MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cạnh tranh quyết liệt vị trí số 1 lợi nhuận ngân hàng tư nhân Việt Nam

20-01-2020 - 11:03 AM | Tài chính - ngân hàng

Cuộc đua giữa các ngân hàng cổ phần tư nhân trở nên vô cùng gay cấn, với sự cạnh tranh quyết liệt kéo dài nhiều năm qua giữa bộ ba Techcombank, MBBank và VPBank.

Thời hạn chót công bố báo cáo tài chính năm 2019 đang đến gần. Cho tới thời điểm hiện tại, đã có 16 ngân hàng công bố kết quả kinh doanh.

Trong đó, với lợi thế lớn về thương hiệu, quy mô, nhóm "big 4" ngân hàng có vốn nhà nước chi phối bao gồm Vietcombank, Agribank, VietinBank và BIDV vẫn đang dẫn đầu hệ thống về con số lợi nhuận theo giá trị tuyệt đối.

Và dường như năm nay, cuộc đua vị trí ngân hàng số 1 Việt Nam giữa các "ông lớn" đã ngã ngũ, khi Vietcombank cán mốc lợi nhuận 1 tỷ USD trong khi các chỉ số về vốn hóa thị trường, thu nhập bình quân cán bộ nhân viên, tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu,… cũng đang dẫn đầu hệ thống.

Cuộc đua còn lại giữa các ngân hàng vốn tư nhân cũng đang trở nên vô cùng gay cấn, với sự cạnh tranh quyết liệt đã kéo dài nhiều năm qua giữa bộ ba Techcombank, MBBank và VPBank.

Cạnh tranh quyết liệt vị trí số 1 lợi nhuận ngân hàng tư nhân Việt Nam - Ảnh 1.

Dữ liệu trên cho thấy VPBank và Techcombank đã có quãng bứt phá lợi nhuận rất nhanh những năm gần đây.

Trước đó, trong giai đoạn 2007 – 2011, Techcombank vươn lên vị trí đầu tàu của khối với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận kép bình quân hàng năm lên tới 56,1% trong khi tại MBBank, con số này là 44,1% và tại VPBank là 35,8%.

Một trong những yếu tố quan trọng giúp Techcombank đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn này chính là quyết định táo bạo dám chi tới 20 tỷ đồng (tương đương tới 1/5 vốn điều lệ khi đó) để triển khai đề án hiện đại hóa công nghệ, trang bị hệ thống core banking của Temenos từ rất sớm, từ năm 2001.

Quyết định dám chi một khoản tiền lớn cho công nghệ trong khi các ngân hàng khác còn chưa nghĩ tới, khi các tiện ích về thẻ, ATM, Internet Banking, Mobile Banking ở Việt Nam mới chỉ đang ở giai đoạn sơ khai đã giúp Techcombank có sự bứt phá lớn về dịch vụ, cạnh tranh ngang ngửa với nhóm "big 4" vốn có lợi thế lớn về tiềm lực tài chính.

Techcombank giai đoạn này nổi lên trên thị trường với các dịch vụ tiện ích hiện đại và hiệu quả, tạo lợi thế cạnh tranh lớn, thu hút đông đảo khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Nhờ đó, ngân hàng luôn dẫn đầu hệ thống về thu từ dịch vụ, quanh mức 40% tổng lợi nhuận thuần, trong khi tại hầu hết các thành viên khác, con số này chỉ trên dưới 10%.

Tuy nhiên, bước sang giai đoạn 2012 – 2015, thị trường chứng kiến sự đổi ngôi khi Techcombank chịu ảnh hưởng tiêu cực của một số đồn đoán thất thiệt trong khi Ban lãnh đạo cấp cao của ngân hàng cũng có nhiều thay đổi. Điều này phần nào ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của nhà băng. Và đó cũng là giai đoạn bối cảnh chung thị trường, của ngành bộc lộ nhiều khó khăn và rủi ro.

Trong khi đó, nhờ các giải pháp đổi mới tổng thể từ mở rộng quy mô hoạt động, phát triển mạng lưới, đầu tư công nghệ, tổ chức lại đơn vị kinh doanh theo nhóm khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp SME đã thực hiện trong giai đoạn trước đó, MBBank đã vươn lên dẫn đầu nhóm ngân hàng thương mại tư nhân. Sự ổn định của ngân hàng này thể hiện rõ, tạo thế vươn lên dẫn đầu khối khi hầu hết các thành viên khác đều chùng xuống giai đoạn 2012 - 2015.

Các lĩnh vực mới mà MBBank tham gia như bảo hiểm, tín dụng tiêu dùng cũng bắt đầu mang lại những kết quả tích cực. Nhưng vị trí số 1 lợi nhuận của khối ngân hàng vốn tư nhân Việt Nam tiếp tục có thay đổi.

Sang giai đoạn 2016 – 2018, thị trường tiếp tục chứng kiến cuộc so kè quyết liệt giành ngôi "vương" của khối giữa bộ ba Techcombank, MBBank và VPBank.

Và cho tới thời điểm hiện tại, trong khi Techcombank và VPBank còn chưa công bố kết quả kinh doanh, thì MBBank đang tạm thời là ngân hàng ngoài khối quốc doanh có lợi nhuận cao nhất, đạt trên 10.000 tỷ đồng, tăng 30%.

Trước đó, trong năm 2018, Techcombank là nhà băng duy nhất trong nhóm này có lợi nhuận trên 10.000 tỷ.

Với những diễn biến trên, năm 2019 sẽ là một ẩn số thú vị khi VPBank đang có xu hướng trở lại mạnh hơn, qua cập nhật kết quả của một số quỹ trong năm.

Ngoài ra, vào cuối tháng 12/2019, ngân hàng này bất ngờ thông báo đã hoàn thành xong việc mua lại toàn bộ dư nợ trái phiếu đặc biệt tại VAMC.

Tổng giá trị dư nợ trái phiếu được VPBank mua lại từ VAMC riêng trong năm 2019 là hơn 3.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân hàng trích lập hơn 1.400 tỷ đồng để xử lý số dư nợ trái phiếu tại VAMC nói trên, tương đương khoảng 45%. Tỷ lệ này được đánh giá gần như tốt nhất trong số các ngân hàng đã hoàn tất xử lý nợ xấu tại VAMC.

Kế hoạch xử lý rốt ráo phần trái phiếu đặc biệt này đã đưa tỷ lệ nợ xấu bao gồm cả dư nợ tại VAMC của VPBank từ mức 5,73% tại quý III/2018 giảm còn 2,84% vào cùng kỳ năm 2019.

Điều này sẽ giúp ngân hàng có thể tiết kiệm đáng kể chi phí dự phòng ở hoạt động này trong thời gian tới và tạo động lực cho tăng trưởng lợi nhuận các năm tiếp theo.

Riêng trong năm 2019, với việc ghi nhận lợi nhuận trước thuế 9.400 tỷ đồng qua 11 tháng đầu năm, thì việc vượt 10.000 tỷ đồng trong năm nay của ngân hàng không phải là chuyện xa vời.

Trong khi đó, sau khi kết thúc quý III/2019, lãnh đạo Techcombank cũng đã có dự tính chỉ tiêu 11.750 tỷ đồng lợi nhuận là trong tầm tay.

Với MBBank đã có ước tính công bố, VPBank dự kiến có bất ngờ, Techcombank nắm chắc chỉ tiêu, cuộc đua vị trí số 1 lợi nhuận theo con số tuyệt đối của khối ngân hàng tư nhân ở bộ ba này trở nên sát sao và quyết liệt. Kết quả cuối cùng sẽ sớm được xác định trong ít ngày tới.

Theo Trần Thúy

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên