MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường dầu ăn: Gà nhà cắn nhau, cáo hưởng lợi?

17-06-2013 - 09:21 AM |

'Gà cùng một mẹ' Vocarimex...

Trong số hơn ba chục doanh nghiệp dầu ăn trong nước, Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật (Vocarimex) là 'ông trùm’ ngành dầu ăn thực vật với việc sở hữu cổ phần tại các doanh nghiệp lớn nhất như Cái Lân (Calofic), Tường An (TAC), Tân Bình (Nakydaco) và Golden Hope Nhà Bè (GHNB).

Tuy nhiên, Vocarimex chỉ nắm cổ phần chi phối tại Tường An và Tân Bình còn tại Cái Lân chỉ nắm giữ 32% và GHNB là 49%.

Cái Lân, doanh nghiệp dầu ăn lớn nhất trong nước, là công ty con của Wilmar, một trong những tập đoàn sản xuất dầu cọ cũng như dầu ăn lớn nhất thế giới.

Theo Euromonitor, năm 2012, trong 10 nhãn hiệu dầu ăn trong nước có thị phần cao nhất thì có tới 4 cái tên của Công ty Cái Lân là Neptune (20,7%), Simply (8,9%), Meizan (4,8%) và dầu thực vật Cái Lân (2,9%).

Không những chắc chân ở ngôi vương, Cái Lân còn ‘phát tướng’ khá đều đặn trong suốt nhiều năm liền, thị phần của công ty qua 5 năm đã tăng từ 32,6% (năm 2008) lên mức 37,3% (năm 2012).

Năm 2011, doanh thu của Cái Lân gấp gần 2,5 lần doanh nghiệp đứng thứ 2 là Tường An. Tuy nhiên, cũng theo Euromonitor thì thị phần của Cái Lân chỉ hơn gấp rưỡi.



Tường An đứng thứ 2 về thị phần chung nhưng nhãn hiệu Tường An của công ty được Euromonitor xếp đầu với 22,8% thị phần trong khi nhãn hiệu Neptune chỉ đứng số 2 với 20,7%.

Công ty dầu ăn Golden Hope Nhà Bè (xếp số 3 về thị phần - 10,8%) với các thương hiệu Marvela (8,1%) và Ông Táo (2,8%);

Công ty cổ phần Dầu thực vật Tân Bình (xếp thứ 4 - 5,9%) với thương hiệu Nakydaco.

Kết quả kinh doanh năm 2011 của các doanh nghiệp sản xuất dầu ăn trong nước.

Thị phần của các doanh nghiệp dầu thực vật trong nước năm 2012 (Nguồn: Euromonitor).

... vẫn hoài đá nhau!

Theo báo cáo của Euromonitor, trong giai đoạn 2007-2012, sản lượng dầu ăn tiêu thụ tại Việt Nam tăng đều đặn 9%/năm, giá trị doanh thu từ dầu ăn tăng trung bình 17%/năm.

Tuy nhiên, dù vẫn tăng trưởng đều đặn trong nhiều năm liền nhưng chiến lược phát triển của hệ thống các doanh nghiệp dưới trướng Vocarimex lại bộc lộ nhiều vấn đề.

Theo đó, tổng thị phần nội địa của hệ thống Vocarimex giai đoạn 1994-2000 thị phần đã tăng từ 50% lên 95%, nhưng tính từ năm 2000 - 2010, thị phần của Tổng Công ty không tăng mà lại giảm còn khoảng 90% (theo báo cáo của Vocarimex).

Có thể thấy, vấn đề rõ nhất trong hệ thống Vocarimex là tình trạng các công ty con/liên kết đang ăn vào thị phần/doanh thu/lợi nhuận của nhau.

Mặc dù đều là "họ hàng" của nhau nhưng các doanh nghiệp dưới trướng Vocarimex vẫn luôn cạnh tranh nhau rất ác liệt để giành giật thị phần. Cuộc chơi phần lớn diễn ra giữa Cái Lân - Tường An, 2 doanh nghiệp thống lĩnh 60% thị phần.

Vocarimex chỉ chi phối được Tường An, trong khi ở Cái Lân thì Wilmar mới là người có tiếng nói quyết định.

Trong giai đoạn 2008-2012, thị phần của Cái Lân tiếp tục được củng cố trong khi 3 doanh nghiệp còn lại không cải thiện được nhiều, đặc biệt thị phần của Tân Bình mất một nửa.

Thị phần của các doanh nghiệp dầu ăn trong nước (2008-2012). Nguồn: Euromonitor.

Thừa cơ 'cáo' cắn cổ 'gà'

Thị trường dầu ăn là mảnh đất màu mỡ, cả các doanh nghiệp nội địa lẫn nước ngoài đều vẫn rất thèm muốn để nhảy vào lĩnh vực này. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, mức tiêu thụ dầu ăn bình quân để đảm bảo sức khỏe là 13,5kg/người/năm, trong khi đó, ở Việt Nam con số này mới chỉ mới đạt 7kg/người/năm, dư địa tăng trưởng còn rất lớn.

Phía các doanh nghiệp trong nước, ngoài các công ty liên quan đến Vocarimex còn có Dầu thực vật Bình An thuộc Daso Group, Dầu Otran của VinaCommodities, Dầu Oilla của Quang Minh Group hay Đệ Nhất của Acecook.

Các doanh nghiệp nước ngoài cũng tận dụng từng cơ hội để thâm nhập. Giá bán cạnh tranh cùng với thuế suất nhập khẩu 0% trong năm 2012 khiến dầu ăn ngoại đang tràn ngập thị trường. 

Trước thực trạng dầu thực vật nhập khẩu gia tăng, đe dọa nghiêm trọng ngành sản xuất dầu ăn nội địa, đồng thời theo đề nghị của các doanh nghiệp sản xuất dầu ăn trong nước, Bộ Công thương đã ra quyết định áp thuế suất thuế nhập khẩu tạm thời 5% đối với dầu đậu nành và dầu cọ nhập khẩu vào Việt Nam, áp dụng từ ngày 7/5/2013, trong thời gian không quá 200 ngày.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia cũng như chính các doanh nghiệp sản xuất dầu ăn trong nước thừa nhận, khoảng thời gian 200 ngày áp dụng biện pháp tự vệ cũng khó làm thay đổi cục diện thị trường.

Với khoảng thời gian ngắn ngủi này, doanh nghiệp trong nước khó lòng nâng cao được sức cạnh tranh, chưa kể ngành sản xuất dầu thực vật trong nước gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cạnh tranh là điều tất yếu phải đối mặt. Có lẽ, các doanh nghiệp dầu ăn trong nước nên tự mình tìm lối thoát để sinh tồn, thay vì ngậm ngùi chờ lo hậu sự nếu hàng rào thuế không thể dựng lên được như cũ.

Kỳ Anh

kyanh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên