MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cao tốc Bắc - Nam: Tiền đâu để làm?

29-05-2017 - 18:08 PM | Bất động sản

Dự án cao tốc Bắc - Nam dự kiến sẽ được Chính phủ trình QH trong vài ngày tới. Tuy nhiên, việc huy động vốn từ ngân sách, ngân hàng và nhà đầu tư trong nước đều rất khó khăn.

Thủ tướng vừa chấp thuận phương án 1 xây dựng cao tốc Bắc - Nam theo đề xuất của Bộ trưởng GTVT. Theo đó siêu dự án này sẽ được đầu tư theo 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 từ nay đến 2025 được chia thành 2 phân kỳ. Cụ thể, từ năm 2017-2020 sẽ đầu tư khoảng 713km và chia thành 8 dự án gồm các đoạn: Mai Sơn (Ninh Bình) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh) và đoạn Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) theo hình thức đối tác công - tư (PPP), loại hợp đồng BOT;

Nâng quy mô 2 dự án thành phần đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình) và đoạn La Sơn (Thừa Thiên - Huế) - Túy Loan (Đà Nẵng) từ 2 làn xe lên thành 4 làn xe; đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế) thực hiện theo hình thức đầu tư công.

Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) chia thành 20 dự án thành phần giao cho các địa phương thực hiện.


Đầu tư cao tốc Bắc-Nam cần nguồn vốn lớn

Đầu tư cao tốc Bắc-Nam cần nguồn vốn lớn

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 130.216 tỷ đồng, trong đó phần vốn Nhà nước hỗ trợ đã được Thủ tướng đồng ý sử dụng 55.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ; phần vốn nhà đầu tư (vốn chủ sở hữu và vốn vay) khoảng 63.716 tỷ đồng.

Từ 2021-2025 đầu tư mới 659km để nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.

Giai đoạn 2 từ sau năm 2025 sẽ thực hiện mở rộng tuyến cao tốc Bắc - Nam theo quy mô phù hợp với quy hoạch được duyệt; căn cứ vào nhu cầu vận tải sẽ quyết định cụ thể thời điểm đầu tư, phương án đầu tư và nguồn vốn.

Cần cơ chế đặc thù huy động vốn

Ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP - Bộ GTVT) cho biết, riêng giai đoạn 1, khoản 55.000 tỷ đồng được bố trí từ ngân sách sẽ dành 13.000 tỷ cho công tác GPMB, số còn lại sẽ được sử dụng hỗ trợ dự án.

Ngoài ra, sẽ phải vay hơn 63.000 tỷ thông qua việc huy động từ các ngân hàng trong nước và nước ngoài tùy theo cơ chế.

Theo quy định với dự án BOT, nhà đầu tư phải bỏ ra ít nhất 15% tổng số vốn của dự án. Tuy nhiên, đại diện một nhà đầu tư thừa nhận, với mức 15% của dự án có mức đầu tư lớn như cao tốc Bắc - Nam thì rất khó có nhà đầu tư trong nước đủ tiền tham gia tại thời điểm này, nhất là sau khi đầu tư vào các tuyến đường QL1 và các dự án BOT, các nhà đầu tư trong nước gần như đã “kiệt sức”.

Trong khi, để vay ngân hàng trong nước với tỷ lệ 85% hiện tại gần như là không thể. Bởi, theo Bộ GTVT, hiện nay các ngân hàng trong nước chủ yếu vay ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn. Trong khi, Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ tối đa dùng vốn ngắn hạn cho vay ngắn hạn vào tháng 12/2016 là 60%, giảm dần xuống 40% vào năm 2018.

Ông Nguyễn Việt Huy cho hay, Chính phủ đang xem xét cơ chế đặc thù dựa trên đề xuất của Bộ GTVT, trong đó có việc nghiên cứu cho nới rộng nâng tỷ lệ huy động vốn vay ngắn hạn cho vay trung hạn và dài hạn đối với dự án cao tốc Bắc - Nam (vòng đời thu phí cao tốc khoảng 24 năm).

Đối với việc kêu gọi nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, Bộ GTVT nêu rõ, qua tham vấn các nhà đầu tư tiềm năng và các tổ chức tài chính quốc tế, tất cả các ý kiến đều nêu quan ngại: Quy định pháp luật của VN thay đổi nhiều, mức tín nhiệm quốc gia chưa cao, GPMB phức tạp, không kiểm soát được giá thành, tiến độ.

Trong trường hợp kêu gọi được nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi trong và ngoài nước, không thực hiện cơ chế chỉ định thầu.

Nhà nước cần hỗ trợ 40-60%

Ông Nguyễn Quang Toản, Trưởng bộ môn cầu đường (ĐH GTVT) cho rằng, đầu tư đường cao tốc để thu phí hoàn vốn tùy vào từng dự án, Nhà nước phải cấp cho nhà đầu từ 40-60% vốn thì nhà đầu tư mới có thể làm được.

“Nguồn vốn cấp của Nhà nước phải rõ ràng thì dự án mới khả thi, còn nếu không nhà đầu tư sẽ rất khó khăn và việc rời bỏ dự án là chuyện thông thường”, ông Toản nói.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế - TS Lưu Bích Hồ cho rằng, cao tốc Bắc - Nam là dự án quan trọng, có mức đầu tư lớn nên Nhà nước chắc chắn phải bỏ ra một phần vốn để “mồi” các nhà đầu tư bên ngoài.

Trong điều kiện ngân sách khó khăn như hiện nay thì Nhà nước phải vay thông qua việc kêu gọi đầu tư từ nước ngoài. Bởi, thực tế các dự án BOT trong nước hiện nay đang thu hồi vốn khó khăn nên các ngân hàng trong nước không mặn mà.

Ông Lưu Bích Hồ cũng cho biết thêm, hiện nay Trung Quốc (TQ) rất mặn mà với các dự đường cao tốc ở VN, tuy nhiên phải hết sức lưu ý các điều kiện vay của TQ.

“Có ý kiến cứ vay mạnh vốn của TQ nhưng nhiều ý kiến không đồng thuận vì kinh nghiệm cho thấy vay vốn của TQ rất phức tạp. Do vậy các cơ quan quản lý nên tính toán kỹ...”, ông Hồ nói.

Theo Vũ Điệp

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên