bị tai nạn dẫn đến phỏng.
Vào dịp lễ, tết, BV Nhi Đồng 1 phải cấp cứu rất nhiều trẻ bị tai nạn dẫn đến phỏng.

Khi tai nạn xảy ra, người phát hiện phải lập tức rửa vùng phỏng bằng nước sạch, nước đá, dưới vòi nước, hoặc đặt vùng phỏng vào thau nước trong thời gian ít nhất 10 phút, để hạ nhiệt độ. Có nhiều trường hợp những bà mẹ nghĩ rửa nước nơi phỏng chỉ là rửa thông thường, họ chỉ rửa sơ một lần rồi thôi, trẻ vẫn bị tổn thương cao.

Nếu trẻ bị phỏng điện thì phải ngắt nguồn điện ngay, sau đó đưa trẻ ra khỏi vùng điện. Trường hợp trẻ bị ngưng tim thì phải nhồi tim, hô hấp nhân tạo. Sau đó người nhà nhanh chóng đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu và được chăm sóc vết thương, tránh nhiễm trùng.

Khi trẻ được xuất viện về nhà, nếu không biết cách chăm sóc vết thương, cha mẹ không nên tự ý thay băng mà hãy đưa trẻ cùng thuốc bôi, kem bôi của bệnh viện đến những cơ sở y tế nhờ nhân viên tại đây vệ sinh và thay băng vết thương đúng cách. Trẻ hiếu động nên thường tự ý tháo băng, làm tổn thương vùng phỏng,vì vậy cha mẹ nên quan sát trẻ trong thời gian này.

Trẻ bị phỏng không hạn chế dinh dưỡng, vẫn nên để trẻ vận động đặc biệt là ở phần tay, chân, các khớp nhằm phòng ngừa biến chứng co rút và sẹo lồi.

Theo Phạm An

Trí thức trẻ

Trở lên trên