MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vinacafe sáp nhập với Tập đoàn cao su để trả nợ?

04-04-2013 - 10:39 AM |

Kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp này chưa được 1 phần trăm trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Trong thời gian tới, Tổng công ty cà phê Việt Nam (Vinacafe) phải sáp nhập để trở thành tổng công ty trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) hoặc phải bán trụ sở văn phòng cùng tài sản khác để trả nợ.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), do sản xuất kinh doanh của Vinacafe trong những năm qua gặp nhiều khó khăn, nhiều đơn vị trực thuộc Vinacafe kinh doanh thua lỗ, vì thế, để tái cơ cấu lại, bộ đã đưa ra hai phương án để hội đồng thành viên Vinacafe lựa chọn và quyết định.

Theo đó, Vinacafe sẽ phải bán nhà máy chế biến cà phê Đà Lạt, bán trụ sở văn phòng tổng công ty và các tài sản khác, thoái vốn tại các công ty cổ phần hoạt động kinh doanh kém hiệu quả hoặc không thuộc ngành nghề kinh doanh chính của Vinacafe để có tiền trả các khoản vay quá hạn… Phương án thứ hai là Vinacafe sẽ sáp nhập vào Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) và trở thành tổng công ty trực thuộc VRG để tái cơ cấu.
 
Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, một thành viên trong ban giám đốc Vinacafe cho biết, tổng công ty này sẽ cố gắng làm mọi các để giữ lại tổng công ty chứ không sáp nhập vào VRG.
 
Trước đó, do làm ăn thua lỗ nên một trong những công ty 100% vốn của Vinacafe là Công ty TNHH MTV cà phê Eatul (Đắk Lăk) đã chuyển nguyên trạng gồm 400 héc ta cà phê, số tiền nợ quá hạn, lãi vay quá hạn trả nợ ngân hàng cũng như toàn bộ lực lượng lao động cho tỉnh Đăk Lăk để sau đó giao lại cho Công ty cà phê Trung Nguyên.
 
Theo bản đề án tái cơ cấu mà ban giám đốc Vinacafe đưa ra trước đây, đến năm 2015 thì tổng công ty này sẽ thoái vốn khỏi những công ty ngoài ngành và chỉ tập trung vào hai lĩnh vực chính là trồng trọt, sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu cà phê và ngành nghề liên quan đến cà phê.
 
Ngày 28/12/2012, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã ký Quyết định 2101/QĐ-TTg phê duyệt đề án tái cơ cấu Tổng công ty cà phê Việt Nam giai đoạn 2012-2015. Theo đó, Vinacafe sẽ thoái 100% vốn công ty mẹ là Công ty cổ phần xây dựng Đồng Tâm, Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Vinacafe Đắk Lắk, Công ty cổ phần sản xuất phân vi sinh Vinacafe, Công ty cổ phần giống cây trồng Tây Nguyên, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu cà phê Đức Nguyên, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu cà phê Intimex Nha Trang.
 
Đề án tái cơ cấu này không đề cập đến việc Vinacafe phải bán tài sản để trả nợ hay phải sáp nhập vào VRG như phương án mà Bộ NN&PTNT đưa ra ở trên.
 
Trước đó, mặc dù tự nhận sử dụng vốn hiệu quả chưa cao nhưng Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) vẫn kiến nghị Nhà nước “bơm” thêm hàng nghìn tỷ đồng.
 
Cụ thể, các kiến nghị của Vinacafe lên “trên” gồm: cho vay 1.969 tỷ đồng để thực hiện chương trình tái canh 11.000 ha cà phê; phê duyệt chương trình cải tạo, nâng cấp cấp bách  28 công trình thuỷ lợi với ngồn vốn 240 tỷ đồng; cấp bổ sung vốn điều lệ, hoặc cơ chế tạo vốn lưu động khoảng 1.000 tỷ đồng.
 
Chưa hết, tổng công ty này còn đề nghị xem xét xoá khoản nợ ODA (61 tỷ đồng), xử lý nợ AFD (211 tỷ đồng); đồng thời có cơ chế cho công ty mẹ - Vinacafe vay vốn để thu mua, tạm trữ phục vụ xuất khẩu 100.000 ngàn tấn/năm, tương đương 4.500 tỷ đồng…
 
Thông tin đưa ra tại Hội nghị triển khai công tác sản xuất kinh doanh năm 2013 cho thấy, tổng công ty này còn lỗ luỹ kế 382,5 tỷ đồng.
 
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp này chưa được 1 phần trăm trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
 
Tổng Công ty cà phê Việt Nam (lấy tên giao dịch là Vinacafe) và Công ty cổ phần (CTCP) Vinacafé Biên Hòa đã từng có khúc mắc về thương hiệu Vinacafe mặc dù cả hai công ty này đều có chung một ông Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Đoàn Đình Thiêm.
 
"Tổng công ty cà phê Việt Nam được đăng ký với tên gọi là Vinacafe, chữ thẳng đứng, còn CTCP Vinacafé Biên Hòa đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm cà phê hòa tan bán trên thị trường là Vinacafé, chữ in nghiêng, chữ e cuối cùng có dấu sắc ('). Do đó, việc Tổng công ty cà phê Việt Nam dùng tên giao dịch là Vinacafe không ảnh hưởng đến nhãn hiệu của Vinacafe Biên Hòa" - ông Đoàn Đình Thiêm, Chủ tịch hội đồng quản trị của cả hai công ty cho biết.
 
Ông Phạm Đình Chướng, nguyên Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, nếu CTCP Vinacafé Biên Hòa đã đăng ký nhãn hiệu Vinacafé (dạng in nghiêng) với Cục sở hữu trí tuệ từ năm 1993 và muốn Tổng công ty cà phê Việt Nam không dùng tên Vinacafé để giao dịch trên thị trường để khỏi gây nhầm lẫn thì phải xem Vinacafe có trước hay sau năm 1993. 

“Nếu Vinacafé Biên Hòa chứng minh được nhãn hiệu Vinacafé có trước tên gọi thương mại của Tổng công ty cà phê Việt Nam thì có thể nhờ pháp luật để yêu cầu Tổng công ty cà phê Việt Nam dùng tên gọi khác thay cho Vinacafe. Luật sở hữu trí tuệ không căn cứ trên kiểu chữ mà căn cứ bằng phát âm tên gọi”, ông Chướng nói.
 
Tuy nhiên, theo ông Đoàn Triệu Nhạn, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty cà phê Việt Nam, tên gọi Vinacafe đã được ông đăng ký ở Cục sở hữu trí tuệ vào năm 1982 để làm tên giao dịch của Liên hiệp các xí nghiệp cà phê Việt Nam khi giao dịch với các đối tác nước ngoài ở thời điểm đó, cụ thể là các công ty xuất nhập khẩu của Liên Xô (cũ).
 
Ngoài ra, việc nhờ pháp luật phân định ai là chủ sở hữu Vinacafe như ý kiến của ông Chướng nêu trên còn gặp một khó khăn khác: hiện thời Vinacafe vẫn là cổ đông lớn của CTCP Vinacafe Biên Hòa, và Chủ tịch HĐQT của Vinacafe, ông Đoàn Đình Thiêm, cũng chính là Chủ tịch HĐQT của CTCP Vinacafe Biên Hòa và chắc chắn ông Thiêm sẽ rất khó xử nếu hai doanh nghiệp này không tự dàn xếp được với nhau.
 
Theo Duyên Duyên

tanhoa

Báo Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên