MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch Tập đoàn MK Nguyễn Trọng Khang: Từ thẻ nhựa trên đất Mỹ đến 80% thị phần thẻ NH VN

11-10-2011 - 19:45 PM |

Chiếc thẻ sinh viên được cấp trên đất Mỹ trở thành gợi ý ngàn vàng đối với Nguyễn Trọng Khang, đưa anh đến thành công với vị trí Chủ tịch HĐQT Tập đoàn MK, chiếm tới 80% thị phần thẻ thông minh trong ngành NH.


Làm cách nào để có thể chiếm lĩnh ngành công nghiệp thẻ trong nước là câu hỏi đang đặt ra với nhiều doanh nghiệp Việt. Những chia sẻ của doanh nhân Nguyễn Trọng Khang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ MK đã gợi mở nhiều gợi ý thú vị.

Chiếc thẻ sinh viên bằng nhựa được cấp trên đất Mỹ với nhiều ứng dụng như đi xe buýt, ăn uống tại căng tin… lại là một gợi ý ngàn vàng đối với Nguyễn Trọng Khang. Anh đã mạnh dạn thành lập Công ty MK ngay sau khi về nước.

Trong 7 năm đầu tiên kinh doanh, MK liên tục đạt mức tăng trưởng 100% và các năm tiếp theo là 70-80%. Dự kiến mức độ tăng trưởng năm 2011 của MK là 30%. Sau 12 năm, hiện MK đang có gần 400 nhân viên với 5 công ty khác nhau. Lĩnh vực kinh doanh chính vẫn là tập trung vào sản xuất và cung cấp các giải pháp về thẻ thông minh.

- Ở thời điểm anh khởi nghiệp chưa có nhiều nhà cung cấp dịch vụ thẻ, nhưng nay con số nhà cung cấp đã lớn hơn nhiều và cuộc chơi đã không chỉ là của MK nữa. Điều đó ảnh hưởng thế nào đến tốc độ và chiến lược phát triển của MK, thưa anh?

Hiện không chỉ có doanh nghiệp Việt Nam mà còn có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp sim thẻ trên đất nước ta. Tôi không phản đối sự cạnh tranh, nhưng chúng ta phải làm sao để người Việt Nam luôn tự hào về hàng Việt Nam.

Các doanh nghiệp Việt Nam muốn đáp ứng nhu cầu cạnh tranh thì phải phát triển thị trường trong nước đã, sau mới ra nước ngoài. Mặc dù MK tham gia ngành công nghiệp thẻ từ 12 năm trước, nhưng tôi nhận thấy cơ hội cho các doanh nghiệp Việt còn ở phía trước và đây mới đang là những bước đầu.

Ví dụ như ở MK, hiện chúng tôi chiếm tới 80% thị phần trong lĩnh vực ngân hàng, nhưng viễn thông thì rất ít, chỉ mới ở mức khiêm tốn 10-20%. Nếu chiếm được 50% thị phần sim thẻ viễn thông thôi thì doanh thu của 50% thêm ấy cũng đã là 35-40 triệu USD rồi. Rõ ràng cơ hội lớn vẫn còn đó!

- Vậy theo anh, cần phải làm gì để các doanh nghiệp Việt có thể chiếm lĩnh được thị trường trong nước?

Tôi nghĩ trước hết phải có lòng tin.

Trước hết là chính các doanh nghiệp Việt Nam phải có lòng tin rằng, mình có thể cung cấp ra những sản phẩm chất lượng tốt không kém gì người nước ngoài, thậm chí là tốt hơn và có giá phải chăng. Nếu bản thân doanh nghiệp không tin vào những gì mình làm ra thì cũng không thể khiến khách hàng tin được vào hàng hóa của mình.

Thứ 2 là người tiêu dùng tin vào hàng Việt, không chạy theo những sản phẩm khác chỉ vì mác ngoại.

Và thứ 3 là sự hỗ trợ về chính sách và cơ sở hạ tầng của Chính phủ cho các doanh nghiệp phát triển.

Theo tôi, những sản phẩm nào mà Việt Nam có thể sản xuất được thì nên hạn chế sự tham gia của doanh nghiệp nước ngoài. Sở dĩ chúng tôi mới chỉ chiếm con số ít ỏi trong thị phần sim thẻ viễn thông là do mức độ cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài rất lớn. Hiện sản phẩm sim thẻ nhập khẩu vào thị trường Việt Nam đều có thuế suất bằng 0.

Đây đã là một thiệt thòi lớn cho các doanh nghiệp trong nước. Nếu áp mức thuế cao hơn hoặc hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước hưởng mức thuế như thế thì câu chuyện sẽ khác.

- Dẫu sao thì doanh nghiệp vẫn sẽ phải tự lực cánh sinh là chính. Họ cần phải làm gì để tự cứu mình trước khi được hỗ trợ?

Các doanh nghiệp Việt Nam phải có lòng tin rằng mình có thể cung cấp sản phẩm chất lượng tốt không kém gì nước ngoài, thậm chí tốt hơn và có giá phải chăng

Phải tạo ra được sự khác biệt trong sản phẩm của mình với sản phẩm khác, yếu tố khác biệt rất quan trọng. Qua nghiên cứu, tôi phát hiện ra đến 80% điện thoại di động mà người Việt Nam đang dùng là điện thoại không thể "chat" được. Do đó MK đang chuẩn bị đưa vào ứng dụng sim card để "chat" skype, yahoo messenger mà điện thoại đó không nhất thiết phải có tính năng hỗ trợ. Tôi nghĩ đấy cũng đã là một sự khác biệt.

Thứ 2 là phải có khả năng sản xuất lớn. Hiện MK có thể sản xuất 200.000 thẻ sim một ngày, nhưng vẫn không đáp ứng đủ! Tôi sẽ phải làm gì nếu một hãng viễn thông đặt hàng sản xuất 2 triệu thẻ trong 5 ngày? Giải quyết bài toán ấy thế nào cũng là thách thức không nhỏ. Tôi lấy ví dụ như Apple, họ không hề có nhà máy sản xuất mà thuê toàn bộ bên ngoài. Họ kiếm phần lớn số lãi của sản phẩm, trong khi Foxconn trực tiếp sản xuất ra lại hưởng số lãi ít hơn rất nhiều.

- Hiện nay, người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa có thói quen sử dụng thẻ trong giao dịch. Liệu đây có phải là rào cản chính cho sự phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam?

Tôi nghĩ đó cũng là một vấn đề, nhưng không quá đáng ngại. Điều quan trọng là phải có niềm tin. Nếu chúng ta có một xã hội giao dịch dễ dàng, không tốn kém thì người ta sẽ sử dụng thôi. Nhưng làm cách nào để tạo ra niềm tin ấy? Chính phủ, doanh nghiệp, ngân hàng và toàn thể người dân phải cùng làm.

Trước hết là Chính phủ, doanh nghiệp, ngân hàng cùng đầu tư để phát triển hệ thống chấp nhận thanh toán. Làm được điều đó tự khắc sẽ giảm được lo lắng của người dân về thanh toán, tăng được lượng giao dịch tích cực. Thay vì rút tiền ra khỏi ngân hàng để giao dịch thì họ sẽ tự động gửi tiền vào ngân hàng để giao dịch, nếu thấy tiện lợi hơn.

- Vậy MK có những kế sách gì để thay đổi thói quen đó và tạo ra những xu hướng tiêu dùng mới?

Chúng tôi chỉ là một công ty chủ yếu tạo ra các giải pháp công nghệ cho chính phủ, các tổ chức tài chính, doanh nghiệp, chứ không phải là những đơn vị có vai trò trực tiếp thay đổi thói quen người tiêu dùng. Do đó, MK chỉ đóng góp bằng cách cập nhật công nghệ mới từ nước ngoài xem họ triển khai ra sao, đi theo xu thế nào… và sau đó trao đổi, chia sẻ cho các doanh nghiệp trong nước để họ nắm được và cùng phát triển.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đóng góp ý kiến với các cơ quan nhà nước để đưa ra những định hướng phát triển công nghệ tốt nhất. Có thể nói, ngày hôm nay vấn đề không còn là phát triển công nghệ như thế nào nữa mà là làm sao từ công nghệ chúng ta có thể tạo ra được giá trị xã hội, đưa công nghệ vào giải quyết các vấn đề của xã hội như: thanh toán giao dịch, đóng thuế, bảo hiểm xã hội… Nếu bạn đi về những vùng quê sẽ thấy người dân khó lòng thực hiện được các giao dịch online. Vì vậy, những công nghệ hỗ trợ giao dịch offline sẽ là vô cùng quan trọng.

Tôi vẫn muốn nhắc lại là một công ty muốn phát triển thì phải trở nên toàn cầu, nhưng anh muốn ra ngoài thì trước hết phải phát triển ở đất nước mình trước đã.

Bài viết được thực hiện dưới sự phối hợp của chương trình "Giải thưởng Ernst & Young - Bản lĩnh Doanh nhân Lập nghiệp":


Theo Bích Ngọc
Ảnh: Long Nguyen
Diễn đàn doanh nghiệp

kyanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên