MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO PepsiCo Foods Việt Nam: “Không thể đến với người nông dân bằng tiền mà phải bằng tâm”

26-11-2018 - 13:30 PM | Doanh nghiệp

Trải qua 10 năm đồng hành cùng bà con nông dân Đơn Dương, Lâm Đồng xây dựng mô hình nông nghiệp bền vững với cây khoai tây, PepsiCo Foods Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành quả và góp phần thay đổi tích cực diện mạo nền nông nghiệp tại đây.

Năm 2006, PepsiCo Foods Việt Nam được thành lập để sản xuất thức ăn nhẹ, với sản phẩm chủ lực là Snack Poca. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất, PepsiCo phải cân nhắc giữa việc nhập khẩu và mở ra một chuỗi cung ứng khoai tây nội địa. Từ đó, chương trình Nông nghiệp bền vững đã ra đời. Năm 2008, chương trình bắt đầu tại Đơn Dương với nhóm nông dân đầu tiên, mở đầu cho hành trình đưa khoai tây trở thành nông sản góp phần thay đổi diện mạo nền nông nghiệp tại đây.

Ông Nguyễn Đức Huy - Giám đốc điều hành và ông Nguyễn Phúc Trai - Giám đốc nông học của PepsiCo Foods Việt Nam đã có những chia sẻ về hành trình 10 năm đồng hành cùng nông dân Đơn Dương xây dựng mô hình nông nghiệp bền vững với cây khoai tây.

Chương trình Nông nghiệp bền vững toàn cầu do PepsiCo thực hiện đã có mặt tại 38 quốc gia với sự tham gia của 40.000 nông dân. Theo hai anh, thế nào là nông nghiệp bền vững?

Dưới góc nhìn của PepsiCo, nông nghiệp bền vững phải chú trọng vào 3 yếu tố. Thứ nhất là bảo vệ môi trường, bao gồm không khí, nguồn nước, đa dạng sinh học, xử lý chất thải nông nghiệp… Thứ hai là đảm bảo tính ổn định của xã hội, bao gồm an toàn, sức khỏe, chế độ đãi ngộ dành cho người lao động. Thứ ba là thúc đẩy phát triển kinh tế, mang đến thu nhập ổn định cho người nông dân và góp phần thay đổi diện mạo kinh tế địa phương.

Hay đơn giản hơn, nông nghiệp bền vững là khi người nông dân sản xuất ra sản lượng ngày càng tăng trên một diện tích đất nhưng vẫn duy trì được nền tảng tài nguyên thiên nhiên vốn có. Họ có thể canh tác từ đời này qua đời kia.

Tại Việt Nam, Đơn Dương, Lâm Đồng được chọn để triển khai chương trình. Anh có thể chia sẻ lý do PepsiCo chọn vùng đất này?

Tại Lâm Đồng, PepsiCo đã thí điểm nhiều vùng như Đà Lạt, Đức Trọng, Di Linh… nhưng duy chỉ có Đơn Dương là hội tụ đủ điều kiện cần có về đất, độ cao và khí hậu để canh tác khoai tây chế biến. Đơn cử, khi trồng giống khoai tây Atlantic tại Đà Lạt thì bị nấm bệnh nhưng tại Đơn Dương thì kiểm soát được. Ngoài ra, con người cũng là yếu tố quyết định để PepsiCo chọn đây là vùng nguyên liệu chính. Người nông dân Đơn Dương làm việc rất chăm chỉ, họ luôn tin và làm theo những gì đội ngũ kỹ sư nông học tập huấn.

Thưa anh, vùng nguyên liệu tại Đơn Dương hiện giữ vai trò như thế nào trong chiến lược kinh doanh của PepsiCo tại Việt Nam?

Hiện tại, Đơn Dương là vùng canh tác trọng điểm, cung cấp gần 70% khoai tây nguyên liệu cho quá trình sản xuất thức ăn nhẹ của PepsiCo tại Việt Nam. Chuỗi cung ứng không chỉ giúp sản xuất những lát khoai tây chất lượng mà còn giúp doanh nghiệp tạo lợi thế cạnh tranh. Mô hình tại Đơn Dương đang dần đạt được những mục tiêu đề ra, mang đến cho công ty chuỗi giá trị lớn. Đồng thời, chương trình là cách để PepsiCo phát huy trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội.

Bắt đầu từ năm 2008, hiện chương trình đã đạt được những thành quả gì và góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp Đơn Dương ra sao?

Trong 10 năm, chương trình đã gặt hái được những thành quả nhất định. Cụ thể, lợi nhuận của người nông dân đạt được khoảng 257%. Nhờ vậy, đời sống của họ được cải thiện, con cái có điều kiện học hành tốt hơn. Từ năm 2010 - 2018, năng suất khoai tây đã tăng 3 lần, từ 8 tấn/ha lên 24,3 tấn/ha, số lượng nông dân hợp tác tăng từ 150 người lên 580 người. Đặc biệt, giải pháp tưới phun sương của PepsiCo đã giúp tiết kiệm được 1.402.875 m3 nước. Giá trị đất canh tác khoai tây tăng đáng kể, có thể đạt từ 2 tỷ/ha, thậm chí có vùng là 5 tỷ/ha.

Thành quả nào đối với các anh là đáng tự hào nhất?

Đó là sự gắn kết bền vững trong mối quan hệ giữa người nông dân và doanh nghiệp. Nếu như nông nghiệp bền vững là chìa khóa để đưa doanh nghiệp đạt đến thành công thì mối quan hệ bền chặt giữa nông dân và doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết để đạt được điều đó. Ngoài ra, điều làm tôi vô cùng tự hào đó là sự biến chuyển tích cực trong nhận thức của người nông dân về môi trường và cộng đồng.

Theo hai anh, điều gì đã giúp PepsiCo duy trì mối quan hệ bền vững với nông dân Đơn Dương trong suốt 10 năm?

Chúng tôi quan niệm, không thể đến với người nông dân bằng tiền mà phải bằng tâm. Đó chính là yếu tố then chốt xây dựng mối quan hệ bền vững với người nông dân. Ngay từ giai đoạn khó khăn ban đầu, công ty đã cùng họ chia sẻ rủi ro. Cụ thể, PepsiCo sẽ cung cấp giống, phân bón cho nông dân và số tiền sẽ được hoàn trả sau mỗi vụ thu hoạch. Trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh, mất mùa công ty sẽ không thu khoản tiền này. Điều này giúp nông dân giảm bớt gánh nặng đầu tư và có nguồn thu nhập ổn định. Có thể nói PepsiCo là doanh nghiệp hiếm hoi duy trì mô hình bao tiêu sản phẩm.

Mục tiêu mà anh kỳ vọng chương trình nông nghiệp bền vững tại Việt Nam sẽ mang lại trong hành trình kế tiếp?

PepsiCo coi Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng nhất. Trong đó, nông nghiệp bền vững là chìa khóa cho sự phát triển. Ngoài tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng thì tăng tỷ lệ nội địa hóa cũng được PepsiCo đặt lên hàng đầu. Dự tính trong tương lai, nguồn khoai nội địa cung ứng sẽ đạt mức 100%. Hiện nay, 70% khoai tây để sản xuất thức ăn nhẹ đến từ người nông dân Việt Nam và 30% còn lại hầu hết được nhập khẩu từ Mỹ, Pháp hoặc Đức. Năm 2018, dự án bắt đầu mở rộng ra Đăk Lăk kết hợp với các đối tác tại phía Bắc. Dự tính năm đến năm 2021 sản lượng sẽ tăng gấp 3 lần từ 10.000 tấn lên 30.000 tấn, diện tích canh tác tăng 1.000 ha, nâng tổng số nông dân Việt Nam tham gia hệ thống khoảng 2.500 - 3.000 người.

Xin cảm ơn hai anh đã chia sẻ.

A.D

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên