img
CEO Đinh Quang Huy- SHB Finance: Miếng bánh thuộc về ai biết cách chơi. - Ảnh 1.

Trên thị trường hiện có hơn chục công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng song thị phần lại bị 3 "ông lớn" bao gồm Fe Credit, Home Credit, HD Saison nắm giữ tới quá nửa, khiến cho các công ty sinh sau đẻ muộn khá khó khăn trong cạnh tranh. Tuy nhiên đó chỉ là cái nhìn của người ngoài cuộc. Người trong cuộc vẫn tin tưởng rằng với cách làm khác nhau, với mục tiêu theo đuổi khác nhau thì thị trường sẽ sớm chứng kiến những sự đổi thay rõ rệt. Miếng bánh thị trường sẽ lớn hơn như là sự tất yếu của một nền dân số trẻ với nhu cầu tiêu dùng tăng, đồng thời cơ hội dẫn dắt sẽ thuộc về những ai "biết cách chơi". Và "tân binh" SHB Finance – công ty tài chính trực thuộc ngân hàng SHB – dường như đang muốn minh chứng đó chính là quy luật của thị trường đầy cạnh tranh khốc liệt này. 

Trong dịp trao đổi với chúng tôi mới đây nhân tròn 1 năm SHB Finance chính thức triển khai bán hàng toàn diện, ông Đinh Quang Huy - Tổng giám đốc của SHB Finance cho biết, dù mới đi vào hoạt động chính thức được 1 năm, song công ty đã có những kết quả đáng tự hào so với các công ty cùng "tuổi đời" trong ngành. Công ty đặt mục tiêu chiến lược 5 năm là lọt vào top đầu công ty hoạt động hiệu quả và an toàn trên thị trường.

CEO Đinh Quang Huy- SHB Finance: Miếng bánh thuộc về ai biết cách chơi. - Ảnh 2.
CEO Đinh Quang Huy- SHB Finance: Miếng bánh thuộc về ai biết cách chơi. - Ảnh 3.

PV: Được biết SHB Finance mới đi vào hoạt động được 1 năm, ông có thể chia sẻ những kết quả mà công ty đã đạt được?  

Ông Đinh Quang Huy: Hơn 30 nhân sự và 4 tháng để chính thức ra mắt công ty tài chính có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng – những con số này có thể đủ nói lên ý nghĩa của thành quả đầu tiên. Chúng tôi tâm niệm, đã vào cuộc thì "chơi" cho hết mình nhất là khi hầu hết các anh em quản lý chủ chốt là "những gương mặt thân quen" trong ngành này. Một kết quả đáng kể thứ 2 đó là tốc độ đáp ứng nhu cầu của khách hàng với sản phẩm chủ đạo là cho vay tiền mặt tín chấp. Trong 1 ngành kinh doanh rủi ro thì sự tự tin về "tốc độ" chỉ có được khi có một hệ thống quản trị rủi ro tiên tiến với nhiều bước tự động hóa. Kết quả thứ 3 là chúng tôi đã xây dựng được quy trình "end-to-end" và kiến trúc hóa trên nền tảng công nghệ thông minh do chúng tôi làm chủ hoàn toàn. Tôi nhấn mạnh chữ "thông minh" bởi giai đoạn đầu hoạt động không cho phép sự đầu tư quá lớn về công nghệ mà là cách làm chọn lọc và cân nhắc sự phù hợp, đòi hỏi óc sáng tạo và linh hoạt của những người kiến tạo hệ thống.

Thứ 4 là kết quả kinh doanh. 6 tháng đầu năm 2019 cũng là một dấu ấn của chúng tôi trên thị trường khi đã có lãi 101 tỷ đồng LNTT đã được kiểm toán bởi KPMG, đã tiếp cận và cung cấp dịch vụ tới trên 156.000 khách hàng, dư nợ cho vay xấp xỉ 2.000 tỷ đồng. "Figures talk" – có nói gì thì vẫn phải nhìn vào những con số để biết mình đã làm được gì và phải nỗ lực ở điểm gì.

Là một "tân binh" bên cạnh các đối thủ cạnh tranh "có số má" như Fe Credit, Home credit…thì đâu là khó khăn, áp lực của SHB Finance?

Thị trường tài chính tiêu dùng đã chạy được khoảng 10 năm, riêng 2 công ty top đầu đã chiếm hơn 60% thị phần, nên có thể là một áp lực cho bất cứ tổ chức kinh tế nào đầu tư vào tài chính tiêu dùng cũng như bất cứ ai bắt tay vào xây dựng công ty tài chính tiêu dùng. 

Tuy nhiên, chúng ta nên nhìn nhận theo 1 cách khác. Thứ nhất như tôi nói ở trên, các công ty tài chính có thể cùng nhau mở rộng miếng bánh thị phần vì tiềm năng còn rất lớn. Thứ hai, với sự phát triển của ứng dụng công nghệ cùng với tư duy cởi mở của các khách hàng trẻ hiện nay thì khoảng cách giữa "người cũ" và "người mới" không bị phụ thuộc quá nhiều vào bề dày thời gian mà vào sự sáng tạo đột phá để tăng tốc. Điều này xảy ra ở mọi lĩnh vực, chứ không chỉ ở ngành tài chính tiêu dùng này. 

Do đó, nếu tư duy rộng hơn thì áp lực không giành cho riêng ai!

CEO Đinh Quang Huy- SHB Finance: Miếng bánh thuộc về ai biết cách chơi. - Ảnh 4.

Vậy SHB Finance có lợi thế là gì thưa ông? 

Chúng tôi sử dụng triệt để các lợi thế để nhanh chóng đưa dịch vụ SHB Finance đến đông đảo người dân. Trong bối cảnh ra đời của SHB Finance, chúng tôi nhìn nhận có 3 thuận lợi lớn. 

Đầu tiên là sự ủng hộ tuyệt đối của ngân hàng SHB sau 25 năm xây dựng và phát triển đã có tên tuổi vững chắc trên thị trường, ông Đỗ Quang Hiển là Chủ tịch HĐQT ngân hàng SHB cũng là doanh nhân lớn ở nhiều lĩnh vực như tài chính, bất động sản, thương mại, thể thao. Với niềm tin vào "đứa con" của mình, ngân hàng đã cấp cho SHB Finance vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng – một trong những công ty được cấp vốn cao nhất trên thị trường. SHB Finance còn được dùng ngay logo, thương hiệu của ngân hàng mẹ và sử dụng mạng lưới của SHB để làm dịch vụ phục vụ khách hàng.

Thuận lợi thứ hai là về đội ngũ nhân sự. Thông thường các công ty mới ra đời phải trả "học phí" cao để hoàn chỉnh bộ máy. Nhưng ở SHB Finance, từ Tổng giám đốc đến Ban điều hành và các giám đốc chuyên môn là những người giàu kinh nghiệm đã từng trải qua các phép thử trong các môi trường tài chính tiêu dùng nên dễ hiểu ý nhau, đồng bộ nhanh, học hỏi từ "best practice" để sáng tạo ra những cách làm mới tạo dấu ấn của SHB Finance.

CEO Đinh Quang Huy- SHB Finance: Miếng bánh thuộc về ai biết cách chơi. - Ảnh 5.

Thuận lợi thứ 3 đến từ yếu tố khách quan đó là khách hàng và môi trường kinh doanh. Giờ đây ngày càng nhiều khách hàng trẻ tuổi tìm đến dịch vụ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính uy tín để được đáp ứng nhu cầu tài chính nhanh. Thêm vào đó, các công ty tài chính đi trước đã "mở đường" nâng cao nhận thức của người dân về ích lợi của vay tiêu dùng qua kênh chính thống. Đặc biệt, các chính sách vĩ mô của Chính phủ và hành lang pháp lý của Ngân hàng Nhà nước đã tạo điều kiện cho sự phát triển tín dụng tiêu dùng lành mạnh. 

Sản phẩm của SHB Finance hiện nay thế nào thưa ông? 

Thị trường tài chính tiêu dùng có 2 dòng sản phẩm chính đó là cho vay tiền mặt tiêu dùng và cho vay trả góp hàng hóa. SHB Finance tập trung vào sản phẩm cho vay tiền mặt tiêu dùng với các gói vay đa dạng như vay qua bảng lương, vay vốn cho hộ kinh doanh, vay qua hóa đơn dịch vụ, hợp đồng bảo hiểm… 

Vì sao chúng tôi ưu tiên sản phẩm cho vay tiền mặt tiêu dùng? Bởi khi xây dựng chiến lược chúng tôi đánh giá theo "trend" thị trường và thấy rằng người tiêu dùng trẻ thích tự do sử dụng tài chính cho nhu cầu tiêu dùng của mình. Nhu cầu hiện nay không chỉ dừng lại ở việc mua sắm phương tiện đi lại, đồ dùng, trang thiết bị gia đình mà còn là các nhu cầu khác trong đời sống như học tập, chữa bệnh, du lịch, kinh doanh... Ngoài ra, họ cũng không muốn bị hạn chế sự lựa chọn khi phải mua hàng tại những đại lý bán sản phẩm có quan hệ hợp tác với công ty tài chính.

CEO Đinh Quang Huy- SHB Finance: Miếng bánh thuộc về ai biết cách chơi. - Ảnh 6.

NHNN vừa qua có lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Sửa đổi Thông tư 43. Theo ông chính sách nên thế nào để thị trường phát triển lành mạnh, đồng thời đảm bảo NHNN vẫn quản lý hoạt động tài chính tiêu dùng minh bạch và an toàn? 

Không chỉ SHB Finance mà các công ty tài chính khác cũng đều có kiến nghị NHNN cần có thước đo đánh giá "sức khỏe" của các công ty tài chính cả mới và cũ. Dựa trên đánh giá đó về chỉ tiêu an toàn của NHNN, về chất lượng nợ và phản ánh của khách hàng về chất lượng dịch vụ của công ty tài chính để phân loại, xếp hạng các công ty và có chính sách tương ứng với mỗi nhóm. 

Về quy định mục đích cho vay tiền mặt, tôi cho rằng NHNN nên có lộ trình áp dụng để khách hàng thay đổi dần thói quen và các công ty tài chính thực hiện chuyển đổi theo sát nhu cầu của khách hàng. Trong đó bao gồm mở rộng các mục đích sử dụng vốn giúp khách hàng có thêm sự lựa chọn đa dạng phục vụ nhu cầu cơ bản của đời sống.

CEO Đinh Quang Huy- SHB Finance: Miếng bánh thuộc về ai biết cách chơi. - Ảnh 7.

Mục tiêu chiến lược của SHB Finance khi mới đi vào hoạt động và sau 5 năm có điều gì Ông có thể chia sẻ? 

Khi xây dựng chiến lược phát triển Công ty, chúng tôi đã được truyền cảm hứng từ Ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB với mong muốn xây dựng một công ty tài chính tiêu dùng "thuần Việt", phát triển bền vững, đóng góp cho xã hội và có thứ hạng trên thị trường về hoạt động hiệu quả. Chúng tôi đã xây dựng mục tiêu 5 năm thuộc nhóm top đầu công ty tài chính tiêu dùng hiệu quả và an toàn tại Việt Nam. Ngành tài chính tiêu dùng là kinh doanh rủi ro. Do vậy, một công ty hoạt động hiệu quả ra sao phải dựa trên thước đo là các chỉ số tài chính. Còn hoạt động kinh doanh an toàn thể hiện ở việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng nợ và đảm bảo thanh khoản về hoạt động nguồn vốn.

Để đạt được mục tiêu đó, chúng tôi phải thực hiện 3 điều. 

Đầu tiên là đẩy mạnh áp dụng những nền tảng công nghệ số tiên tiến như: Cloud, Big Data, Business Intelligence, Data Mining, AI…, ứng dụng vào hoạt động kinh doanh hàng ngày của Công ty để nâng cao hiệu quả năng suất lao động, tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ đem lại những trải nghiệm và lợi ích cho khách hàng.

CEO Đinh Quang Huy- SHB Finance: Miếng bánh thuộc về ai biết cách chơi. - Ảnh 8.

Thứ hai là vận dụng Quản trị rủi ro tiên tiến trên mô hình dữ liệu lớn (Big data) dùng các mô hình thống kê (20/80) để tối ưu các chiến thuật trên nền tảng "rule engine" linh hoạt, chủ động. Ứng dụng các thuật toán của Machine Learning để xây mô hình Scorecard và tự động hóa ra quyết định trong các "rule" thẩm định. Qua đó Quản trị rủi ro giúp tối ưu chi phí, đảm bảo phát triển quy mô lớn với thời gian nhanh chóng nhưng đảm bảo khẩu vị rủi ro trong ngưỡng thiết lập. 

Thứ 3 đó là triển khai mô hình cung cấp dịch vụ "một chạm" tới khách hàng. Cụ thể, hệ thống cho phép khách hàng tiếp cận dịch vụ dễ dàng và được phục vụ nhanh chóng trên lợi thế của công nghệ đa kênh. Qua đó, thiết lập hệ sinh thái đa dạng lấy khách hàng làm trung tâm nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. 

Hiện công ty mới có vốn 1.000 tỷ, để phục vụ cho mục tiêu của 5 năm thì SHB Finance có kế hoạch tăng vốn hay huy động vốn thời gian tới thế nào thưa ông? 

SHB Finance đang có nguồn vốn gấp đôi quy định của Ngân hàng Nhà nước về vốn pháp định. Chiến lược 5 năm chúng tôi cũng có lộ trình tăng vốn đó là qua 2 hình thức: dùng lợi nhuận giữ lại và tăng vốn chủ sở hữu từ ngân hàng mẹ. Tôi tin rằng với hệ số an toàn vốn lớn, vốn tự có cũng rất lớn thì việc tăng vốn của SHB Finance sẽ không khó khăn gì.

CEO Đinh Quang Huy- SHB Finance: Miếng bánh thuộc về ai biết cách chơi. - Ảnh 9.

Về huy động vốn, chúng tôi sẽ tận dụng tối đa vốn vay từ ngân hàng mẹ - 10% vốn chủ sở hữu của SHB theo Thông tư 36/NHNN. Ngoài ra, chúng tôi sẽ huy động vốn từ các tổ chức kinh tế, định chế tài chính trong nước và qua phương thức vay vốn từ các tổ chức và định chế tài chính uy tín nước ngoài. 

Vì sao chúng tôi có thể thuyết phục được các định chế tài chính đầu tư vào SHB Finance? Phải nói rằng rất may mắn khi công ty mới hoạt động được 1 năm nhưng các nhà đầu tư tổ chức thấy rằng chúng tôi có nội lực và chiến lược kinh doanh theo xu hướng thị trường. Chiến lược và mục tiêu là khá lớn nhưng cũng khả thi qua những gì chúng tôi đã và đang làm được. Kết quả là trong 6 tháng đầu năm 2019, chúng tôi đã huy động được 1.300 tỷ đồng và có được gần 1.000 tỷ đồng hạn mức tín chấp được cam kết bởi các đối tác liên ngân hàng, có thể sử dụng tại bất kỳ thời điểm nào giúp hỗ trợ thanh khoản trong tình huống khẩn cấp. 

Mới đây chúng tôi đã làm việc với lãnh đạo Moody’s để thẩm định cho xếp hạng tín nhiệm lần đầu tiên. Trong nhiều câu hỏi đưa ra có câu hỏi về sự khác biệt của SHB Finance là gì? Tôi trả lời rằng một trong những sự khác biệt đó là việc xuất hiện của Moody’s ở đây. Bởi lẽ trên thị trường tài chính tiêu dùng hiện nay chỉ có Fe Credit và Home Credit có xếp hạng bởi Moody’s, các công ty khác đã hoạt động lâu năm vẫn chưa sẵn sàng. 

Đầu tháng 8 vừa rồi, Moody’s đã công bố xếp hạng tín nhiệm lần đầu cho SHB Finance ở mức B3, triển vọng Ổn định. Kết quả xếp hạng này là điểm khởi đầu tích cực cho những nỗ lực của SHB Finance hướng tới một công ty tài chính hoạt động minh bạch, hiệu quả theo chuẩn mực quốc tế.

CEO Đinh Quang Huy- SHB Finance: Miếng bánh thuộc về ai biết cách chơi. - Ảnh 10.

Bên cạnh đó, SHB Finance cũng đang làm việc với KPMG để thực hiện chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). Việc minh bạch số liệu rất quan trọng, nhà đầu tư nhận được báo cáo cập nhật liên tục giúp họ có thêm niềm tin. 

Công ty tài chính không được huy động vốn từ dân cư mà phải huy động vốn từ tổ chức với lãi suất cao, chưa kể các loại chi phí vận hành, phòng ngừa rủi ro… trong khi xu hướng là cho vay ra lãi suất thấp để cạnh tranh, các ông giải bài toán lợi nhuận thế nào? 

Lãi suất cho vay đang ở xu hướng được điều chỉnh giảm nhưng không có nghĩa là để cạnh tranh nhau. Câu chuyện ở đây cần nhìn là sự chia sẻ của các công ty tài chính với khách hàng và cộng đồng. 

Nếu cho vay cao ở mức trên 70%/ năm như một số công ty đang làm thì rất khó khăn cho khách hàng, còn cho vay quá thấp thì không bù được chi phí và các rủi ro từ cho vay không thế chấp. Chúng tôi đi sâu vào phân tích hai tiêu chí để đưa ra mức lãi suất hài hoà, một là xem lãi suất có cao không so với thị trường, hai là kỳ vọng về biên lợi nhuận (NIM). Bên cạnh đó, chúng tôi chú trọng xây dựng sản phẩm với chính sách lãi suất phù hợp, mang tính chất chia sẻ với khách hàng. Tức là chúng tôi không gia tăng lợi nhuận từ lãi suất cao mà từ việc tối ưu hóa chi phí hoạt động và nâng cao năng suất.

CEO Đinh Quang Huy- SHB Finance: Miếng bánh thuộc về ai biết cách chơi. - Ảnh 11.

Áp lực của ông khi về xây dựng SHB Finance là gì?

Với gần 10 năm trên thị trường, lĩnh vực tài chính tiêu dùng tuy còn mới nhưng đã có đến 16 công ty. Điều này yêu cầu chúng tôi phải xây dựng một công ty sáng tạo thì mới có thể đạt mục tiêu chiến lược, chứ không thể đi theo vì đi theo thì không bao giờ đuổi kịp. 

Biết rằng mục tiêu khó nhưng chúng tôi vẫn luôn giữ tinh thần "lì và liều". "Lì" tức là đã đặt mục tiêu thì phải kiên định, thấy khó, gặp thất bại mà nản thì không thể làm nên việc lớn. "Liều" là phải dám thử nghiệm, dám sáng tạo và tiên phong áp dụng các ý tưởng mới. 

Với những gì đã làm được sau 1 năm, ông có hài lòng về bộ máy nhân sự hiện nay? 

Tôi rất hài lòng. Tất nhiên còn có những điểm khuyết mà chúng tôi đã nhìn ra và điều chỉnh. Và tôi tin với sự đồng bộ về nhân sự, thời gian tới sẽ phát triển kinh doanh tốt hơn.

CEO Đinh Quang Huy- SHB Finance: Miếng bánh thuộc về ai biết cách chơi. - Ảnh 12.

Với sự cạnh tranh khốc liệt về nhân sự giỏi trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng, Ông có chiến lược gì để thu hút thêm và giữ chân nhân tài? 

Chúng tôi là những người trẻ tuổi đề cao văn hóa thực thi nhanh. Đồng thời xây dựng văn hóa doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi ngay từ ngày đầu hoạt động và là trách nhiệm của từng thành viên trong gia đình SHB Finance. Văn hoá này lan toả mạnh mẽ thông qua các kênh truyền thông nội bộ và các hoạt động gắn kết thu hút sự hưởng ứng của toàn thể nhân viên.

Thứ hai là cơ chế lương thưởng gắn với sự đóng góp và hiệu suất công việc. Dù là công ty trẻ tuổi nhưng chúng tôi áp dụng mức lương "benchmark" theo thị trường và lựa chọn cách làm hiện đại, có công cụ cho người lao động theo dõi, đo lường được hiệu quả công việc và thu nhập. Thứ ba là xây dựng lộ trình thăng tiến mang tính dài hạn, định hướng đào tạo giúp các CBNV yên tâm gắn bó.

"Hữu xạ tự nhiên hương" – mặc dù lương và đãi ngộ chưa phải là cao nhất, nhưng những thứ đang diễn ra tại SHB Finance mà người lao động nhìn thấy đã thu hút được các nhân sự tốt.



 Ánh Dương
                                            
T.Dũng
Hồng Nguyễn, SHB Finance
Theo Trí Thức Trẻ

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên