MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh doanh yến: Vàng trắng nếu gặp may

15-02-2012 - 18:06 PM |

Nhu cầu thị trường tăng nên ngày càng có nhiều nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực kinh doanh yến. Thế nhưng, thành công không mỉm cười với tất cả.


Những mẫu quảng cáo hấp dẫn về các sản phẩm từ tổ yến đang thu hút sự chú ý của nhiều người, từ người tiêu dùng tới các nhà đầu tư, kinh doanh. Còn trên thị trường, từ 5-7 nhà cung cấp yến trong giai đoạn 2004-2007, đến nay đã có khoảng 100 đơn vị với hàng trăm cửa hàng phân phối trên cả nước. Theo số liệu nghiên cứu của Công ty Quản lý Quỹ đầu tư VinaCapital, mức độ tiêu dùng yến tại Việt Nam đang tăng. Hiện nay, số người dùng yến tổ chiếm dưới 2% và yến lọ chiếm khoảng 6% tổng dân số.

Quỹ lớn nhảy vào

Nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng, VinaCapital đã quyết định rót vốn vào lĩnh vực này. VinaCapital lựa chọn Yến Việt, đơn vị mà theo đánh giá của quỹ này là có quy mô phù hợp để đầu tư, đồng thời có nền tảng về thương hiệu tốt.

Từ lúc liên hệ, bắt đầu thẩm định giá trị, kiểm toán cho đến lúc chính thức công bố đầu tư, VinaCapital và Yến Việt chỉ mất hơn 1 tháng (tháng 4-6.2011). VinaCapital đã giải ngân tổng số tiền 7,5 triệu USD (khoảng 150 tỉ đồng) ngay sau khi chính thức hợp tác. Cả hai bên cùng ấp ủ tham vọng là cho đến năm 2015, phải đạt trên 1.000 tỉ đồng doanh số (tỉ suất lợi nhuận 20-25%).

Trước khi VinaCapital đầu tư vào tháng 6.2011, tổng doanh thu của Yến Việt xấp xỉ 300 tỉ đồng/năm, tốc độ tăng trưởng khoảng 25%/năm, có nhà máy sản xuất yến trị giá 4 triệu USD, hệ thống 30 cửa hàng và 18 nhà nuôi yến trên toàn quốc.

Theo nghiên cứu được chính Yến Việt thực hiện, thị trường yến hiện nay chủ yếu thuộc về các công ty lớn. Riêng thị phần của Công ty Yến sào Khánh Hòa đã chiếm 60% thị trường, Yến Việt chiếm 30%, 10% còn lại thuộc về các thương hiệu khác, trong đó chủ yếu cho các hộ kinh doanh (mua lại nguyên liệu yến rồi đóng hộp bán).

Do điều kiện về thời tiết, trên thế giới chỉ có một số quốc gia châu Á sản xuất được yến sào. Theo số liệu của Tổ chức Nông lương Thế giới, tổng lượng cung yến sào trên thế giới hằng năm đạt khoảng 6-7 tỉ USD (120.000-140.000 tỉ đồng). Mặt hàng này vẫn đang trong tình trạng cầu vượt cung. Lượng cung cấp yến toàn cầu hiện nay đạt khoảng 175 tấn/năm, tức chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu (400 tấn/năm). Với mức tăng trưởng mỗi năm 7,2%, dự báo đến năm 2020, tổng giá trị ngành yến toàn thế giới sẽ đạt khoảng trên 10 tỉ USD.

Khó cho người chơi mới

Tiềm năng là rộng mở, nhu cầu thị trường cũng ngày càng tăng, việc ngày càng có nhiều nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này cũng không có gì là khó hiểu. Ông Lê Danh Hoàng, Giám đốc Công ty Thương mại Dịch vụ Chấn Hưng, đơn vị sở hữu thương hiệu yến sào Hoàng Yến, cho biết thời gian qua, không ít cửa hàng kinh doanh yến sào được mở ra nhưng cũng không ít cửa hàng phải đóng cửa và những người thất bại chủ yếu là những người mới tham gia lĩnh vực này.

Ông Hoàng cho biết, việc mở một cửa hàng kinh doanh yến là không khó nếu doanh nghiệp có nguồn lực tài chính dồi dào. Tuy nhiên, để cửa hàng trụ lại được với thị trường lại là điều không hề dễ dàng. Năm 2011, Hoàng Yến đã phải đóng cửa 2 cửa hàng do giá thuê mặt bằng quá cao trong khi nguồn vốn chết là số sản phẩm yến luôn phải được trưng bày trên kệ không hề nhỏ. 1 kg yến có giá dao động khoảng 40-60 triệu đồng, 1 cửa hàng cũng ngốn tiền tỉ dành cho sản phẩm trưng bày.

Trong khi đó, tiền đầu tư cho 1 nhà yến không hề nhỏ, khoảng từ 1,2-3 tỉ đồng. Xác suất thành công là 50-50. Có nhà xây xong đã có yến vào làm tổ, nhưng cũng có không ít căn phải mấy năm sau hoặc không bao giờ có yến vào. Việc nuôi yến đòi hỏi cần có kinh nghiệm kỹ thuật và may mắn. Trong khi đó, tại Việt Nam, hầu hết những người đầu tư nuôi yến lại xuất thân từ nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau và không có nhiều kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, theo ông Võ Thái Lâm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Yến Việt, các thương hiệu và cửa hàng mới sẽ khó thu hút khách hàng hơn do tổ yến là mặt hàng giá trị cao, người tiêu dùng ngại mua phải yến giả nên thường chọn các thương hiệu nổi tiếng.

Ngay cả với những thương hiệu đã bước đầu xây dựng được uy tín trên thị trường thì việc kéo người tiêu dùng đến với mình cũng không phải điều đơn giản. Bởi theo ông Hoàng, Hoàng Yến, kinh doanh các sản phẩm yến sẽ được phân chia theo khu vực một cách rõ ràng, tức tùy mỗi địa phương mà sẽ có sản phẩm yến của những thương hiệu khác nhau.

Hiện nay, ngoài việc mở rộng hệ thống, các công ty yến cũng đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tạo ra nhiều loại sản phẩm (thực phẩm chức năng, mỹ phẩm...) phục vụ thị trường trong nước, đồng thời hướng tới xuất khẩu.

Theo Lê Dung 
NCĐT

kyanh

Trở lên trên