MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đường bay quốc tế của Vietnam Airlines bị cạnh tranh mạnh từ các đối thủ Trung Đông

05-08-2013 - 10:17 AM |

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Ngọc Minh - tổng giám đốc Vietnam Airlines (VNA) - khẳng định việc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) sắp tới của hãng sẽ mở thêm cơ hội đi lại bằng đường hàng không với nhiều vé máy bay giá rẻ hơn trước cho người dân. Ông Minh nói:

- Thị trường hàng không từ đầu năm đã có những dấu hiệu tốt: chi phí đầu vào (nhiên liệu, tỉ giá, giá cả...) không tăng nhiều, trong khi đó tổng thị trường đã tăng trở lại sau một khoảng thời gian dài từ tháng 9-2011 đến hết năm 2012 co cụm, tăng trưởng âm. Tốc độ tăng trưởng hơn 15% trong sáu tháng đầu năm của thị trường vận tải hàng không nội địa nằm ở phân khúc giá rẻ, các hãng hàng không tăng cường kích cầu, giảm giá... làm một bộ phận rất lớn khách hàng đi các phương tiện mặt đất chuyển sang đi máy bay.

Theo Cục Hàng không VN, sáu tháng đầu năm 2013 thị trường hàng không đạt gần 14,5 triệu lượt khách và 300.000 tấn hàng hóa, tăng tương ứng 15,8% và 22% so với cùng kỳ năm 2012. Thị trường nội địa đạt 7,1 triệu khách, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng thị trường khách bên ngoài vào VN đang có sự cạnh tranh khá mạnh mẽ. Tổng thị trường châu Âu ra vào VN giảm, do có sự cạnh tranh của các hãng hàng không Trung Đông đang ồ ạt vào VN.

VNA chỉ có bốn đường bay từ Tây Âu (Paris, Frankfurt, London, Matxcơva), nếu hành khách từ các thành phố lớn khác ở châu Âu đến VN họ phải di chuyển đến bốn điểm này. Trong khi các hãng hàng không Trung Đông đang bay đến tất cả các thành phố ở châu Âu. Chẳng hạn hãng Emirates bay đến 33 thành phố ở châu Âu với tần suất 1-2 chuyến/ngày, họ gom khách về các nước Trung Đông sau đó bay về VN với tần suất một chuyến/ngày bằng máy bay lớn. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến các hãng hàng không khác.

Và để giữ được khách, chúng tôi đã phải chủ động bán vé theo hướng kích cầu, bán với giá ưu đãi mùa thấp điểm, tạo chương trình riêng cho từng thị trường, từng đường bay, triển khai nhiều sản phẩm mới nhằm đa dạng và linh hoạt hơn. Các chương trình này có tác dụng giúp hãng tiếp cận được nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng khác nhau để tăng doanh thu. Doanh số bán của VNA trong sáu tháng đầu năm đạt khoảng 25.000 tỉ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ.

* Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tái cơ cấu VNA, hiện tiến độ chào bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu đã được triển khai đến đâu, thưa ông?

- Tiến trình này đang triển khai nhanh, đúng tiến độ, hiện đang ở giai đoạn tư vấn cổ phần hóa quốc tế do đơn vị quốc tế Citi Group và Morgan Standley (chuyên định giá các hãng hàng không) thu thập thông tin để định giá. Giá trị thật của hãng hàng không chủ yếu phụ thuộc rất lớn vào cơ sở dữ liệu khách hàng, mạng đường bay, mức độ ảnh hưởng đối với khu vực quốc tế, trong nước... Nếu không có gì thay đổi, IPO sẽ diễn ra trong khoảng thời gian cuối quý 2-2014.

* Theo ông, sức hấp dẫn của cổ phiếu VNA nằm ở đâu?

- Cổ phiếu VNA nếu tung ra thị trường chắc chắn phải trên mệnh giá. Sức hấp dẫn của cổ phiếu hãng hàng không không nằm ở cổ tức mà nằm ở bản thân giá trị của cổ phiếu giao dịch. Các doanh nghiệp như VNA ở VN không nhiều và nhà đầu tư cũng nhìn thấy những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn: mức độ tăng trưởng (liên tục tăng trưởng ở mức hai con số, trừ các năm 2011, 2012 co lại), đội bay của VNA là máy bay thế hệ mới, cơ cấu của đội bay tương đối đồng bộ, ít chủng loại.

Môi trường kinh doanh hàng không đang ngày càng mở rộng, mức độ kiểm soát của Nhà nước về thị trường hàng không cũng giảm dần (trần giá vé nội địa dần bỏ). Mức độ tự chủ chi phí cũng tăng lên, trước đây VNA không được heding nhiên liệu (phòng ngừa rủi ro nhiên liệu, tạm hiểu là mua trước giá xăng dầu trong tương lai - PV) hoặc muốn thực hiện phương án này phải nhờ bên ngoài nhưng nay đã có cơ chế giúp kiểm soát được chi phí đầu vào.

Thị trường hàng không nội địa VN rất tiềm năng. Theo Hiệp hội Vận chuyển hàng không quốc tế (IATA), Malaysia cứ 1 triệu dân có 8 máy bay thương mại, Úc tỉ lệ này là 15 máy bay/triệu dân, VN tỉ lệ này mới đạt mức 0,7 máy bay/triệu dân. VNA chiếm hơn 80% thị trường bay nội địa là một ưu thế lớn.

Riêng việc chọn nhà đầu tư chiến lược, thời điểm này không thể nói chúng tôi sẽ ưu tiên hãng hàng không, ngân hàng, quỹ hay tổ chức tài chính..., bởi khi IPO bản thân VNA cũng khá hấp dẫn nên cơ hội để lựa chọn cũng nhiều hơn.

Theo Lê Nam

duchai

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên