MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO Base Phạm Kim Hùng: Làm startup công nghệ muốn thành công thì cần nhất là chăm chỉ, làm việc từ 12 đến 16 tiếng/ngày trong nhiều năm

Phạm Kim Hùng, người sáng lập và CEO của Base có 2 bàn tay với móng tay được cắt rất sát. Có lẽ, móng tay dài sẽ là chi tiết thừa, gây vướng víu đối với một CEO vẫn hàng ngày dành 10 đến 11h để làm sản phẩm trên máy tính như Hùng.

Từng mệnh danh là cậu bé vàng của Toán học Việt Nam với 2 huy chương Olympic (một vàng, một bạc), giành học bổng toàn phần rồi tốt nghiệp Đại học Stanford (Mỹ), Hùng đang điều hành một startup công nghệ đang lên – chuyên cung cấp giải pháp quản trị và điều hành cho doanh nghiệp, với mô hình dịch vụ SaaS (Software-as-a-Service). Đây là một dạng phần mềm chạy trên web có thể truy cập từ xa, tương tự như SalesForce (Mỹ).

Sau 3 năm phát triển, Base đã có khoảng 3.000 doanh nghiệp đang sử dụng dịch vụ hàng tháng và là giải pháp quản trị doanh nghiệp phổ biến nhất ở Việt Nam theo lượng truy cập. Nhưng khi trả lời phỏng vấn, người đàn ông 33 tuổi, chưa từng đi làm thuê, Phạm Kim Hùng nhiều lần khẳng định: anh và các đồng đội chẳng có gì đặc biệt ngoài chuyện làm việc nhiều thời gian hơn những người bình thường.

CEO Base Phạm Kim Hùng: Làm startup công nghệ muốn thành công thì cần nhất là chăm chỉ, làm việc từ 12 đến 16 tiếng/ngày trong nhiều năm - Ảnh 1.

Học ở Stanford (Mỹ) giúp ích gì cho Hùng khi trở về Việt Nam khởi nghiệp?

Khi sang Stanford, câu hỏi của mình là Stanford hay nước Mỹ có yêu cầu mình ở lại làm việc sau khi tốt nghiệp hay không. Đây là thứ khá phổ biến vì nhiều quốc gia khác yêu cầu như vậy. Mình có học bổng toàn phần ở Stanford.

Khi nêu câu hỏi đó, giáo sư hướng dẫn mình là Rafe Mazzeo, Trưởng khoa Toán Đại học Stanford nói rằng: "Sau này, em đi đâu, làm gì cũng được miễn là em cảm thấy tự hào về nó và xứng đáng với những gì Stanford trao cho em".

Đấy là giây phút cho mình một sự thay đổi lớn về sau. Khi bản thân may mắn nhận được những thứ rất giá trị một cách vô điều kiện, trong thâm tâm mình luôn mong muốn làm được điều gì để xứng đáng với điều đó.

Đó cũng là lý do mình quyết định trở về vì tin rằng Việt Nam có rất nhiều bài toán giá trị để giải, như giáo dục, trí tuệ nhân tạo, thanh toán trực tuyến. Sau thì mình nhận ra bài toán phù hợp với mình nhất là giải pháp cho doanh nghiệp. Dẫu vậy, đây là sự lựa chọn cá nhân và mình tin Việt Nam có rất nhiều thứ để làm. Mỗi người đều có cơ hội để tạo ra giá trị cho xã hội bằng những cách khác nhau.

Từng làm một số sản phẩm B2C (Business-to-customer), vì sao Hùng lại chuyển sang B2B (Business-to-business) khi khởi nghiệp một lần nữa với Base?

Khi làm startup, một thứ cốt lõi mà mọi người thường nói là product market fit - xây dựng được một sản phẩm phù hợp với thị trường. Tuy nhiên, qua nhiều trải nghiệm và cả thất bại, mình tin rằng chỉ riêng product market fit là không đủ. Cần phải là founder - product - market fit vì mỗi cơ hội chỉ thực sự dành cho một nhóm rất ít các startups dám đi cùng nó đến cùng.

Có những cơ hội tốt về thị trường nhưng không bao giờ dành cho một team nào đó bởi phẩm chất, cá tính của team không phù hợp. Startup, về bản chất, có tỷ lệ thành công rất thấp, thế nên không phải cơ hội nào mà mọi người nhìn thấy cũng dành cho mình.

CEO Base Phạm Kim Hùng: Làm startup công nghệ muốn thành công thì cần nhất là chăm chỉ, làm việc từ 12 đến 16 tiếng/ngày trong nhiều năm - Ảnh 2.

Vì sao Hùng lại đặt sự phù hợp với tính cách của những người sáng lập cao hơn việc xây dựng một sản phẩm phù hợp với thị trường khi làm Base?

Khi startup nên phổ biến ở Việt Nam, mọi người thường nhìn rất nhiều cơ hội. Tuy nhiên những cơ hội rõ ràng ai cũng nhìn thấy sẽ dành cho các startups có sẵn những lợi thế cạnh tranh đặc biệt và xuất phát điểm cao hơn. Quả thật thì ngay cả các quỹ cũng sẽ muốn đầu tư vào các startup như vậy. Nhưng đối với một startup không có những lợi thế đó, câu chuyện phụ thuộc rất lớn vào việc bản thân những người sáng lập tin và kiên trì được đến đâu. Vì thế tính cách của team và sản phẩm họ làm ra rất cần gắn chặt với nhau.

Trước đây mình và các bạn trong team từng làm một sản phẩm B2C, BigTime. B2C là thứ đòi hỏi anh cần phải hiểu rất rõ về khách hàng bởi trải nghiệm và đặc biệt là cảm xúc của họ rất quan trọng với sản phẩm. B2B (Business to Business) thì lại khác. Với doanh nghiệp, họ đưa ra quyết định dựa trên giá trị chứ không phải cảm xúc. Nó mang tính lý trí nhiều hơn. Đây là điều phù hợp nhất với team mình.

CEO Base Phạm Kim Hùng: Làm startup công nghệ muốn thành công thì cần nhất là chăm chỉ, làm việc từ 12 đến 16 tiếng/ngày trong nhiều năm - Ảnh 3.

Những giải pháp của Base cho quản trị doanh nghiệp khác gì với sản phẩm tương tự của doanh nghiệp khác?

Base khác với khá nhiều sản phẩm khác cả ở Việt Nam và trên thế giới. Bọn mình muốn giúp doanh nghiệp giải quyết bài toán một cách triệt để theo từng khía cạnh riêng của quản trị, từ các bài toán liên quan đến tuyển dụng, quản lý công việc, quản lý thông tin….

Base là một nền tảng công nghệ mở, giống như hệ điều hành như Windows hay iOS. Ở trên đó, bất cứ lúc nào Base cũng có thể phát triển thêm các sản phẩm mới để giải các bài toán tiếp theo của doanh nghiệp. Điều này mang lại sự linh hoạt và chủ động cho các doanh nghiệp vì nhiều bài toán đến một quy mô và hoàn cảnh nhất định doanh nghiệp mới gặp phải.

CEO Base Phạm Kim Hùng: Làm startup công nghệ muốn thành công thì cần nhất là chăm chỉ, làm việc từ 12 đến 16 tiếng/ngày trong nhiều năm - Ảnh 4.

Vì sao Base chọn việc đi theo mô hình của SalesForce và áp dụng một giải pháp cho tất cả các doanh nghiệp. Trong khi đó, ở mảng giải pháp quản lý B2B hầu hết các công ty đều chọn cách "may đo" cho từng khách hàng?

Đó là cách mà thông thường mọi người vẫn nghĩ về các sản phẩm công nghệ cho doanh nghiệp từ trước tới nay. Tuy nhiên, cách làm ấy tạo ra nhiều vấn đề về sau, trong đó có việc không thể tiếp tục phát triển sản phẩm cho phù hợp với yêu cầu mới. Trong nhiều năm qua, thế giới đã thay đổi rất nhiều, môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh, và SAAS đã trở thành một sự dịch chuyển không thể ngăn cản được. Thực tế đã chứng minh một điều: tất cả những thứ được tối ưu hóa riêng cho một doanh nghiệp, đến một lúc nào đó sẽ đều sai.

Base đang phục vụ 3.000 doanh nghiệp và tất cả các doanh nghiệp đều dùng các sản phẩm có cấu trúc giống nhau.

Làm sao để tạo ra được một giải pháp như thế?

Để tạo ra được một lời giải chung cho một vấn đề của tất cả các doanh nghiệp lớn nhỏ, bọn mình phải luôn đứng dưới góc của khách hàng và đưa ra những lựa chọn chân thực. Phải hiểu khách hàng cần gì bây giờ và tương lai họ sẽ cần gì. Lựa chọn phát triển cái gì luôn khó hơn là phát triển như thế nào.

Nhìn về bản chất, doanh nghiệp có thể khác nhau nhưng nhiều bài toán về vận hành giống hệt nhau. Chìa khóa là xác định rõ và chia nhỏ các bài toán đó một cách khoa học để tìm ra những lời giải chung. Doanh nghiệp khác nhau ở điểm họ sẽ quyết định kết nối các lời giải đó lại riêng theo những cách khác nhau.

Thực tế, tất cả các sản phẩm Base đã và đang thành công đều được dùng tốt nhất ngay trong chính Base. Khi phát triển sản phẩm, hiểu rõ về thứ mình làm là điều kiện cần. Điều kiện đủ là phải cảm nhận được nỗi đau của khách hàng, lúc đó mình mới có thể tạo ra được sản phẩm đủ tốt.

CEO Base Phạm Kim Hùng: Làm startup công nghệ muốn thành công thì cần nhất là chăm chỉ, làm việc từ 12 đến 16 tiếng/ngày trong nhiều năm - Ảnh 5.

Trong giai đoạn đầu, Hùng đã làm thế nào để thuyết phục được những doanh nghiệp đầu tiên sử dụng sản phẩm của mình khi đó là những giải pháp chưa được kiểm chứng lại theo một triết lý rất khác – một sản phẩm cho tất cả các doanh nghiệp?

Khi mới bắt đầu, Base lựa chọn là giới thiệu và triển khai sản phẩm đầu tiên cho những doanh nghiệp dẫn đầu trên thị trường. Họ là những người hiểu rất rõ bài toán của mình và biết rõ nhất cần phải nâng cấp cái gì.

Hùng và team dựa vào điều gì mà tin rằng có thể thuyết phục các doanh nghiệp lớn trên thị trường mua giải pháp của một startup như Base?

Bản thân startup phải hiểu rất rõ cả điểm mạnh và điểm yếu của mình. Khi Base gặp các công ty lớn, họ đã đầu tư hàng triệu đô la cho hệ thống công nghệ và phải khẳng định họ là những người rất có kinh nghiệm. Tuy nhiên, trong một hệ thống quá lớn và cồng kềnh, sẽ luôn có những phần có thể cải thiện đáng kể.

Khi bạn nói rằng bạn có sản phẩm tốt hơn, sự tốt hơn ấy phải đủ rõ ràng và phải được nhìn thấy khi áp dụng. Điều may mắn là các doanh nghiệp luôn biết cách đưa ra quyết định này dựa trên lý trí. Sản phẩm thực sự tốt là điều kiện cần bắt buộc. Khó nhất lúc đầu là thuyết phục họ thử.

CEO Base Phạm Kim Hùng: Làm startup công nghệ muốn thành công thì cần nhất là chăm chỉ, làm việc từ 12 đến 16 tiếng/ngày trong nhiều năm - Ảnh 6.

Vậy anh làm như thế nào để thuyết phục các khách hàng như ACB, VIB, Sacombank… chấp nhận thử?

Tại thời điểm đó mình không chắc lý do. Có thể bọn mình đã may mắn. Về sau được nghe lại là họ cảm nhận được niềm đam mê rất lớn và mạnh của cả team khi nói về sản phẩm của mình.

Với một startup mới bắt đầu, mọi thứ rất khó khăn vì chưa có những ví dụ thành công cụ thể. Có lẽ vì vậy nên niềm tin phải đủ mạnh và hãy thể hiện niềm đam mê một cách tự nhiên và chân thành nhất.

Có doanh nhân nổi tiếng từng khuyên: Làm startup phải có những kiểu người khác nhau, người làm kỹ thuật, người lo bán hàng, người lo tài chính… nhưng Base lại khởi nghiệp với nhiều các kỹ sư. Hùng và team đã làm thế nào để vượt qua giai đoạn "phải sống sót"?

Nhiều người thường nghĩ công ty nào cũng cần một bộ máy vận hành hoàn chỉnh, và sáng lập viên có nhiều kinh nghiệm khác nhau. Tuy nhiên theo mình, điều này chỉ cần sau một thời gian nhất định. Lúc đầu, sự gắn kết và niềm tin tuyệt đối trong tổ chức mới là điều cần nhất. Những thứ khác đều có thể học được hoặc tuyển người về được.

CEO Base Phạm Kim Hùng: Làm startup công nghệ muốn thành công thì cần nhất là chăm chỉ, làm việc từ 12 đến 16 tiếng/ngày trong nhiều năm - Ảnh 7.
CEO Base Phạm Kim Hùng: Làm startup công nghệ muốn thành công thì cần nhất là chăm chỉ, làm việc từ 12 đến 16 tiếng/ngày trong nhiều năm - Ảnh 8.

Năm 2019, kết quả kinh doanh của Base ra sao?

Trong năm 2019, Base tăng trưởng doanh thu gấp 8 lần, nhân sự tăng gấp 3 lần và hiện có khoảng 240 người. Với số lượng 3.000 doanh nghiệp đang sử dụng dịch vụ theo mô hình SaaS (đăng ký theo kiểu thuê bao điện thoại -PV), ngay cả khi không làm gì thêm mà chỉ tập trung vào khách hàng hiện có, Base vẫn có một nguồn doanh thu ổn định.

Mình không phải người ưu thích mạo hiểm và mô hình của Base hướng đến sự tăng trưởng bền vững. Đó cũng là lý do tại sao khi các nhà đầu tư luôn nói nói rằng mô hình SAAS của Base rất đẹp.

CEO Base Phạm Kim Hùng: Làm startup công nghệ muốn thành công thì cần nhất là chăm chỉ, làm việc từ 12 đến 16 tiếng/ngày trong nhiều năm - Ảnh 9.

Vậy khi tiếp tục với vòng gọi vốn tiếp theo, mục tiêu của Base là gì?

Vấn đề của Base hiện nay không phải là câu chuyện sống còn nữa, mà là sẽ cố đi được đến đâu, phục vụ được bao nhiêu doanh nghiệp, và có giữ được khát vọng như khi còn nhỏ hay không.

Với một công ty 10-20 người, rất dễ để mọi người có chung tầm nhìn. Tuy nhiên với công ty 200-300 người trở lên, làm sao để mọi người cùng chia sẻ được tầm nhìn và khát vọng chung ấy lại là một bài toán rất thách thức. Công ty đi được đến đâu phục thuộc vào điều này.

Ngoài ra, làm sao để tăng doanh thu mà không tăng tuyến tính quy mô công ty là bài toán rất khó. Đó là thứ mà Base đang phải đối mặt hiện nay. Mục tiêu trong vòng 2 năm nữa, khi công ty tròn 5 tuổi, mình hy vọng Base sẽ phục vụ được 20.000 - 30.000 doanh nghiệp ở Việt Nam.

Sau vài lần khởi nghiệp, Base có thể coi là trạm dừng chân ổn định của Hùng chưa?

Khi một founder tự đặt câu hỏi đó cho bản thân có nghĩa là điều gì đó đang sai. Khi làm một thứ không phải là sứ mệnh cuộc đời mình, chúng ta sẽ luôn tìm kiếm và tự hỏi về một cơ hội nào đó thuận lợi hơn. Chính bản thân mình từng trải qua chuyện đấy rồi nên rất hiểu.

Với Base thì chắc chắn là sự lựa chọn cuối cùng của mình.

CEO Base Phạm Kim Hùng: Làm startup công nghệ muốn thành công thì cần nhất là chăm chỉ, làm việc từ 12 đến 16 tiếng/ngày trong nhiều năm - Ảnh 10.

Trong số các startup công nghệ, Hùng thích ai nhất?

Có 2 nhân vật mình rất thần tượng. Một là Peter Thiel. Ông ấy có quan điểm về startup rất hay: "Startup phải làm một thứ mà tất cả người khác đều nghĩ là sai". Những thứ phổ biến, mọi người đều nhìn ra thì có lời giải rồi hoặc thành công sẽ dành cho những người đã có sẵn những lợi thế cạnh tranh đặc biệt. Khi đó, cơ hội đã mất rồi. Cơ hội chỉ dành lại cho người sẵn sàng làm những thứ khó mà ai cũng nghĩ là không nên làm.

Cách đây 3 năm, câu chuyện của Base là như thế. Không ai tin vào thứ bọn mình làm, nhưng mình cũng không bận tâm.

CEO Base Phạm Kim Hùng: Làm startup công nghệ muốn thành công thì cần nhất là chăm chỉ, làm việc từ 12 đến 16 tiếng/ngày trong nhiều năm - Ảnh 11.

Người thứ 2 mình thần tượng là Elon Musk. Anh ấy là người làm việc nhiều kinh khủng và giữ được đam mê trong thời gian rất dài. Anh ấy thực sự giống với Iron Man trong đời thực.

Mình tin rằng, để thành công, dù nhiều hay ít, thì sự may mắn, cơ hội và phù hợp về con người là rất cần nhưng cần nhất vẫn là sự chăm chỉ và kiên trì. Nếu không chăm chỉ sẽ chẳng làm được gì cả. Chăm chỉ còn hơn là một đức tính, nó là chiến lược quan trọng nhất của thành công. Elon Musk là một điển hình của sự chăm chỉ.

Có nhiều thứ nếu không dồn hết tâm huyết để làm tới thì sẽ luôn thấy mình làm sai. Có nhiều thứ khác cần thời gian để học, để hiểu. Dành thời gian 12-16 tiếng mỗi ngày như Elon Musk để làm thứ gì đó liên tục trong khoảng 5-10 năm thực sự ngoài sức tưởng tượng. Muốn chăm được như thế phải có niềm tin vô cùng mãnh liệt vào cái mình làm.

Với Base, các bạn trong founding team làm việc cực kỳ nhiều, xác định làm 12 tiếng/ngày từ khi thành lập và chưa biết khi nào sẽ dừng. Ngoài đam mê và niềm tin của mình vào sản phẩm, bọn mình tự nhận thấy không có gì đặc biệt hơn các công ty khác cả. Để tạo cho mình cơ hội thì chỉ có cách dành nhiều thời gian hơn những người khác mà thôi.

CEO Base Phạm Kim Hùng: Làm startup công nghệ muốn thành công thì cần nhất là chăm chỉ, làm việc từ 12 đến 16 tiếng/ngày trong nhiều năm - Ảnh 12.

Nhiều người vẫn nói là các startup nên "bắt trend" sẽ dễ thành công hơn, chứ không phải đi ngược dòng như kiểu của Base. Hùng nghĩ gì về điều đó?

Góc nhìn của mình là những thứ hot theo trào lưu của thế giới rất khó để làm cho các startup thông thường. Muốn làm những điều như vậy thì startup cần có những lợi thế rất đặc biệt và thực sự không dành cho các startup chỉ bắt đầu bằng con số 0.

Mặc dù vậy, điều này đúng với các quỹ đầu tư. Họ kỳ vọng một mô hình thành công ở nước ngoài sẽ thành công ở Việt Nam, và sẽ tìm đội ngũ tốt nhất để hiện thực hóa mong muốn đó. Tuy nhiên, đó là cách nhìn từ nhà đầu tư. Còn với các nhà sáng lập, tốt nhất chỉ nên để ý đến sản phẩm và khách hàng của mình, chứ không phải là mong muốn về các trào lưu thịnh hành của nhà đầu tư!

Một ngày bình thường của Hùng diễn ra như thế nào?

(Cười) Mình chỉ đến văn phòng làm việc và ở đó đến tối. Xây dựng các sản phẩm trên Base là niềm vui lớn nhất của mình. Mình nghĩ rằng startup cần tập trung vào công việc và không gì khác. Cố gắng mỗi ngày làm việc đủ 12 tiếng, trong nhiều năm nữa.

Linh Anh - Hoàng Ly
Tuấn Mark
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ
CEO Base Phạm Kim Hùng: Làm startup công nghệ muốn thành công thì cần nhất là chăm chỉ, làm việc từ 12 đến 16 tiếng/ngày trong nhiều năm - Ảnh 15.

Linh Anh - Hoàng Ly

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên