MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường bảo hiểm: Sự hấp dẫn của những người già (Kỳ 1)

28-03-2014 - 09:49 AM |

Việt Nam có hơn 5,6 triệu người cao tuổi nhưng chỉ mới 20% trong số này có lương hưu từ bảo hiểm xã hội.

Nội dung nổi bật:

- Theo một nghiên cứu mới công bố gần đây của Nielsen, Việt Nam có hơn 5,6 triệu người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) và số người sắp đến tuổi nghỉ hưu đang tăng lên. Thế nhưng, từ trước tới nay, Việt Nam chỉ mới áp dụng chính sách BHHT cơ bản dành cho người lao động. 

- Với nỗ lực cải cách hệ thống lương hưu trí, tăng an sinh xã hội cho người dân, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng song song 2 đề án về BHHT bổ sung và BHHT tự nguyện. Tính đến nay, đã có 4 DN trong tổng số 15 DN bảo hiểm nhân thọ triển khai sản phẩm hưu trí tự nguyện.

- Dự báo, thị trường dành cho người già sẽ tăng trưởng 100% trong vòng 5 năm tới, và phí bảo hiểm hằng năm có thể đạt tới 4.000 tỷ đồng vào năm 2018. 


Theo tính toán, thị trường bảo hiểm hưu trí (BHHT) rất tiềm năng khi có khoảng 3,5 triệu người lao động cần chế độ hưu trí trong tương lai.

Dự báo, thị trường này sẽ tăng trưởng 100% trong vòng 5 năm tới, và phí bảo hiểm hằng năm có thể đạt tới 4.000 tỷ đồng vào năm 2018. Hầu hết các doanh nghiệp (DN) bảo hiểm đã nhanh chân nhảy vào thị trường tiềm năng này.

Tuổi già, tiền trẻ

Sau thời gian dài với chính sách hưu trí cơ bản, Việt Nam quyết định xây dựng khung chính sách hoàn chỉnh dành cho người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu. Đây là một phân khúc hoàn toàn mới nên các DN bảo hiểm nhanh chóng vào cuộc.

Theo một nghiên cứu mới công bố gần đây của Nielsen, Việt Nam có hơn 5,6 triệu người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) và số người sắp đến tuổi nghỉ hưu đang tăng lên. Thế nhưng, từ trước tới nay, Việt Nam chỉ mới áp dụng chính sách BHHT cơ bản dành cho người lao động.

Nghĩa là sau thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động sẽ nhận một khoản lương nhất định khi đến tuổi nghỉ hưu. Với nỗ lực cải cách hệ thống lương hưu trí, tăng an sinh xã hội cho người dân, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng song song 2 đề án về BHHT bổ sung và BHHT tự nguyện.

Cuối năm 2013, khi đề án BHHT Tự nguyện được thông qua, các DN bảo hiểm ngay lập tức vào cuộc. Mở màn trong cuộc chạy đua này là Daii-chi Việt Nam với sản phẩm "An nhàn hưu trí” ra mắt vào ngày 10/10/2013. Tiếp theo đó, Công ty Manulife Việt Nam cũng nhanh chân tung ra sản phẩm hưu trí tự nguyện "Manulife - Điểm tựa hưu trí”.

Đầu năm 2014, Công ty AIA Việt Nam cũng nhanh chóng ra mắt sản phẩm hưu trí tự nguyện "An nghiệp hưu trí”. Một "tân binh" trong ngành bảo hiểm là PVI Sun Life cũng đã sốt sắng triển khai "Hưu trí PVI Sun Life".

Lãnh đạo Công ty PVI Sun Life, cho biết, mặc dù mới tham gia thị trường nhưng ngay khi có thông tin quy định về khung pháp lý cho việc phát triển BHHT, Công ty đã nhanh chóng nghiên cứu để ra mắt sản phẩm này. Như vậy, tính đến nay, đã có 4 DN trong tổng số 15 DN bảo hiểm nhân thọ triển khai sản phẩm hưu trí tự nguyện.

Theo các DN bảo hiểm, các sản phẩm BHHT tự nguyện rất thiết thực cho DN và người lao động. Vì nếu người lao động đóng phí bảo hiểm thì sẽ được miễn thuế thu nhập. Ngoài lương hưu, người lao động còn được hưởng các chế độ bảo hiểm nhân thọ bổ sung.

Nếu DN đóng thì bên cạnh quyền lợi được khấu trừ thuế thu nhập DN trên số bảo hiểm đóng cho nhân viên còn có thể chủ động thiết kế gói quyền lợi hưu trí và chọn thời điểm trao hưu trí cho nhân viên. Điều này sẽ giúp tăng cường sự gắn bó giữa nhân viên với DN, thu hút và giữ chân nhân tài, tạo nguồn lực dài hạn, đảm bảo cho các mục tiêu phát triển lâu dài của DN.

Và nói như ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính, quỹ hưu trí tự nguyện là hướng đi đúng, tạo thêm nguồn thu nhập ổn định trong tương lai khi đến tuổi về hưu hoặc gặp trường hợp rủi ro.

 

Nói về tiềm năng thị trường, ông Chung Bá Phương, Tổng giám đốc Công ty Manulife Việt Nam, cho rằng, ở Việt Nam, mới có gần 20% người cao tuổi có lương hưu từ bảo hiểm xã hội. Nghĩa là nhu cầu của người dân về kế hoạch hưu trí còn rất lớn. Hơn nữa, thị trường bảo hiểm nhóm của Việt Nam rất tiềm năng.

Hiện có nhiều DN mong muốn tham gia bảo hiểm nhóm cho người lao động để thu hút và giữ chân người tài. Một lý do khác khiến Manulife nhắm đến phân khúc nhóm vì sản phẩm BHHT tự nguyện là loại hình đầu tư tài chính rất mới trên thị trường, với đối tượng chính là người sử dụng lao động và người lao động.

Trong khi đó, ông Takashi Fujii, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công Ty Daii-ichi Việt Nam, lại cho rằng, một xã hội vững mạnh, phát triển phải dựa trên nền tảng bảo hiểm và chính sách an sinh xã hội cho toàn dân. Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng với hơn 60 triệu người ở độ tuổi lao động và mức thu nhập ngày càng nâng cao.

Trong 20 năm nữa, dự kiến dân số Việt Nam sẽ già đi rất nhanh. Phát triển sản phẩm hưu trí vào thời điểm này chính là bước đi đúng đắn nhằm tạo cho người dân tham gia để có thêm nguồn thu nhập trong tương lai khi đến tuổi về hưu. Việc giới thiệu sản phẩm này nằm trong kế hoạch đa dạng hóa sản phẩm của Công ty nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng trong từng giai đoạn của cuộc sống.

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, hiện có 6 DN có đủ điều kiện để triển khai sản phẩm hưu trí tự nguyện là Prudential, Bảo Việt Nhân Thọ, Manulife, Daii-ichi, AIA, PVI Sun Life và đã có 4 công ty chính thức ra mắt sản phẩm.

Dù đủ điều kiện để triển khai nhưng đại diện lãnh đạo Bảo Việt Nhân Thọ cho biết, Công ty hiện đang ráo riết chuẩn bị cho sự ra mắt sản phẩm trong thời gian sớm nhất. Sản phẩm của Công ty sẽ hướng đến khách hàng nhóm, tức là những chủ DN - những người sử dụng lao động.

(còn nữa)

>> Từ 1/6, về hưu sẽ có thêm lương  

Theo HỒNG NGA - MINH HÀO

thuyntt

Doanh nhân Sài Gòn

Trở lên trên