MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO Google phủ nhận sắp ra công cụ tìm kiếm riêng cho Trung Quốc

18-08-2018 - 17:11 PM | Tài chính quốc tế

Trong cuộc họp công ty mới đây, giám đốc điều hành Google đã phủ nhận thông tin hãng công nghệ khổng lồ này sắp sửa phát hành một công cụ tìm kiếm riêng cho thị trường Trung Quốc, trong đó sẽ tích hợp bộ lọc nội dung tìm kiếm theo yêu cầu của của nhà chức trách nước này.

Trước đó theo Reuters, trong một nỗ lực thâm nhập lại thị trường đông dân nhất thế giới, Google đang có kế hoạch chặn một số trang web và thuật ngữ tìm kiếm vốn nằm trong danh sách kiểm duyệt của Trung Quốc.

Giám đốc điều hành Sundar Pichai nói với nhân viên rằng quá trình cung cấp trở lại dịch vụ tìm kiếm trực tuyến ở Trung Quốc mới chỉ đang ở giai đoạn đầu, và việc cung cấp nhiều dịch vụ ở quốc gia đông dân nhất thế giới phù hợp với sứ mệnh toàn cầu của Google.

Tuy nhiên ông Pichai thận trọng cho biết quá trình khởi động dịch vụ tìm kiếm ở Trung Quốc còn chưa rõ ràng.

Việc xuất hiện thông tin Google trở lại Trung Quốc đã làm xáo trộn nội bộ của Gã khổng lồ tìm kiếm. Một số nhân viên Google lo ngại rằng bằng cách đồng ý với các yêu cầu kiểm duyệt, hãng sẽ vi phạm quy tắc ứng xử của bản thân công ty.

Hàng trăm nhân viên Google đã kêu gọi công ty cung cấp thêm thông tin về kế hoạch trên một cách “minh bạch, giám sát và trách nhiệm.”

Công cụ tìm kiếm của Google đã bị chặn phần lớn ở Trung Quốc kể từ năm 2010, thời điểm công ty buộc phải rời khỏi thị trường này vì các vấn đề liên quan đến luật kiểm duyệt nghiêm ngặt nội dung trên mạng Internet.

Thời gian gần đây, Google cùng với hàng loạt các ông lớn công nghệ của Mỹ gồm Facebook, Apple, Qualcomm đã có những động thái được cho là xuống thang và nhượng bộ trước các yêu cầu kiểm duyệt khắt khe từ phía cơ quan chức năng Trung Quốc để đổi lấy quyền kinh doanh tại thị trường đông dân nhất thế giới, bất chấp việc căng thẳng thương mại giữa hai nước gia tăng.

Apple đã xóa hàng trăm ứng dụng khỏi kho ứng dụng App Store Trung Quốc. Trong khi đó, Facebook cũng đang nỗ lực thâm nhập vào thị trường Trung Quốc dù vẫn bị rất nhiều hạn chế./.

Theo Việt Đức

Vietnam+

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên