MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO Novaland: “Quản trị rủi ro, chuẩn bị kỹ cho các tình huống xấu nhất có thể xảy ra”

Đi ra từ tâm bão của thị trường BĐS, nên Tổng Giám đốc của tập đoàn Novaland Phan Thành Huy rất chú trọng tới khâu quản trị rủi ro khi điều hành công ty.

Chia sẻ với chúng tôi về những diễn biến thị trường BĐS gần đây, ông Phan Thành Huy nhấn mạnh đến những yếu tố có thể giúp cho doanh nghiệp BĐS phát triển ổn định và bền vững. Với kinh nghiệm quý báu rút được từ những chu kỳ trước, ông Huy đã đúc kết được những kế hoạch để ứng phó với diễn biến của thị trường BĐS những năm tới.

Thời gian gần đây có nhiều cảnh báo không tốt về thị trường, điều hành một tập đoàn lớn trong ngành BĐS ông có lo lắng gì về chu kỳ thị trường?

Như nhiều ngành kinh doanh khác, BĐS cũng là một ngành có tính chất chu kỳ. Việc quan sát diễn biến của chu kỳ, dự báo về các giai đoạn bất ổn và quản trị rủi ro nằm trong hoạt động hàng ngày của công ty chúng tôi.

Với kinh nghiệm quý báu học được từ chu kỳ trước, đi ra từ tâm bão, chúng tôi hiểu hơn ai hết sự quan trọng của hoạt động quản trị rủi ro. Bản thân Ban lãnh đạo công ty đã suy nghĩ và chuẩn bị cho các tình huống xấu nhất có thể xảy ra nếu thị trường rơi vào suy thoái.

Chẳng hạn, chúng tôi đang lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán vào cuối năm nay cũng là một trong những kế hoạch quản trị rủi ro. Điều này nhằm củng cố dòng tiền, minh bạch trong quản trị, củng cố đội ngũ, áp dụng công nghệ, thêm nhiều đối tác chiến lược, mở rộng độ phủ thương hiệu, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo thêm nhiều tài sản có dòng tiền ổn định, không lệ thuộc quá nhiều vào ngân hàng…

Vậy kế hoạch niêm yết này là như thế nào, thưa ông?

Lần này chúng tôi phát hành riêng lẻ, mục tiêu là khoảng 70% cổ phần được phân bổ cho các tổ chức tài chính quốc tế và 30% cho các nhà đầu tư cá nhân. HĐQT cũng đang xem xét kế hoạch ESOP (phát hành cổ phần theo chương trình lựa chọn cho người lao động), có thể thực hiện sau khi niêm yết.

Sau khi niêm yết, chúng tôi dự kiến tỷ lệ tự do chuyển nhượng cổ phần Novaland sẽ vào khoảng 20-25%, đến từ đợt phát hành cổ phần riêng lẻ lần này, việc chuyển đổi các công cụ tài chính mà chúng tôi đã huy động trong giai đoạn trước, cũng như cơ cấu sở hữu tự do hiện tại (không thuộc sở hữu của Chủ tịch và người có liên quan).

Được biết, Novaland chủ yếu phát triển phân khúc trung cao cấp, trong khi nguồn cung lại được cảnh báo là dư thừa, ông có thể lý giải điều này?

Nhu cầu bất động sản còn rất lớn và đa dạng, vấn đề cốt lõi ở đây là niềm tin của khách hàng. Trong giai đoạn thị trường khủng hoảng từ năm 2009 đến nay, chúng tôi vẫn liên tục xây dựng, công trường luôn sáng đèn, thời hạn giao nhà vẫn đúng như cam kết.

Điều đó cho thấy, khách hàng là người xác nhận uy tín thương hiệu. Hiện nay, trung bình mỗi tháng Novaland giao dịch trên 300 sản phẩm. Trong đó các dự án căn hộ trung và cao cấp có vị trí đắc địa, đầy đủ tiện ích, giá dưới 2 tỷ đồng/căn, luôn giữ kỷ lục về thanh khoản.

Trước khi quyết định phát triển một dự án, chúng tôi đều đặt mình vào vị trí khách hàng để có được sản phẩm đáp ứng cao nhất nhu cầu đó. Chính vì vậy, các sản phẩm của chúng tôi luôn có đối tượng khách hàng riêng.

Những năm gần đây, có nhiều thay đổi chính sách trong lĩnh vực bất động sản, ông có nhận định gì về thị trường những năm tới?

Chúng tôi cho rằng qua cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua, Chính phủ đã nhìn nhận thấy hết vấn đề và đang ngày một nâng cao việc quản lý thị trường BĐS thông qua việc triển khai một số chính sách giúp cho thị trường minh bạch hơn và bảo vệ quyền lợi cho tất cả các bên.

Ví dụ như Luật Nhà ở có hiệu lực vào năm ngoái có quy định nhà phát triển bất động sản phải cung cấp bảo lãnh ngân hàng cho tất cả người mua hay việc nâng cao hệ số dự phòng rủi ro của các ngân hàng khi cho vay BĐS…

Nếu mong đợi có sự thay đổi tốt hơn thì chúng tôi mong rằng sự nỗ lực cải cách hành chính của các cơ quan ban ngành sẽ sớm phát huy hiệu quả, giảm thời gian thủ tục hành chính sẽ giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đồng thời, sẽ góp phần làm minh bạch thị trường BĐS, giúp thị trường phát triển bền vững.

Xin cám ơn ông!

Đăng Khải

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên