MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường Việt Nam cực kỳ quan trọng với Metro Cash & Carry?

23-12-2012 - 12:06 PM |

Thị trường chính sa sút khiến ông lớn trong loại hình bán lẻ tìm đến những thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Năm 2011, doanh thu của Metro tại Việt Nam đạt hơn 12.500 tỷ đồng.

Xuất hiện tại Việt Nam vào năm 2001, Metro Cash & Carry đang từng bước xây dựng đế chế của mình. Metro Cash & Carry là một trong ba thành viên của tập đoàn Metro, cùng với tập đoàn bán lẻ đa dịch vụ Real và tập đoàn bán lẻ đồ điện tử Media Mark. Trong 3 thành viên, Metro Cash & Carry là tập đoàn phát triển mạnh nhất ngoài biên giới nước Đức và chiếm hơn 46% tổng doanh số của Metro.

Theo kế hoạch ban đầu, tập đoàn này chỉ dự định mở 8 trung tâm phân phối tại Việt Nam. Nhưng sau 10 năm góp mặt, số lượng cơ sở tại Việt Nam của Metro đã lên đến con số 17, hơn gấp đôi so với dự định ban đầu và tiếp tục mở rộng thêm. Con số này đứng thứ 2 tại châu Á chỉ sau Trung Quốc.

Báo cáo tài chính của tập đoàn cho thấy, doanh số của Metro tại Việt Nam năm 2011 đạt 466 triệu euro (tương đương với 12,5 nghìn tỉ đồng) tăng 50 triệu euro (1350 tỉ) so với năm 2010. Mức doanh số này chiếm 17% doanh số của Metro Cash & Carry tại châu Á/Phi, đứng thứ hai trong khu vực chỉ xếp sau Trung Quốc và vượt xa doanh số tại Ấn Độ, Nhật Bản.


Điều này cho thấy Việt Nam cũng là một trong những quốc gia nằm trong “tầm ngắm” của tập đoàn nước Đức. Nhiều yếu tố khách quan của thị trường đang khiến Việt Nam trở thành đích ngắm của ông lớn này.

Sự sụt giảm tại các thị trường chính

Các báo cáo tài chính gần đây cho thấy, trong 2 năm vừa qua Metro phát triển đặc biệt yếu tại 2 thị trường chính của tập đoàn là Tây Âu và quê nhà Đức. Doanh thu của tập đoàn này đã giảm 2.8% tại Đức và 0,9% tại Tây Âu. Việc kinh doanh của Metro bị ảnh hưởng do khủng hoảng kinh tế ở châu Âu và niềm tin người tiêu dùng sụt giảm mạnh trong khu vực đồng tiền chung.

"Lãnh địa" kinh doanh của Metro

Theo báo cáo tài chính quý 3/2012, doanh số của Metro tăng nhẹ tại Đức và tiếp tục giảm tại Tây Âu.Mặc dù vậy, doanh số của tập đoàn vẫn tăng 1,5%, đạt 47,4 tỉ Euro, chủ yếu nhờ vào sự tăng trưởng ở các thị trường mới nổi bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Nga. Chỉ tính riêng tại thị trường châu Á và châu Phi, Metro Cash & Carry có mức tăng trưởng 30% trong 9 tháng đầu năm 2012. Tất các quốc gia trong khu vực đều ghi nhận có sự tăng trưởng. Trung Quốc hiện là thị trường lớn thứ 4 của Metro Cash & Carry.

Trong khi đó ở Đức và Tây Âu, thị trường quan trọng nhất của tập đoàn, dự báo sẽ không có nhiều tăng trưởng, Do đó, tiến công vào các thị trường các nước mới nổi được xem là có nhiều tiềm năng hơn. Các thị trường này bao gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và cả Việt Nam.

 

(Nguồn: Báo cáo tài chính Q3/2012) 

Thị trường sơ khai

Tiềm năng của thị trường Việt Nam, trước hết là lượng người tiêu dùng lớn chưa được khai thác. Mặc dù đã có những làn sóng đầu tư nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam trong thời gian qua, mô hình bán lẻ hiện đại vẫn chưa phổ biến với người tiêu dùng Việt. Hơn 80% người tiêu dùng vẫn mua đồ tại các điểm bán lẻ truyền thống (chợ cóc, chợ trời,..), việc mua hàng tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn chưa tiếp cận được đại đa số người tiêu dùng.

Với một thị trường còn sơ khai, người tiêu dùng chuộng giá thấp, sự xuất hiện của các thương hiệu cao cấp vẫn còn ít như ở Việt Nam, Metro đang muốn đẩy mạnh cơ hội phát triển. 

Với doanh số tăng trưởng tốt, hiện tập đoàn đang có kế hoạch mở thêm 4 cơ sở tại Việt Nam vào năm sau. Các tỉnh, thành phố được tập đoàn này hướng tới phát triển là Bình Định, An Giang, Bình Dương và Vũng Tàu. 

Những báo cáo tài chính tốt của công ty mẹ trong năm 2011 đang củng cố thêm tham vọng mở rộng khắp Việt Nam của tập đoàn này, bởi tập đoàn có thể đầu tư một lượng vốn lớn mà chưa cần thu về ngay.

Tỉ lệ nợ trên lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao của Metro thấp hơn so với nhiều đối thủ bán lẻ khác.

Một ưu thế khác không thể không nhắc tới là chính sách ưu đãi của chính phủ, đặc biệt là vị trí của các trung tâm phân phối. Hoạt động ở Việt Nam dưới hình thức bán sỉ, nhưng nhiều cơ sở Metro Cash & Carry lại nằm rất gần trung tâm các thành phố lớn như ở Đà Nẵng, Buôn Mê Thuật. Nhờ vậy, tập đoàn này đang cạnh tranh trực tiếp với các cửa hàng bán lẻ có giá bán cao hơn.

Mặt khác, việc mở rộng tại Việt Nam cũng có thể xem là bước đệm của Metro thăm dò và tiến công vào các thị trường lân cận khác trong tương lai.

Sức ép và chiến lược dài hạn

Việc Metro Cash & Carry liên tục mở rộng đang gây sức ép rất lớn tới các doanh nghiệp nội. Theo ông Vũ Vĩnh Phú, chủ tịch hiệp hội siêu thị Hà Nội, một số tên tuổi bán lẻ trong nước như FiviMart và Intimex đã phải giảm số lượng các cửa hàng sau khi lợi nhuận giảm 5 – 10%. Một nguyên nhân không nhỏ là do sự tác động của các tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài đang tấn công thị trường Việt Nam như Metro, Big C hay Parkson.

Mặc dù vậy, Metro Việt Nam hiện mới chỉ hiện hữu ở mảng bán sỉ. Dù đã có nhiều thông tin và tố cáo của nhiều DN bán lẻ nội địa, cho rằng Metro đang “lách luật” để có thể bán lẻ, tuy nhiên tập đoàn này vẫn chưa có động tĩnh về việc bổ sung chiến lược mở rộng mô hình Cash & Carry của mình để có thể bán lẻ.

Trong tương lai, khu vực bán lẻ củaViệt Nam hiện cũng đang dần hội nhập và tự do hóa, Metro sẽ phải đối mặt với những sự cạnh tranh ngược và cơ hội tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên đây là một cuộc chơi dài hạn, và Metro vẫn có thể khai thác một thị trường rộng lớn với đông đảo người tiêu dùng, nhất là tại khu vực nông thôn.

 Trang Lam

dungtq

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên