MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cáp treo Bà Nà: Doanh thu 2016 cao kỷ lục, nhưng lỗ quý 4 "thổi bay" 2/3 lợi nhuận 9 tháng đầu năm

07-02-2017 - 09:21 AM | Doanh nghiệp

So với Cáp treo Tây Ninh, Cáp treo Bà Nà có doanh thu lớn gấp 10 nhưng lợi nhuận chỉ gấp rưỡi.

Cáp treo Bà Nà (BNC) và Cáp treo Núi Bà Tây Ninh (TCT) – 2 thương hiệu tên tuổi trong lĩnh vực dịch vụ cáp treo vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2016.

Trong năm vừa qua, Cáp treo Bà Nà tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu rất ấn tượng khi tăng 47% lên gần 1.500 tỷ đồng. Doanh thu của công ty đã liên tục tăng trưởng rất mạnh trong những năm qua.

Tuy nhiên, do chi phí khấu hao lớn cũng như sự tăng lên đáng kể của chi phí bán hàng và chi phí quản lý, lợi nhuận trước thuế của công ty giảm nhẹ từ 149 tỷ xuống 141 tỷ đồng.

Một điểm đáng chú ý trong 2 năm vừa qua Bà Nà đều lỗ khá lớn vào quý cuối năm: công ty lỗ 242 tỷ trong quý 4/2016 và 180 tỷ trong quý 4/2015. Mức lỗ của quý 4/2016 đã “thổi bay” gần 2/3 lợi nhuận trong 3 quý đầu năm.

Trong khi đó, cáp treo Tây Ninh dù có quy mô nhỏ hơn rất nhiều nhưng lại có tỷ suất lợi nhuận rất ấn tượng. Năm 2016, Cáp treo Tây Ninh đạt 88 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trên doanh thu 138 tỷ đồng, tức cứ 3 đồng doanh thu thì công ty thu về gần 2 đồng lãi.

Như vậy doanh thu của Cáp treo Bà Nà gấp hơn 10 lần Cáp treo Tây Ninh nhưng lợi nhuận chỉ hơn gấp rưỡi.

Trong tổng tài sản hơn 250 tỷ đồng của cáp treo Tây Ninh thì riêng tiền mặt và tiền gửi tiết kiếm đã chiếm ½, còn lại là tài sản cố định. Với bộ máy vận hành gọn nhẹ cùng tài sản cố định đã được khấu hao phần lớn nên giá vốn của công ty rất thấp.

Trong khi đó, quy mô của Cáp treo Bà Nà lớn hơn rất nhiều với tổng tài sản cuối năm 2016 lên đến gần 7.000 tỷ đồng. Không chỉ có hệ thống cáp treo được đầu tư lớn hơn nhiều, Cáp treo Bà Nà còn đầu tư rất nhiều hạng mục vui chơi giải trí, khách sạn đi kèm. Theo giấy phép đầu tư, công ty là chủ đầu tư của Quần thể khu du lịch sinh thái Bà Nà – Suối Mơ trên diện tích 817ha với tổng vốn đầu tư gần 9.850 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Cáp treo Bà Nà cũng đầu tư gần 2.000 tỷ đồng góp vốn vào một số doanh nghiệp khác trong hệ thống Sun Group như Cáp treo Fansipan Sapa, Công ty Mặt trời - Đường sắt Việt Nam (chủ đầu tư tổ hợp 31 Láng Hạ, Hà Nội), Công ty Việt Minh Hoàng (dự án số 3 Lương Yên), Công ty Thành phố Mặt Trời (Sun City)…

CTCP Cáp treo Bà Nà thành lập năm 2007, kinh doanh vận chuyển hành khách bằng hệ thống cáp treo và máng trượt, kinh doanh các loại hình vui chơi giải trí, bất động sản, nhà hàng ăn uống... Ngày 29/03/2009, công ty khánh thành và đưa vào sử dụng hệ thống cáp treo Bà Nà - Suối Mơ, bao gồm 2 tuyến cáp treo: cáp treo thứ nhất từ Suối Mơ đến đỉnh núi Bà Nà (đồi Vọng Nguyệt) với chiều dai 5.042,62m; tháng 9/2009 đưa vào khai thác tuyến thứ 2 từ đồi Vọng Nguyệt lên đỉnh Núi Chúa dài 542 m.

Theo số liệu từ công ty, trung bình mỗi ngày có 5.000 lượt khách đến Bà Nà Hills. Vào mùa cao điểm và lễ đón từ 18.000 – 20.000 lượt khách. Trong năm 2015, lượng khách đến Bà Nà vào khoảng 1,5 triệu người. Từ tháng 4/2016, công ty đã điều chỉnh giá vé đối khách ngoại tỉnh là 600.000 đồng/lượt với người lớn và 500.000 đồng/lượt đối với trẻ em.

Cuối tháng 9/2016, Cáp treo Bà Nà đã nộp hồ sơ niêm yết cổ phiếu tại HoSE.

Kinh Kha

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên