MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xu hướng doanh nghiệp Nhật mua cổ phiếu Việt tiếp tục diễn ra mạnh mẽ

29-02-2012 - 02:03 AM |

Các nhà đầu tư Nhật Bản hiện đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động M&A và mua bán cổ phần đang diễn ra sôi động trong hơn một năm qua.

Ba thương vụ phát hành cổ phần lớn cho nhà đầu tư nước ngoài đầu năm nay có đặc điểm chung: bên mua là các doanh nghiệp Nhật Bản.

Mở đầu năm là thương vụ phát hành cổ phần có giá trị lớn nhất từ trước đến nay khi Vietcombank (VCB) phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho Mizuho bank với giá 34.000 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị hơn 570 triệu USD.

Mizuho không những chấp nhận mua với mức giá cao hơn hẳn thị giá mà còn chấp nhận điều khoản hạn chế chuyển nhượng trong vòng 5 năm.

Đây là lần thứ 2 một ngân hàng Nhật tham gia làm cổ đông chiến lược của một ngân hàng trong nước. Thương vụ trước là Sumitomo Mitsui Banking Corporation mua 15% cổ phần của Eximbank.

Các thương vụ nổi bật đầu năm 2012

Thương vụ thứ 2 là CTCP Kinh Đô (KDC) phát hành hơn 14 triệu cổ phiếu, tương đương 10,5% vốn điều lệ cho hãng bánh kẹo Ezaki Glico.

Giá trị của thương vụ này chưa được công bố.

Thương vụ thứ 3 là DI Asian Industrial Fund (DIAIF) mua 10 triệu cổ phiếu, tương đương 31% cổ phần của CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) – một công ty chuyên về phân phối các thiết bị y tế.

Được thành lập tháng 6/2010, DIAIF là quỹ đầu tư với vốn cổ phiếu 70 triệu USD với mục tiêu để hỗ trợ tăng trưởng, tư vấn chiến lược và hỗ trợ họat động kinh doanh cho các công ty ở Việt Nam.

Quỹ này cũng đã thực hiện mua cổ phần của CTCP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood trong năm 2011.

Trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm vào các công ty công nghệ, Quỹ đầu tư CyberAgent đã đầu tư vào NCT - công ty sở hữu Website nghe nhạc trực tuyến nhaccuatui.com.

Những xu hướng chính 

Năm ngoái, có gần chục thương vụ mua bán cổ phần lớn được nhà đầu tư Nhật tiến hành.

Trong lĩnh vực hàng tiêu dùng có sự kiện Unicharm mua lại 95% cổ phần của Diana với giá trị ước khoảng 129 triệu USD; Kirin Holding mua lại cổ phần chi phối tại CTCP Thực phẩm quốc tế - Interfood (IFS); Daio Paper mua cổ phần của Giấy Sài Gòn…

Trong lĩnh vực tài chính: SBI Securities mua 20% cổ phần của Chứng khoán FPT và SMBC Nikko mua 15% cổ phần của Chứng khoán Dầu khí (PSI)

Trong lĩnh vực công nghệ: NTT Docomo đầu tư vào VMG Media và NTT Data đầu tư vào ví điện tử Payoo

Trong lĩnh vực bất động sản: Tama Global Investment mua 20% cổ phần của CotecLand (CLG).
 
Các thương vụ nổi bật năm 2011
 

Nhà đầu tư Nhật Bản đang có xu hướng đầu tư mạnh vào 2 ngành hàng tiêu dùng và tài chính. Đây là 2 lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây và là mục tiêu đầu tư của nhiều định chế tài chính nước ngoài.

Mặt khác, 2 ngành trên cũng không dễ thâm nhập thị trường, do đó việc đầu tư gián tiếp thông qua mua lại, mua cổ phần chiến lược có phần thuận lợi hơn là gây dựng từ đầu. Điều này chắc chắn sẽ làm cho làn sóng doanh nghiệp Nhật mua cổ phiếu Việt sẽ còn kéo dài.

Một chi tiết khá thú vị trong nhiều thương vụ của nhà đầu tư Nhật là họ khá “hào phóng” trong việc chấp nhận mua cổ phiếu với giá cao hơn hẳn so với mặt bằng chung.

Điển hình là việc NTT Docomo trả 150.000 đồng cho 1 cổ phiếu VMG Media (mệnh giá 10.000 đồng), SBI Securities mua cổ phiếu FPTS với giá 45.000 đồng hay Mizuho mua cổ phiếu VCB với giá 34.000 đồng, cao hơn 30% so với thị giá tại thời điểm phát hành và chấp nhận hạn chế chuyển nhượng 5 năm.

Trong một lần trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn Tiếp thị, ”, ông Lê Minh Tâm, Tổng giám đốc Chứng khoán Kim Eng Việt Nam, cho biết: “Khi nhà đầu tư chiến lược muốn mua số lượng lớn cổ phiếu của doanh nghiệp để được tham gia quản trị doanh nghiệp đó thì họ sẵn sàng trả giá cao nhất”. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam lại tỏ ra thận trọng trong các thương vụ mua bán. Họ đang chịu áp lực phải chọn lựa giữa cố thủ để tồn tại hay tìm vốn từ bên ngoài để phát triển. Cố thủ đồng nghĩa với tiếp tục chìm trong khó khăn. Còn đi tìm đối tác chiến lược, thì khi nhìn vào những vụ thâu tóm trên thị trường, họ cũng không khỏi lo sợ.
 
KAL

duchai

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên