MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gỗ Trường Thành: Chưa hết kiện tụng, lại lo dòng tiền

21-12-2012 - 13:25 PM |

Gần đây, Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) đã phải đau đầu vì dính vào kiện tụng ở công ty con - Công ty Cổ phần Trồng rừng Trường Thành tại Đắk Lắk.

Ngay trong ngày Công ty họp bàn bán cây lấy gỗ của hơn 230 ha rừng trồng (cuối tháng 11.2012), đã xảy ra va chạm giữa các cổ đông lớn.

Ông Phạm Hoài Nam, cổ đông lớn của Công ty Trồng rừng Trường Thành, cho rằng ông Võ Trường Thành, Chủ tịch TTF, cũng là Chủ tịch Công ty Trồng rừng Trường Thành, đã cố tình không cho ông vào họp. Theo ông Nam, vì ông không đồng ý bán vùng rừng trồng lấy gỗ này với giá thấp nên ông Thành đã cố tình gạt ông ra để dễ bề thông qua quyết định trong cuộc họp.

Tuy nhiên, ông Thành cho biết ông Nam không còn giữ đủ 37% cổ phần. Sau đợt phát hành thêm 500.000 cổ phiếu để tăng vốn năm 2009, tỉ lệ nắm giữ của ông Nam đã giảm xuống do ông không mua thêm. Theo sổ cổ đông, con số này hiện chỉ còn 33,81%. Nguyên tắc để được tổ chức đại hội cổ đông lần đầu là cổ đông tham dự phải đại diện ít nhất cho 65% cổ phần. Nếu ông Nam nắm giữ 37% cổ phần thì Đại hội đã không thể tiến hành được.

Vụ lùm xùm giữa TTF và ông Nam còn ở việc ông Nam đã vay TTF gần 20 tỉ đồng vào cuối năm 2009, được thế chấp bằng tất cả cổ phần ông Nam nắm giữ tại Trồng rừng Trường Thành. Chuyện này đã khiến ông Nam và TTF ra tòa không ít lần và đến nay vẫn chưa giải quyết xong.

Về việc này, ông Nam cho biết mình “không nợ nhiều đến thế” và sẽ “kiện xin rút vốn đầu tư và giải tán liên doanh”. Trong khi đó, theo ông Thành, TTF hiện nắm 46% cổ phần tại Trồng rừng Trường Thành, nếu cộng thêm số cổ phần thế chấp của ông Nam nữa thì sẽ được khoảng 80%. Vì thế, “việc giải tán Trồng rừng Trường Thành hay không là do công ty mẹ - TTF quyết định chứ không phải ông Nam”, ông Thành nói.

Chắc chắn TTF sẽ còn phải ra tòa nhiều lần nữa với ông Nam, nhất là khi tỉ lệ sở hữu thực và quyền hạn của ông Nam tại công ty con của TTF vẫn còn chưa rạch ròi.

Nếu những rắc rối trên làm TTF trăn trở một thì nỗi lo về dòng tiền lại khiến tập đoàn này trăn trở đến hai. TTF được xem là tập đoàn trồng rừng và chế biến gỗ đầu ngành tại Việt Nam với 12 công ty con và 2 công ty liên kết. Từ khi lên sàn, doanh thu của TTF đã tăng trưởng đáng kể, trung bình hơn 70% trong giai đoạn 2008-2011. Lợi nhuận cũng tăng trưởng khá tốt và trong 4 năm qua, chưa có năm nào bị lỗ.

Nhưng chính bộ máy cồng kềnh này đã tạo sức ép tài chính cho Tập đoàn. Chỉ riêng năm 2011, TTF đã phải chi hơn 230 tỉ đồng để trả lãi vay ngân hàng, gấp hơn 23 lần lợi nhuận mà Tập đoàn mang về cho cổ đông. Lý do chính là TTF phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay, chủ yếu là ngắn hạn, trong khi lại phát triển quá nhanh. Điều này thể hiện qua việc tổng tài sản gia tăng liên tục từ năm 2008-2011 (trung bình 25%) trong khi vốn chủ sở hữu hầu như không tăng; tỉ lệ nợ ngắn hạn/vốn chủ sở hữu đã cao hơn 3 lần.

Đầu tư quá nhiều trong khi việc bán hàng gặp khó khăn khiến dòng tiền của TTF gần như bị cạn kiệt. Các công ty con của TTF đến nay cũng chưa mang tiền về do đang trong giai đoạn trồng rừng. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của TTF đã âm liên tục từ năm 2008 đến nay. Tiền và các khoản tương đương tiền hiện còn chưa đầy 16 tỉ đồng.

Trước những khó khăn trên, ông Thành thừa nhận các ngân hàng đang giảm hạn mức tín dụng dành cho TTF. Bởi vậy, Tập đoàn đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện khả năng thanh toán và tìm vốn bổ sung cho hoạt động sản xuất. Trong đó, kế hoạch bán cây lấy gỗ trong 230 ha rừng trồng là một giải pháp. “Chúng tôi đang thực hiện nhiều nhóm giải pháp tái cấu trúc mạnh mẽ để cải thiện hoạt động”, ông nói.

Các giải pháp này thực tế đã được triển khai từ đầu năm 2012. Chẳng hạn như sáp nhập 2 công ty con là Chế biến Gỗ Trường Thành và Ván Công nghiệp Trường Thành vào tập đoàn mẹ để tận dụng nhân sự và tiết giảm chi phí. Theo ông Thành, các thủ tục sáp nhập có thể hoàn tất vào cuối quý I/2013.

TTF cũng chấp nhận bán lỗ nguyên liệu gỗ và hàng hóa để giảm hàng tồn kho. Tính đến nay, TTF đã giảm được 70 tỉ đồng trong kế hoạch giảm 200 tỉ đồng hàng tồn kho trong năm nay. Trung bình TTF chịu lỗ 20-30% giá vốn.

Tập đoàn cũng tạm ngừng tất cả các khoản đầu tư trong năm nay, đồng thời sẽ tăng cường hoạt động liên doanh liên kết để thu tiền mặt về. TTF đang liên doanh trồng rừng với Tập đoàn OJI (Nhật) ở Phú Yên. “Chúng tôi sẽ thực hiện liên kết tiếp ở Đắk Lắk và Đắk Nông trong năm sau”, ông Thành tiết lộ.

Lúc này, việc tìm vốn để trang trải chi phí hoạt động vẫn là quan trọng hơn cả. Vì thế, TTF tiếp tục triển khai kế hoạch phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược với giá 5.000 đồng/cổ phiếu như đã đăng ký trước đây. Theo ông Thành, khoảng giữa tháng 12, Tập đoàn sẽ có giấy phép của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và dự kiến thu được xấp xỉ 100 tỉ đồng từ đợt phát hành này. Ông cũng cho biết đang thương lượng với 4 nhà đầu tư nước ngoài để huy động vốn.

Cùng với các nhóm giải pháp tái cấu trúc đang được thực hiện, nếu các đợt phát hành thành công thì năm 2013, TTF sẽ tăng trưởng mạnh trở lại. “Lợi nhuận năm 2013 ít nhất sẽ đạt gấp đôi năm nay”, ông nói.

Theo ông Thành, Tập đoàn hiện đã có nhiều đơn hàng được ký đến tận quý III năm sau như đơn hàng sản xuất sản phẩm gỗ đến tháng 6.2013 trị giá 400 tỉ đồng hay đơn hàng xuất khẩu trị giá 60 triệu USD chờ giao. 

Theo Nhịp cầu Đầu tư

tanhoa

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên