MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cây cầu vượt biển dài nhất thế giới và sự chuyển mình của đồng bằng Châu Giang

20-04-2017 - 08:46 AM | Tài chính quốc tế

Nói một cách công bằng thì vùng PRD có cơ sở hạ tầng tốt hơn so với phần lớn các nước đang phát triển khác. Các thành phố được xây dựng tốt hơn, kết nối tốt hơn và sạch sẽ hơn so với bất kỳ nơi nào khác trên đất nước Trung Quốc.

Khung cảnh nhìn từ con đường tình yêu ở Chu Hải – thành phố ven biển có thế mạnh về du lịch và được mệnh danh là “thành phố biển ngọc” – mang 1 vẻ đẹp ngoạn mục. Khung cảnh mờ sương khiến những du khách đến từ đại lục vốn đã quá quen thuộc với khói bụi ô nhiễm nơi thành thị cảm thấy thư thái. Dọc theo đại lộ, những dự án chung cư cao cấp đang mọc lên.

Nếu bạn đi phà từ bến tàu gần đó để tới Hồng Kông, khung cảnh tráng lệ sẽ nhanh chóng hiện ra trước mắt: những cột trụ sừng sững mọc lên giữa biển để tạo nên cây cầu vượt biển dài nhất thế giới. Đó là một phần của dự án hầm – cầu có hình chữ Y trải dài 40km. Sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng thì cây cầu nối Hồng Kông – Chu Hải – Macau cũng sắp hoàn thành. Thay vì mất 4 tiếng đi ô tô, giờ đây thời gian rút ngắn chỉ còn 45 phút để đi từ bên này sang bên kia. Và nơi hưởng lợi nhiều nhất sẽ là Macau – thành phố nhỏ bé đang thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết để thu hút khách du lịch.

Trên bản đồ, vùng đồng bằng Châu Giang (PRD) nhìn khá nhỏ bé. Tuy nhiên, tính cả diện tích mặt biển và đất liền thì vùng này cũng có diện tích hơn 40.000km2. Tuy nhiên, rất mất thời gian để từ phía Đông sang phía Tây, bởi vậy cây cầu sắp hoàn thành là giải pháp cho vấn đề này.

Nói một cách công bằng thì vùng PRD có cơ sở hạ tầng tốt hơn so với phần lớn các nước đang phát triển khác. Các thành phố được xây dựng tốt hơn, kết nối tốt hơn và sạch sẽ hơn so với bất kỳ nơi nào khác trên đất nước Trung Quốc. Các cảng biển ở Thâm Quyến và Hồng Kông xử lý nhiều container hơn cả Thượng Hải – cảng container bận rộn nhất thế giới. Hồng Kông cũng có sân bay hàng hóa đông đúc nhất thế giới.

Ở Trung Quốc, những khoản tiền khổng lồ đầu tư cho cơ sở hạ tầng chỉ tạo ra những dự án hoành tráng nhưng không hiệu quả không phải là chuyện hiếm. Nhưng chuyện đó không xảy ra ở vùng PRD. Những nhà quy hoạch nhạy bén và tuân thủ chặt chẽ các quy tắc của thị trường không cho phép điều đó xảy ra.

Trong kế hoạch 5 năm mới nhất được tỉnh Quảng Đông công bố năm 2016, lãnh đạo tỉnh kêu gọi xây dựng một “vòng tròn 1 giờ” kết nối tất cả các thành phố lớn của vùng PRD. Hiện hàng nghìn km đường cao tốc đang được xây dựng. Chỉ tính riêng việc mở rộng hệ thống tàu hỏa kết nối các thành phố cũng tạo thêm 1.350km. Hiện mỗi 100km2 đã có 2,2km đường sắt, nhưng các lãnh đạo tỉnh muốn nhiều hơn thế. Các hệ thống tàu điện ngầm ở Quảng Châu và Thâm Quyến không ngừng được mở rộng dù đang nằm trong số những hệ thống lớn nhất thế giới.

Là thủ phủ của tỉnh, Quảng Châu đặc biệt chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong nỗ lực trở nên hấp dẫn hơn với vị thế là điểm trung chuyển hàng hóa, thành phố đầu tư rất mạnh để mở rộng các cảng nước sâu. Một dự án gồm trung tâm cung ứng và đặc khu kinh tế đang được xây dựng quanh sân bay có diện tích 100km2. Khi hoàn thành, tàu cao tốc nối Hồng Kông và Quảng Châu sẽ giúp giảm một nửa thời gian đi lại, xuống chỉ còn 48 phút.

Cứ 3 năm 1 lần, một nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhóm sáng kiến đô thị Trung Quốc (UCI) sẽ soạn thảo 1 báo cáo chi tiết về tốc độ đô thị hóa trên cả nước. Báo cáo này dựa trên 23 tiêu chí, từ an sinh xã hội (y tế, trợ cấp thất nghiệp) tình trạng ô nhiễm (chất lượng không khí, nước, rác thải) đến xây dựng môi trường sống (về phương tiện công cộng, không gian xanh) và mức độ tối ưu hóa tài nguyên (hiệu quả sử dụng nguồn nước và năng lượng). Theo báo cáo mới nhất đánh giá mức độ bền vững của đô thị được công bố tháng 3 vừa qua, vùng PRD một lần nữa nổi trội so với cả nước. Thâm Quyến đứng đầu bảng xếp hạng 185 thành phố, Quảng Châu và Chu Hải cũng nằm trong top 6.

Báo cáo do quỹ CDRF kết hợp với PwC thực hiện phân tích 28 thành phố lớn của Trung Quốc cũng cho thấy Quảng Châu và Thâm Quyến là những thành phố tốt nhất cho “cải tiến công nghệ và phát triển cân bằng”.

Điểm đến là Vũ Hán chứ không phải Washington

Ở thời điểm hiện tại, vùng này coi trọng nhất các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng giúp định hướng lại chuỗi cung ứng, quay trở về thị trường nội địa.

Theo William Fung, Chủ tịch tập đoàn Li & Fung là công ty đi đầu về chuỗi cung ứng có trụ sở ở Hồng Kông, sau 2 thập kỷ chỉ xuất khẩu hàng hóa sang phương Tây, các nhà máy ở vùng đồng bằng Châu Giang đang bận rộn sắp xếp lại chuỗi cung ứng, thay đổi mẫu thiết kế sản phẩm để chăm sóc tốt hơn những khách hàng đại lục. Nhiều công ty đang đổ tiền đầu tư vào những thứ như hệ thống phân phối ở chặng cuối để giúp các nhà sản xuất bán hàng ở quê nhà.

Một ví dụ điển hình là SF Express của Thâm Quyến, công ty chuyển phát nhanh đầy tham vọng đã lên sàn thành công hồi tháng 2. SF đã mở rộng trung tâm điều khiển ở sân bay Thâm Quyến và đang xây dựng cảng không vận lớn nhất châu Á ở Ngạc Châu.

Có thể nhìn thấy sự thay đổi trong những con số thống kê. Tỷ trọng của xuất khẩu trong sản lượng công nghiệp của tỉnh Quảng Đông đã giảm từ mức 38% của năm 2000 xuống chỉ còn 27% trong năm 2015. Theo Chủ tịch Fung thì xu hướng trong 30 năm tới sẽ là sức tiêu dùng của người Trung Quốc, và Li&Fung đang nhảy vào làn sóng này.

Là khu vực trung tâm của tỉnh Quảng Đông, vùng đồng bằng sông Châu Giang (Pearl River Delta – PRD) là nơi tập trung 9 thành phố lớn gồm Quảng Châu, Thâm Quyến, Chu Hải, Đông Quản, Trung Sơn, Phật Sơn, Quý Châu, Giang Môn và Triệu Khánh, cùng Đặc khu hành chính Hồng Kông và Ma Cao. Ngân hàng Thế giới World Bank mới đây cho rằng PRD chính là siêu đô thị lớn nhất thế giới (vượt Tokyo). Với 66 triệu dân, khu vực này đông dân hơn cả nước Ý.

Vùng tam giác có diện tích không lớn nằm ở cửa ngõ phía Nam của Trung Quốc có sức mạnh kinh tế đáng nể. Với GDP đạt 1.200 tỷ USD, nền kinh tế khu vực PRD còn lớn hơn cả Indonesia – nơi có dân số đông gấp 4 lần. 10 năm qua, khu vực này có tốc độ tăng trưởng trung bình 12%/năm.

Thu Hương

Economist

Trở lên trên