MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO Địa ốc Hòa Bình: Nếm đủ đắng cay mới biết quý ngọt bùi

13-09-2016 - 14:07 PM | Doanh nghiệp

Kiến trúc sư Lê Viết Hải, người đàn ông gốc Huế với sự điềm tĩnh, kiên nhẫn và khiêm nhường hiếm thấy đã lèo lái con thuyền Địa ốc Hòa Bình vượt qua bao sóng dữ bằng một triết lý kinh doanh vì người và một tinh thần thép ẩn sâu trong vẻ ngoài mềm mỏng, nhỏ nhẹ.

Nằm trong top 5 nhà thầu tổng hợp lớn nhất Việt Nam, thương hiệu Hòa Bình được biết tới như một nỗ lực của ngành xây dựng. Vượt qua 5 năm khủng hoảng kinh tế và địa ốc, Hòa Bình đã phải trả giá không nhỏ, nhưng vẫn trụ vững và ghi dấu bằng những công trình 5 sao để đời như khách sạn Riverside, International, Saigon Center, Diamond plaza, Melia Hà Nội, Legend Sài Gòn… Hiện những chủ đầu tư bất động sản lớn như Vingroup, Novaland, Sunrise city, Kinh Đô… đều là khách hàng của Hòa Bình.

Kiến trúc sư Lê Viết Hải, người đàn ông gốc Huế với sự điềm tĩnh, kiên nhẫn và khiêm nhường hiếm thấy đã lèo lái con thuyền Địa ốc Hòa Bình vượt qua bao sóng dữ bằng một triết lý kinh doanh vì người và một tinh thần thép ẩn sâu trong vẻ ngoài mềm mỏng, nhỏ nhẹ.

Thời điểm thị trường bất động sản đóng băng, hầu hết các nhà thầu lớn đều ngưng trệ, một số thương hiệu lớn một thời lừng lẫy rơi rụng dần… Vì sao Hòa Bình có thể trụ lại được?

Sự trưởng thành của doanh nghiệp cũng giống như đời người, có những nốt thăng, nốt trầm. Nếu mọi thứ đều suôn sẻ thì bản nhạc sẽ rất buồn tẻ. Tuy nhiên thăng trầm thế nào vẫn phải tuân theo quy luật nhất quán nào đó trong hòa âm phối khí, mới tạo nên những giai điệu đẹp.

Trước tiên, phải xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Hòa Bình, thì dù có khó khăn thử thách nào cũng vượt qua, tồn tại, phát triển vững bền. Đó là hoài bão cống hiến cho cộng đồng xã hội, kinh doanh dựa trên sự tôn trọng đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, làm bằng tất cả niềm đam mê, yêu nghề, năng lực sáng tạo của mình, hướng tới lợi ích của cộng đồng, của xã hội. Đương nhiên cái gốc vẫn là nỗ lực của người lãnh đạo và cả tập thể, điều kiện thuận lợi khách quan chứ mình không làm chủ hết được. Hòa Bình từng trải qua nhiều rủi ro, thất bại, nhưng tôi vẫn tin khi mình xây dựng giá trị bền vững đó, công ty rất khó sụp đổ.

Khởi nghiệp năm 1987 với 5 kỹ sư và 20 người thợ, để có được Hòa Bình hôm nay, từng thời kỳ anh xây dựng cho mình hoài bão như thế nào?

Dĩ nhiên từng thời kỳ hoài bão cũng khác nhau, nhưng mình làm nghề xây dựng, phải đóng góp gì đó cho ngành xây dựng để làm nên những công trình có thể trở thành niềm tự hào quốc gia, đó là điều tôi theo đuổi. Bắt đầu từ một doanh nghiệp lạc hậu, quản lý công trình kém, để trở thành công ty xây dựng chất lượng quốc tế, bảo đảm vệ sinh môi trường là cả một chặng đường gian nan gần 30 năm… 10 năm đầu tiên chỉ là học hỏi không ngừng những kỹ thuật thi công phức tạp, 10 năm sau là nâng chất lượng đạt chuẩn mực quốc tế, dần thay thế các nhà thầu nước ngoài ở quy mô vừa, không quá phức tạp, và bây giờ là chủ thầu những công trình quy mô lớn, thay thế các nhà thầu nước ngoài. Bước sắp tới của Hòa Bình là trở thành nhà thầu có thể cạnh tranh được ở thị trường quốc tế.

Hai giai đoạn quan trọng thực sự đem đến lợi ích kinh tế cao cho đất nước là thay thế nhà thầu nước ngoài, giảm từ vài chục đến hàng trăm triệu USD cho một công trình. Ví dụ như công trình Saigon Center, lúc đầu họ chọn nhà thầu nước ngoài, nhưng do một số khuất tất không minh bạch trong chọn thầu, họ hủy thầu, mở rộng cho nhiều nhà thầu trong nước tham gia. Quyết định này đã giảm một khoản đáng kể về giá trị gói thầu, chỉ tính gói thầu tầng hầm do Hòa Bình đảm nhận đã giảm 300 tỷ đồng.

Nói đến Hòa Bình là nói đến kỹ thuật xây dựng nhà cao tầng và phần tầng hầm, phần móng?

Đó là nhờ cả một quá trình hợp tác với nhiều nhà thầu nước ngoài đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Đức… Nhiều dự án mình làm thầu phụ, nhiều dự án liên doanh với họ, do đó vừa học được kỹ thuật công nghệ, tích hợp các bài học về quản lý kỹ thuật trở thành vốn quý của mình. Bao giờ Hòa Bình cũng có những điều chỉnh, thay đổi phù hợp với môi trường rất riêng của Việt Nam trong hợp tác quốc tế đó.

Từ 1997-2000, Hòa Bình làm nhà thầu phụ cho nhiều dự án ở Phú Mỹ Hưng về nhà cao tầng. Từ 2004 chuyển sang làm dự án quy mô nhỏ cho nhà cao tầng, vừa xây dựng dưới hầm, vừa kết cấu phần thân. Xây dựng lấy kết cấu để chống đỡ cho thi công hầm là một công nghệ hoàn toàn còn xa lạ với Việt Nam lúc đó. Thay vì đào xuống 5 - 6 tầng hầm phải làm chống đỡ rất tốn kém, chúng tôi thi công song song vừa phần hầm vừa phần thân bên trên.

Bên cạnh đó còn nhiều kỹ thuật xây dựng khác như hệ khung nhà, hệ thống ván khuôn. Hồi xưa toàn làm gỗ cừ tràm, ván, sau này mới dùng hệ thống ván nhôm, khuôn thép, kích thủy lực để làm hệ thống trượt trên lõi bê tông… Rất nhiều kỹ thuật đã giúp mình từ nhà thầu phụ chuẩn sang nhà thầu chính, rút ngắn thời gian thi công rất nhiều như tòa nhà Time Square chỉ 3 ngày xong một tấm sàn. Nhưng làm như thế chưa phải kinh tế, vì huy động nguồn lực lớn, phải làm ngày làm đêm. Bình quân hiện nay tốc độ tương đối kinh tế là 5 ngày/tấm sàn đối với những tấm sàn lặp đi lặp lại, còn những tấm sản thiết kế đơn chiếc thời gian thi công có thể lâu hơn. Hiện những chủ đầu tư bất động sản lớn nhất đều là khách hàng của Hòa Bình như Vingroup, Novaland, Kinh Đô, Phú Mỹ Hưng…

Hầu hết Hòa Bình đều được giao việc theo chỉ định thầu bằng giá thương lượng, cũng có trường hợp phải đấu thầu, nhưng giá chỉ định thầu nhiều hơn, cả chỉ định thầu thiết kế luôn. Hòa Bình đã đưa ra nhiều phương án thiết kế hữu hiệu cho chủ đầu tư, trong đó có phương án lắp tường bằng bê tông chứ không xây. Kỹ thuật này Hòa Bình đã học được từ thị trường Malaysia.

Anh có vẻ cổ xúy cho việc nhà thầu Việt Nam mở rộng ra thị trường khu vực?

900 triệu dân của thị trường ASEAN là hướng mở cho các nhà thầu Việt Nam, để học hỏi và làm mới mình mỗi ngày. Hiện Hòa Bình có hai dự án lớn ở Malaysia, một dự án 2.000 căn hộ và dự án 1400 căn hộ. Dù hiệu quả kinh tế chưa cao, nhưng phải bước ra ngoài mới học hỏi, theo kịp được tiến bộ của thế giới. Tôi đang nhắm đến thị trường Trung Đông, Lào.

Trong cuộc đời kinh doanh của anh, nhà thầu nào gây ấn tượng mạnh nhất?

Đó là năm 1995, khi tôi làm Legend Hotel, nhà thầu Nhật đã đặt ra yêu cầu rất khắt khe. Họ nghiệm thu tường chỉ cho tô trát hồ 0,5 ly, rồi độ nghiêng, độ thẳng, độ che đều quy định rất khó… nhiều nhà thầu phụ phải bỏ đi vì không đáp ứng được, tôi quyết định vẫn làm, có khó mình mới tiến bộ được. Nhiều kỹ thuật bây giờ thấy bình thường, nhưng thời điểm đó, công nhân mình chưa quen, kinh nghiệm cũng như tay nghề, công cụ chưa hoàn thiện... Nhưng bao giờ cũng có giải pháp cho những vấn đề như thế, đòi hỏi mình phải động não nhiều hơn.

Ngay cả việc đội mũ bảo hiểm, đeo dây bảo hiểm, đi giầy…bây giờ thấy rất bình thường, nhưng ban đầu bắt người thợ thay đổi không đơn giản. Đòi hỏi phải rất kiên trì nhắc nhở, vì họ đi chân đất quen rồi. Có người bỏ việc luôn vì nhất quyết không chịu đội mũ bảo hiểm, phải có biện pháp khích lệ, động viên. Tư duy quản lý lãnh đạo phải sẵn sàng cho sự thay đổi, cải tiến, phải hành động cho sự thay đổi đó một cách mạnh mẽ, quyết liệt. Có như vậy mới vượt lên chính mình, mới trở thành một doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực của mình.

Hòa Bình cũng là công ty xây dựng đầu tiên trong nước áp dụng phần mềm BIM, công cụ tích hợp thông tin dự án một cách toàn diện để quản lý dự án một cách hiệu quả nhất. Công cụ mà thế giới mới áp dụng gần đây thôi, mình phải đi theo, không thể chậm chân được. Mới đây các doanh nghiệp khác đã làm theo, nhưng rất mất thời gian, vì áp dụng BIM có nhiều mức khác nhau, phải nâng cấp lên tục.

Thử thách nào lớn nhất với anh trong con đường kinh doanh?

Có những lúc tôi đã phải bán cả tài sản của gia đình để lấy tài chính cho công ty. Năm 1999 văn phòng công ty đang thuê bị lấy lại, không xoay được vốn, tôi phải bán nhà của cha mẹ để mua tòa nhà làm văn phòng mới ở Võ Thị Sáu, tất cả gia đình đều ở trên tầng áp mái. Ông bà già hơn 60 tuổi cũng phải leo lầu. Rồi đến năm 2008, dự án mình ấp ủ đầu tư 12,8 triệu USD mua đất, cộng thêm tiền giải tỏa, tiền sử dụng đất, nhưng khủng hoảng kinh tế ập đến, có lúc phải trả lãi suất xấp xỉ 20% cho những khoản vay… buộc tôi phải bán đi, lỗ gần một nửa, một khoản tiền rất lớn.

Là nhà thầu tổng hợp đầu tiên lên sàn chứng khoán, HBC đứng giá 31.000-32.000 đồng một cổ phiếu trong thời gian đầu, năm 2011 giảm xuống mức 18.7000 đồng, rồi những dự án đầu tư bất động sản mình phải thoái vốn… Tâm trạng lúc đó cũng rất lo, nhưng vẫn phải rất bình tĩnh, xử lý từng bước đi cho hợp lý, có khi đau đớn, hy sinh, nhưng chấp nhận, để bảo đảm cho tồn tại của công ty. Công ty có 2.400 nhân viên trực tiếp, 1.200 nhân viên gián tiếp, 4.000 lao động thời vụ, trong đó 1.000 công nhân viên có cổ phiếu Hòa Bình. Với số cổ đông nhiều như thế, tổ chức họp khẩn không hiệu quả, hiểu rõ giá trị công ty, tôi đã viết bức tâm thư đến cổ đông khuyên họ đừng bán cổ phiếu Hòa Bình, dùng tiền nhàn rỗi mua cổ phiếu công ty để hạn chế đà giảm giá đồng thời hạn chế việc thâu tóm cổ phiếu HBC từ bên ngoài…

Kinh doanh trên thị trường chứng khoán cũng có mặt tích cực, cũng có hạn chế. Niêm yết là bước đi phù hợp cho sự tăng trưởng của công ty, nếu không việc nâng nguồn tài chính để phát triển bị hạn chế. Còn đối tác chiến lược quả thật chưa có đối tác thật sự tham gia cổ phần. Hiện cá nhân tôi chỉ có 17,8%, mỗi đợt phát hành cổ phiếu thì loãng một chút, một số anh em và nội bộ gia đình cộng lại trên 30%, còn lại đối tác chiến lược là cổ đông bên ngoài.


Âm nhạc mang lại cho tôi sự thăng hoa, CEO Lê Viết Hải chia sẻ. Ảnh: Báo Đầu tư.

"Âm nhạc mang lại cho tôi sự thăng hoa", CEO Lê Viết Hải chia sẻ. Ảnh: Báo Đầu tư.

Sau mỗi cơn thăng trầm như thế, anh tự nạp lại năng lượng bằng cách nào?

Cũng như mọi người khác thôi, đi du lịch, chia sẻ những ngày nghỉ với gia đình, bạn bè, đọc sách, xem phim. Ngoài ra tôi có thú sáng tác ca khúc. Thỉnh thoảng có cảm hứng muốn viết một vài ca khúc để chia sẻ cảm xúc của mình khi có sự kiện làm mình thật sự xúc động. Âm nhạc mang lại cho tôi sự thăng hoa. Mỗi khi tìm ra giai điệu hài hòa với ca từ, ý và nhạc cùng cất cánh, thấy “ đã” lắm. Mình không phải là nhạc sĩ chuyên nghiệp nên mỗi lần viết ca khúc cũng ngẫm ngợi nhiều lắm…

Một kiến trúc sư đi làm kinh doanh có dần bị mất đi sự lãng mạn?

Trong kinh doanh, tôi cần sự lãng mạn để có cảm hứng trong đầu tư nguồn lực, công sức cho mơ ước, hoài bão. Nếu không lãng mạn, không thể nghĩ mình có thể làm được những công trình 50-70 tầng, đòi hỏi kỹ thuật cao. Nếu không lãng mạn không thể nghĩ mình có thể trở thành nhà thầu quốc tế có thể cạnh tranh ngang ngửa với những nhà thầu hàng đầu thế giới. Không lãng mạn mình cũng không hình thành được những ý tưởng về mô hình lý tưởng cho một công ty xây dựng quốc tế. Phải bay bổng để có nhiều sáng tạo, tìm được nhiều cái riêng, cái mới.

Để tạo nên một công ty sáng tạo, Hòa Bình có nhiều chương trình đào tạo để giải phóng được năng lực sáng tạo, suy nghĩ ngoài thành kiến, nhưng phải biết kế thừa những thành tựu, sáng tạo đó phải có gì mới và tốt đẹp hơn. Quên đi cái cũ nhưng lại thấm nó ở trong tâm, để nghĩ ra cái mới thoát khỏi giới hạn. Biết mà không biết mới làm ra cái mới được.


CEO Lê Viết Hải và mẹ. Ảnh: NVCC.

CEO Lê Viết Hải và mẹ. Ảnh: NVCC.

Con đường khởi nghiệp của anh ảnh hưởng điều gì từ cha mẹ?

Tôi chọn nghiệp kinh doanh cũng xuất phát từ gia đình. Cha mẹ tôi luôn dạy con có chí làm quan, có gan làm giàu. Thực sự kinh doanh phải có suy nghĩ táo bạo, dám nghĩ dám làm, biết kiểm soát rủi ro chứ không thể làm liều được, vì trách nhiệm của mình với hàng ngàn nhân viên.

Tôi học được từ cha mẹ sự dũng cảm trong kinh doanh. Sau giải phóng, quyết định quan trọng của cha mẹ là mang 11 anh chị em tôi từ Huế vào Sài Gòn. Không có nhà cửa, phải nhờ một chái nhỏ của người bà con, cha mẹ đã hợp tác cùng người bà con đó mở một nhà thuốc, rồi làm thêm bánh mứt bỏ mối các chợ. Có năm 25-26 tết rồi mà trong nhà vẫn đầy hộp mứt, anh em tôi lo lắm, nếu không bán được mang cả cục nợ, vì phải đi vay chứ đâu có tiền. Nhưng cha mẹ vẫn nói làm tiếp, quả nhiên 30 Tết bán sạch trơn.

Cha tôi có nhiều sáng kiến lắm, hồi đó một khuôn bánh in mỗi lần đúc được 1 cái thôi, ông đã vào xưởng nhôm đặt người ta làm ra cái khuôn mỗi lần đúc 9 cái, công nghiệp hóa của cha tôi chỉ tới đó thôi. Căn nhà của gia đình cũng tự tay cha thiết kế, mua gỗ làm sàn, xây gạch, lắp đặt tủ kệ trong nhà. Nhờ cơ cực như thế tôi thấu hiểu rằng người ta có thể bằng khả năng sáng tạo có được chỗ ở dù chật chội nhưng tươm tất, qua đó thấy giá trị lao động, có khả năng quen với khó khăn, biết tìm ra giải pháp, để có niềm tin.

Giá trị sống nào quý nhất cha mẹ đã trao truyền cho anh?

Nhân cách, trọng nghĩa tình, lòng vị tha, thương người, sẵn sàng chia sẻ, cho đi rất dễ dàng. Cha mẹ tôi không đắn đo gì khi giúp ai đó nếu có điều kiện, nhiều khi rất khó khăn mà bà con bạn bè cần giúp cũng sẵn sàng. Tôi nhớ mãi ông chú bị khoản nợ do làm ăn thua lỗ nặng, trong nhà không còn tiền nhưng mẹ tôi cũng phải xoay xở đủ đường để giúp ông. Mồ mả ông bà ở Huế cha mẹ tôi một tay lo hết, trong khi cha tôi một cái quần xả lỏn cũ giặt bao nhiêu lần mỏng tanh vẫn mặc, một bộ pizama sờn hết vẫn không thay, không tiêu xài gì cho mình hết…

Anh đã dạy con mình như thế nào, để các cháu có thể tiếp nối nhân cách của ông bà, cha mẹ?

Mình vẫn hay dạy con người ta ăn thì còn, mình ăn thì hết, có đức mặc sức mà ăn. Mình cứ cho đi, lấy luật nhân quả nhà Phật mà sống, mình gặp người khó giúp được thì sẵn sàng giúp. Sống có trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng trên tinh thần cống hiến. Cho thì không cần nhớ, nhận phải nhớ ơn, đó là cái nghĩa, là cách sống của ông bà…

Anh có nghĩ gì về tình trạng xã hội vẫn còn quá nhiều những doanh nhân làm ăn gian dối, kiếm tiền bằng mọi giá, làm hại môi trường, tổn thương xã hội?

Tôi không dám khuyên người khác, chỉ nghĩ phải làm tốt văn hóa trong doanh nghiệp, hy vọng văn hóa tốt ấy lan tỏa ra bên ngoài, và mong môi trường bên ngoài không làm ô nhiễm môi trường bên trong, tuy nhiên bảo vệ cách nào cũng hít phải bụi thôi.

Tôi nghĩ văn hóa doanh nghiệp phải biết kế thừa những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, con người Việt Nam, học hỏi những tinh hoa thế giới. Phải chỉ ra được nó là cái gì, biết cách để thâm nhập vào đời sống doanh nghiệp. Biết nó tốt nhưng không biết phổ biến để nó đi sâu vào các hoạt động doanh nghiệp thì cũng vô ích. Nói về ứng xử văn minh, cấp trên phải gương mẫu, thấu hiểu cấp dưới thì những giá trị ấy mới có thể đi vào mọi người được. Đó cũng là thử thách với lãnh đạo, vì mình cũng là con người, cũng có hỷ nộ ái ố, làm gương chính là thử thách lớn nhất

Trong cuộc sống, anh coi trọng phẩm chất nào nhất?

Tôi ghét sự ích kỷ, coi trọng lòng vị tha. Nếu đặt lợi ích cá nhân lên trên sẽ rất ích kỷ, khó mà thực hiện được sứ mệnh của đời mình.

Sống giàu theo anh là thế nào?

Giá trị phi vật chất quan trọng hơn giàu có về vật chất, nhưng phải công nhận vật chất là phương tiện để có thể thực hiện được những giá trị phi vật chất đó, nhưng chỉ là một phần rất nhỏ. Tôi nghĩ mình giàu có nhất là niềm vui, niềm tự hào về gia đình, về công ty, về sự nghiệp của cá nhân, những đóng góp cho xã hội, những mối quan hệ với bạn bè, bà con, anh em, giàu tình cảm. Những khả năng cảm thụ về vẻ đẹp của thiên nhiên, nghệ thuật, của những gương tốt trong xã hội. Cảm xúc về điều hay, cảm nhận giá trị văn hóa, văn minh nhân loại, đó là những gì làm giàu cho tâm hồn mình…

Điều hạnh phúc nhất đối với anh là gì?

Thực hiện được hoài bão của mình, sống cuộc đời có ý nghĩa, làm được những điều tốt cho cộng đồng, cho xã hội, cho gia đình, cho những người mà mình mang ơn… Như thế thì lúc nào cũng cảm thấy thư thái trong tinh thần. Tuy nhiên, phải nếm đủ đắng cay mới biết quý ngọt bùi.

Cảm ơn anh và chúc anh luôn thành công!

Theo Kim Yến

BizLIVE

Trở lên trên