MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khách VIP đi máy bay thực sự muốn gì?

26-05-2014 - 11:25 AM |

Sự thực là họ chẳng mấy quan tâm đến các dịch vụ mà các hãng bay đua nhau vẽ ra.

Nội dung nổi bật:

- Các hãng hàng không hạng sang thi nhau quảng cáo các 'dịch vụ phụ thêm' dành cho hành khách như giường ghế xịn, quầy bar, phòng tắm, khu giải trí cao cấp... để mời chào khách VIP. 

- Kết quả: Dường như công sức 'chạy đua' của các hãng hàng không quốc tế đang trở nên vô nghĩa vì đi chệch hướng. Tỉ lệ hành khách cao cấp ngày càng giảm.

- Lý do: Hành khách nào cũng ưa thích sự thoải mái từ khi bước chân vào sân bay đến lúc lên máy bay, nhất là sự lịch sự từ phi hành đoàn hơn là các tiện nghi được phô trương thái quá. 

* Dù là khách VIP thì cũng chỉ cần phi hành đoàn 'lịch sự và không 'tám chuyện' dưới bếp'. 

* Việc di chuyển trong sân bay cần thuận tiện, mau lẹ và tránh phải xếp hàng.


Khi đi máy bay của Singapore Airlines, bạn có thể thoải mái ngả mình trên chiếc giường phẳng phiu được thiết kế bởi thương hiệu Givenchy của Pháp. 

Hãng hàng không Pháp Air France lại hấp dẫn hành khách bằng hệ thống màn hình tương tác triển lãm bảo vật quốc gia được trình bày hệt như một bảo tàng. 

Còn Emirates trứ danh Dubai có cả quầy bar riêng và phòng tắm vòi hoa sen cho hành khách. Cuối cùng, với chiếc máy bay chở khách lớn nhất thế giới A830 của Airbus, khách VIP có thể đi theo lối riêng để vào khoang mà không gặp phải ánh nhìn soi mói của khách thường.

Trên đây mới chỉ là vài ví dụ về những "dịch vụ thêm" mà các hãng hàng không và nhà sản xuất máy bay đưa vào để kéo lại sự chú ý của hành khách hạng nhất. 

Theo Iata - một cơ quan thương mại toàn cầu trong ngành hàng không, tỉ lệ hành khách cao cấp đã giảm từ từ 9,5% (trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007) xuống còn 8%. Những chế độ đặc biệt nói trên sẽ khiến người ta trả thêm một khoản tiền để mua vé cao cấp một cách vô thức.

"Trải thảm đỏ" đón khách VIP...

American Airlines cho biết hãng đang cố gắng giúp hành khách thoải mái và được kết nối, đem lại lại tiện nghi và những tính năng như trong đời thường, đó có thể là chiếc máy pha cà phê capuccino hay nhà vệ sinh ốp gỗ, lát sàn, bồn sứ.

Với Singapore Airlines, hành khách hạng nhất và hạng thương gia có thể đặt món, gọi một suất tôm hùm trước khi lên máy bay. Còn ngủ thì sao, trong khoang hạng nhất đã có sẵn pyjama, giường được lắp ráp bởi chính tay bậc thầy thủ công người Ý Poltrona Frau, chăn và nệm do Givenchy thiết kế. Với các cặp vợ chồng, ghế nhỡ đôi trong khoang hạng nhất có thể nối vào làm một chiếc giường đôi.

Trong năm nay, Air France đang tích cực cải tiến khoang hạng nhất và hạng thương gia, ký hợp đồng với công ty máy bay tư nhân Wijet để chuyên chở hành khách hạng nhất đi từ sân bay châu Âu tới Charles de Gaulle ở Paris. Những hãng hàng không khác cũng đang đi theo hướng tương tự. Delta Air Lines ở Mỹ khiến hành khách phải bất ngờ nhờ chiếc xe Porsche đưa đón qua cửa trung chuyển.

[Xem thêm: Cận cảnh khoang VIP siêu xa xỉ bên trong máy bay của hãng Etihad Airways]

Delta Air Lines ở Mỹ dùng hẳn Porsche đưa đón hành khách qua cửa trung chuyển.

Dịch vụ giải trí dành cho "khách VIP" cũng phong phú không kém. 

Chiếc A380 siêu lớn của Air France có một phòng trưng bày trên lầu với màn hình 38 cm hiển thị các tác phẩm nghệ thuật từ bảo tàng Louvre, Palazzo Grassi của Venice và MoMA của New York.

 Trên Korean Air thì có hẳn một cửa hàng miễn thuế lớn. Emirates lại "sang" hơn, có cả quầy bar móng ngựa như ở khách sạn, thậm chí có cả bar mini ngay bên cạnh chỗ ngồi cho từng hành khách.

... Nhưng rất tiếc họ không quan tâm

Nhưng vấn đề được "khách VIP" quan tâm nhất lại là có được lựa chọn người ngồi cùng chuyến bay hay không? Chris Tarry, một nhà tư vấn hàng không, cho biết hành khách cao cấp quan tâm tới chuyện dưới mặt đất hơn là trên không: "Hành khách thường xuyên và cao cấp ngày càng quan tâm hơn tới việc được đi trong sân bay một cách mau lẹ, không va chạm. Một khi đặt chân vào phi trường thì họ không muốn đụng chạm hay phải chờ dài cổ để xếp hàng". Hai cây viết của báo Financial Times đồng tình rằng các "chế độ thêm" không hề ảnh hưởng tới hành khách.

Tyler Brule, một hành khách thường xuyên đi khoang hạng nhất đường dài vì được riêng tư và rộng rãi. Tuy nhiên, anh ta cho biết, chất lượng, vệ sinh ghế ngồi và dịch vụ mới là yếu tố ảnh hưởng đến việc chọn hãng chứ không phải là "dịch vụ thêm". 

"Tôi chỉ cần một cái gối vải lanh tốt và phi hành đoàn lịch sự, không "tám chuyện" dưới khoang bếp sáng trưng đèn".

Brule còn cho rằng các hãng hàng không còn nói quá về những dịch vụ thêm ấy: "Khoang hạng nhất của British Airlines hầu như không giúp khách trải giường mà tôi cũng chưa thấy ai trải giường ra nằm bao giờ cả. Còn với Erimates, tôi thấy sự xuất hiện của quầy bar hơi phô trương mà đồ ăn uống trên đó cũng chẳng phải là cao cấp lắm. Tôi chỉ cần một cái gối vải lanh tốt và phi hành đoàn lịch sự, không "tám chuyện" dưới khoang bếp sáng trưng đèn".

Bà Moneypenny, một cây viết của Financial Times thường chọn hạng thương gia: "Cái tôi quan tâm là chuyện dưới sân bay chứ không phải ở trên trời, ví dụ như không phải xếp hàng qua cửa kiểm tra và được phép mang thêm hành lý. Nhưng chỉ cần bay đủ mức là bạn đã có thể hưởng những ưu tiên này từ câu lạc bộ khách hàng trung thành chứ chẳng cần phải bay hạng thương gia". Tới đây, dường như những quầy bar, triển lãm, giường thủ công kia đã thành thứ vô dụng.

Những cuộc gặp gỡ trên không

Không phải toàn bộ những sáng kiến trên đều nhằm vào hành khách giàu có. Hãng hàng không quốc gia Hà Lan KLM đã tung ra một chương trình cho phép hành khách mọi tầng lớp kết nối với nhau khi đang bay bằng chương trình "Meet & Seat". Người ta có thể tìm thấy Facebook và LinkedIn của nhau để rồi tán gẫu, thậm chí chuyển sang ngồi cạnh nhau, cùng chơi cờ vua hay bàn luận về một cuốn sách.

 Chương trình "Meet & Seat" của hãng KLM cho phép hành khách có thể tìm thấy Facebook và LinkedIn của nhau để rồi tán gẫu, thậm chí chuyển sang ngồi cạnh nhau.

Sau hai năm kể từ khi chương trình được ra mắt, đã có khoảng 60.000 loại tương tác giữa hành khách. KLM khẳng định sáng kiến này không chỉ nhằm mục đích giúp mọi người kết nối với nhau trên chuyến bay đường dài mà còn mang lại những lợi ích chuyên biệt. Chương trình này phổ biến đến đâu thì còn tùy vào từng tuyến bay, trên thực tế nó có vẻ thu hút những người quen dùng mạng xã hội hơn.

Riêng với Boeing 777, Air France lại có sáng kiến dành riêng cho những người có tính cách cởi mở và yêu công nghệ: mỗi chỗ ngồi đều có cài đặt chức năng trò chuyện tức thì. Hành khách chỉ cần gõ số ghế là có thể "chat chit" với nhau hoặc tạo một cuộc thảo luận mà bất cứ ai trên máy bay cũng có thể tham gia. Nếu không muốn, hành khách hoàn toàn có thể tắt chức năng này.

>> Bị than phiền nhiều nhất, vì sao Spirit vẫn là hãng hàng không sinh lợi nhất nước Mỹ?

Thùy An

kyanh

FT

Trở lên trên