MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cắt giảm thuế suất trong ASEAN, Việt Nam chọn "bơi hay chìm"?

Là một thành viên của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Việt Nam cần thực hiện gỡ bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan trong năm 2018. Điển hình là việc cắt giảm thuế nhập khẩu ô tô từ các nước trong khu vực xuống 0%.

Khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập vào cuối năm 2015, Việt Nam là một trong 4 quốc gia (Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar) chưa phải gỡ bỏ hàng rào thuế quan. Tuy nhiên, đến nay AEC kỳ vọng hội nhập kinh tế khu vực sâu sắc hơn không chỉ bằng cách giảm thuế mà còn xóa bỏ các hàng rào phi thuế quan và đơn giản hóa các quy định về đầu tư.

Ông Lê Nguyên Hoa, Phó Chủ tịch HĐQT công ty Nutifood cho biết: “Tôi thấy nhiều hy vọng hơn lo lắng”. Ông nói thêm: “Một khu vực tự do thương mại sẽ tạo ra môi trường tự do cho kinh doanh, loại bỏ các rào cản phi thuế quan và mở ra cơ hội tiếp cận một thị trường rộng lớn hơn. Điều này cũng mang đến nhiều cạnh tranh và thách thức”.

Anh Trần Văn Tú, lái xe taxi ở TP.HCM, cũng tỏ ra lạc quan: “Khách hàng sẽ có thêm nhiều lựa chọn với sản phẩm nhập khẩu có giá cả phải chăng, thay vì phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc”.

Bên cạnh đó cũng có những lo lắng nhất định, anh Phạm Tấn Vũ, nhân viên Bộ phận kiểm định chất lượng trong quá trình sản xuất của Cholimex, cho biết anh lo ngại hơn hy vọng. Lý do là khi mở cửa thì sản phẩm từ các nước khác trong khu vực sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam, điển hình là hàng hóa Thái Lan.

Ngành nào sẽ hưởng lợi?

Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar được phép duy trì thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng cho đến tháng 01/2018. Thuế suất giao dịch trong khu vực chủ yếu ở mức 5% hoặc thấp hơn đối với các mặt hàng thuộc đối tượng xem xét miễn thuế. Vì vậy, có thể thấy khi thuế suất giảm thì giá nhập khẩu các mặt hàng này không giảm quá mạnh. Tuy nhiên, ô tô nhập khẩu vào Việt Nam là một ngoại lệ.

Ông Koji Sako, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Viện nghiên cứu Mizuho cho biết: “Tác động của việc cắt giảm thuế nhập khẩu trong khu vực vào thời điểm này đối với 4 quốc gia là không nhiều, nhưng thị trường ô tô Việt Nam có thể bị tác động mạnh mẽ”. Mỗi năm, có khoảng hơn 300.000 ô tô được bán ở Việt Nam, trong khi thuế nhập khẩu trước đây là 30%.

Việt Nam có thể nhập khẩu ô tô các hãng xe nổi tiếng của Nhật bản, Hoa kỳ hay châu Âu từ các quốc gia trong khu vực như Thái Lan và Indonesia. Biết trước giá giảm vào năm 2018, nhiều người đã hoãn lại việc mua xe. Trong giai đoạn 01/2017 – 11/2017, doanh số ô tô mới bán ra giảm 10% xuống còn 245.000 chiếc so với năm 2016.

Các hãng sản xuất ô tô trong nước cố gắng cạnh tranh với xe nhập khẩu bằng cách giảm giá thành. Trường Hải dự định giảm giá với một số mẫu xe sản xuất theo hợp đồng với Kia Motors và Mazda xuống mức 170 USD - 926 USD trong dịp Tết nguyên đán 2018. Toyota Việt Nam cũng dự kiến giảm gia thành đối với một số mẫu xe bán chạy, bao gồm Vios và Camry xuống còn 1.000 USD – 2.500 USD.

Chính phủ đã quyết định cắt giảm thuế xuống 0% với ô tô nhập khẩu. Các loại xe 9 chỗ ngồi, động cơ 2 lít và các loại xe nhỏ hơn – chiếm khoảng 70% số lượng ô tô bán ra - đều không phải chịu thuế nhập khẩu.

Tuy nhiên Nghị định 116/2017 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô lại gây khó dễ cho việc nhập khẩu. Theo đó, các doanh nghiệp phải thay đổi nhiều về chiến lược kinh doanh, giấy tờ, chứng từ để đưa xe nhập ngoại vào Việt Nam.

Cơ hội cho Việt Nam

Cơ hội của Việt Nam không chỉ giới hạn trong ngành ô tô. Dân số trẻ có độ tuổi trung bình là 29 và tầng lớp trung lưu tăng dần khiến thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn. Vào tháng 12, Thai Beverage mua lượng lớn cổ phần của Sabeco với trị giá khoảng 4,85 tỷ USD. Trước đó, Central Group đã thâu tóm hệ thống siêu thị Big C và Nguyễn Kim. Tập đoàn Siam Cement Group có ý định đẩy nhanh quá trình thâu tóm và sáp nhập tại Việt Nam.

AEC không chỉ tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài mà còn thúc đẩy doanh nghiệp Việt. Các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ phòng ngự mà còn tấn công ra các thị trường khác trong khu vực. Vinamilk xây dựng nhà máy sản xuất sữa đầu tiên tại Campuchia vào tháng 05/2016. Công ty này cũng ưu tiên bán hàng ở Thái Lan và Myanmar. Viettel xâm nhập thị trường Myanmar vào tháng 01/2017 sau khi đầu tư sang Lào và Cambodia. Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai mở bán khu căn hộ ở Yangon (Myanmar) vào năm 2015.

Theo Nikkei Asian Review, Việt Nam cùng với 3 quốc gia còn lại là Lào, Campuchia và Myanmar đang đem đến cho AEC một luồng gió mới khi mà Singapore, Malaysia hay Thái Lan đang phải đối mặt với tăng trưởng chậm chạp, dân số già và thiếu hụt lao động.

Lan Anh

Trí thức trẻ/Nikkei Asian Review

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên