MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cao tốc Bắc Nam là điểm nhấn BOT, người dân muốn đi đường tốt phải trả tiền

Các dự án BOT trong thời gian tới sẽ chỉ tập trung vào các công trình có tính đột phá, tuyến mới mà trọng điểm là tuyến cao tốc Bắc Nam.

Đó là thông tin được ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đưa ra khi trao đổi với chúng tôi về việc quản lý, nâng cao hiệu quả và định hướng sử dụng các dự án BOT.

Tại sao vẫn có những tuyến đường người dân không đi qua nhưng vẫn phải đóng phí, thưa Thứ trưởng?

Bộ Giao thông Vận tải đã rà soát các trạm thu phí trên địa bàn toàn quốc. Về cơ bản các trạm đáp ứng yêu cầu Chính phủ đề ra. Chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ cho doanh nghiệp tiếp tục thu, khi kết thúc sẽ không lặp lại dự án đó nữa.

Tuy nhiên, do lịch sử để lại nên một số trạm được mở ra để thu phí hoàn vốn cho tuyến đường khác và hiện thời gian thu phí không còn nhiều.

Một nguyên nhân nữa là do khi chúng ta xây dựng hầm hay cầu thì phải đặt trạm thu phí tại đó.

Tuy nhiên khi đặt tại đó thì lại rất gần các trạm thu phí đã xây dựng trước đó nên phải dời đi. Khi di dời các trạm này, chúng tôi cũng đã tính toán việc người dân đi qua đó không bị thiệt hại về mặt tài chính.

Ví dụ hầm Phước Tượng – Phú Gia đặt ở phía Nam hầm Hải Vân, sắp tới khi làm hầm Hải Vân 2 thì sẽ kết hợp trạm thu phí này với trạm thu phí trước cho cả 2 dự án.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các doanh nghiệp đến thời điểm tăng phí như trạm Hòa Bình, VEC, trạm Mỹ Lộc đều dừng lại hết trong năm nay.

Thế nhưng việc quản lý và đi vào vận hành hầu hết các dự án BOT vẫn còn nhiều bất cập khiến người dân bức xúc?

Trong quá trình thực hiện đầu tư các dự án BOT chúng tôi thực hiện theo Nghị định 108 trước đây và hiện nay là Nghị định 15, Nghị định 30. Tất cả đều có quy trình thực hiện từ lập dự án đầu tư, ký kết, thực hiện hợp đồng và quản lý dự án.

Trong thời gian vừa qua Bộ Giao thông Vận tải nhận thấy việc tuyên truyền thông tin về các dự án chưa được đầy đủ. Chính vì thế trong quá trình thực hiện giám sát của các cơ quan Bộ ngành còn thiếu điều đó.

Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan đề xuất thực hiện dự án, trên cơ sở đó nhà đầu tư lập kế hoạch đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cấp giấy phép đầu tư sau khi xin ý kiến của các Bộ ngành, địa phương liên quan. Trong quá trình thực hiện đã đánh giá đến tác động môi trường xã hội đầy đủ.

Trong thời gian qua số lượng dự án BOT là tương đối lớn nên cũng có những yếu tố ảnh hưởng đến doanh nghiệp người dân. Vừa qua chúng tôi đã trình Chính phủ đề án tổng thể về đầu tư BOT, PPP.

Vậy Thứ trưởng cho biết đề án tổng thể trong đầu tư BOT giai đoạn tới sẽ tập trung những gì?

Thứ nhất tập trung vào đầu tư các dự án có tính chất đột phá, đặc biệt tuyến cao tốc Bắc Nam.

Thứ hai nâng cấp các tuyến nối liền trung tâm kinh tế với nhau, trên cơ sở nhà nước và các nhà đầu tư tư nhân cùng thực hiện theo hình thức PPP. Thứ ba thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư hạ tầng.

Cuối cùng, kiến nghị Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Thông tư hướng dẫn cụ thể hơn.

Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ cùng các Bộ ngành khác đưa ra một lộ trình đầu tư hợp lý hơn, mức phí hợp lý hơn, thời gian hoàn vốn hợp lý hơn.

Việc đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân được Bộ Giao thông Vận tải tính toán như thế nào?

Trong thời gian tới việc đầu tư các dự án BOT phải lựa chọn để đảm bảo các lợi ích, trong đó là lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp để tránh tăng chi phí vận tải.

Thứ hai là tập trung đầu tư vào các tuyến để người dân có sự lựa chọn. Nếu người dân, doanh nghiệp không muốn đi vào tuyến cao tốc thì có thể đi vào tuyến đường còn lại. Như vậy có sự công bằng hơn.

Thứ ba là sẽ tập trung vào công nghệ mới để giảm suất đầu tư xuống. Mục tiêu là giảm mức phí xuống, thời gian thu phí ngắn hơn.

Sắp tới sẽ đầu tư vào các tuyến cao tốc là chủ yếu còn những tuyến không phải là cao tốc người dân sẽ không phải đóng phí hoặc đóng phí thấp hơn. Để có sự lựa chọn doanh nghiệp phải đi qua.

Muốn đi đường tốt thì phải trả tiền

Việc thu hút đầu tư BOT mới chỉ tập trung ở các nhà đầu tư trong nước, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài chưa dám rót vốn vào. Theo ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) cho rằng có nhiều nút thắt trong thu hút đầu tư BOT đang khiến nhà đầu tư nản lòng.

Đó là vấn đề giải phóng mặt bằng, pháp lý, biểu giá và mức thu phí, lợi nhuận nhà đầu tư, thanh kiểm tra, vay vốn ngân hàng trong nước, quyền tự quyết toán dự án, niêm yết dự án BOT trên sàn chứng khoán….

Do đó, nhà đầu tư này cho rằng, chính sách mời gọi đầu tư nên tập trung vào dự án mới, người dân muốn đi đường tốt thì phải trả tiền. Tổ chức đấu thầu quốc tế để chọn nhà đầu tư, Nhà nước bỏ tiền làm giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư được quyền chọn luật, nâng cao tính thanh khoản dự án, và có cơ chế phí, thời gian thu phí để kích thích lòng tham của nhà đầu tư….

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên