MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO HSBC Việt Nam: Các nhà đầu tư nước ngoài đang rất lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

17-05-2017 - 15:00 PM | Tài chính - ngân hàng

Việt Nam đã trở thành một trung tâm sản xuất với các dự án lớn, những hợp đồng hàng tỷ USD, sản xuất những hàng hóa có giá trị cao, cộng thêm những cam kết của một Chính phủ liêm chính, hành động, kiến tạo, đã tạo được sự hứng khởi cho cộng đồng doanh nghiệp.

Hôm nay ngày 17/5 tại Hà Nội diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp năm 2017, chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Tham luận tại hội nghị, Đại diện của Tập đoàn HSBC, Ông Phạm Hồng Hải – Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho biết, Việt Nam hiện đang là một ngôi sao sáng trong khu vực với lợi thế về chi phí nhân công lao động cạnh tranh, ổn định về chính trị và kinh tế vĩ mô và các cam kết mạnh mẽ của Chính phủ. Các nhà đầu tư nước ngoài đang rất lạc quan về triển vọng kinh tế của Việt Nam và đều đang xúc tiến mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Việt Nam không chỉ được coi là một thị trường tiềm năng cho tiêu thụ sản phẩm với dân số trẻ và sức tiêu thụ tăng nhanh mà còn được coi là trung tâm sản xuất của khu vực phục vụ cho xuất khẩu nhờ vào lợi thế nhân công giá rẻ và các hiệp định thương mại đã được ký kết. Việt Nam trước đây được coi là công xưởng của khu vực với các dự án nhỏ sử dụng lao động phổ thông giá rẻ. Gần đây Việt Nam đã nổi lên là trung tâm sản xuất của các dự án lớn với hàng hóa có hàm lượng công nghệ cao. Ngoài ra, cam kết của Chính phủ về một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt đã tạo được sự hứng khởi trong cộng đồng doanh nghiệp.

HSBC có các kiến nghị với Chính phủ như sau:

Để có thể tận dụng tốt được làn sóng FDI đầu tư vào Việt Nam, Chính phủ cần hết sức quan tâm đến tác động môi trường của các dự án và việc kết nối của các doanh nghiệp Việt vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI. Ngoài ra, chiến lược phát triển dựa vào nhân công giá rẻ sẽ không thể là một chiến lược bền vững của một quốc gia. Việt Nam cần xác định những thế mạnh cạnh tranh bền vững của mình và cần đầu tư vào công nghệ trong các lĩnh vực này để tạo giá trị cạnh tranh bền vững tại những ngành mũi nhọn này.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh năng suất lao động vốn đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Cải cách giáo dục mạnh mẽ bằng việc tận dụng nguồn lực tri thức từ nhiều nguồn khác nhau, áp dụng công nghệ kỹ thuật số vào giáo dục để phổ cập hóa giáo dục tới nhiều vùng miền của đất nước, đưa tiếng Anh vào ngôn ngữ giảng dạy cho một số môn học và tạo môi trường giáo dục khuyến khích sự phản biện và sáng tạo sẽ đóng góp rất quan trọng vào việc nâng cao năng suất lao động của người Việt Nam.

Thời gian vừa qua Việt Nam đã có những bước đi hết sức mạnh mẽ để chuẩn bị cho việc tham gia hiệp định TPP. Mặc dù tương lai của TPP vẫn chưa rõ ràng, theo tôi những nỗ lực cải cách để đảm bảo tuân thủ các điều khoản TPP không nên dừng lại vì chính những cải cách này sẽ giúp tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Kiến nghị với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam

Với nền kinh tế tăng trưởng khá cao và ổn định cộng với làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp FDI, cơ hội kinh doanh đang mở ra cho cả các doanh nghiệp Việt và FDI. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, một số doanh nghiệp Việt có phần hụt hơi trong cuôc đua với các doanh nghệp FDI do khó tiếp cận nguồn vốn, công nghệ lạc hậu và kỹ năng quản trị theo truyền thống gia đình.

Để Việt Nam có thể thực sự phát triển bền vững, chúng ta rất cần có nhiều doanh nghiệp Việt phát triển bền vững và có lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Để làm được điều này, các doanh nghiệp Việt rất cần áp dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh nhằm tạo lợi thế cạnh tranh bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, ổn định chất lượng, xây dựng thương hiệu mạnh và quản trị doanh nghiệp bền vững.

Việt Nam đang ở vị thế rất thuận lợi so với nhiều quốc gia trong khu vực. Chúng ta vẫn đang ở thời điểm dân số vàng, lực lượng lao động đầy nhiệt huyết, cần cù và khéo léo, chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định và có lợi thế so sánh khi thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam. Đây chính là cơ hội vàng của Việt Nam để tiến hành cải cách mạnh mẽ nền kinh tế nếu chúng ta thực sự muốn duy trì được tốc độ tăng trưởng bền vững trong tương lai. Nếu chúng ta thực sự quyết tâm cải cách, chúng ta hoàn toàn có thể trở thành một con hổ kinh tế mới của châu Á trong tương lai.

Nhóm PV

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên