MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO Sợi Thế Kỷ: Việc mạo hiểm nhất là bỏ sản xuất đi làm sale

16-10-2020 - 14:43 PM | Doanh nghiệp

Ông Đặng Triệu Hoà từng bỏ công việc giám đốc kỹ thuật để làm nhân viên kinh doanh với mức lương bằng một phần tám nhưng có cơ hội tiến xa hơn. Chính tư duy ấy đã giúp ông chèo lái con thuyền Sợi Thế Kỷ vượt qua nhiều khó khăn sau này, tận dụng được cả những cơ hội mà Covid-19 mang lại.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến nhiều doanh nghiệp ngành sợi phụ thuộc đầu ra vào Trung Quốc lâm vào cảnh khó khăn, thua lỗ nặng nề. Trong bối cảnh đó, Sợi Thế Kỷ trở thành điểm sáng khi hoạt động kinh doanh vẫn tăng trưởng nhờ hướng đi sản xuất sản phẩm theo chiều sâu, đáp ứng nhu cầu đặc biệt của khách hàng. Điều này theo ông Đặng Triệu Hòa - Tổng giám đốc Sợi Thế Kỷ xuất phát từ triết lý kinh doanh và nền tảng được xây dựng từ lúc doanh nghiệp thành lập.

Trong chặng đường kinh doanh, ông Hòa đặt tôn chỉ phải phục vụ tốt nhất nhu cầu luôn thay đổi và ngày càng đòi hỏi cao hơn của khách hàng. Do vậy, từ lúc bắt đầu thành lập cho đến các giai đoạn đầu tư thêm của Sợi Thế Kỷ, ông luôn chừa lại khả năng lắp thêm các cấu phần khác, chuẩn bị để tạo ra các sản phẩm sợi phù hợp khi nhu cầu khách hàng có sự thay đổi.

Chính quan điểm này đã giúp Sợi Thế Kỷ nằm trong số ít doanh nghiệp hạn chế được tác động xấu từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, thậm chí còn hưởng lợi khi chuyển dịch từ sản xuất sợi truyền thống sang đẩy mạnh sợi tái chế.

CEO Sợi Thế Kỷ: Việc mạo hiểm nhất là bỏ sản xuất đi làm sale - Ảnh 1.

- Ông từng kinh doanh trong ngành sợi trước khi thành lập Sợi Thế Kỷ, tại sao ông lại quyết định "rẽ ngang" vào ngành sản xuất?

- Đó là một quyết định ngẫu nhiên nhưng cũng là tất nhiên. Năm 2000, tôi đã kinh doanh sợi 8, 9 năm và thấy rằng nếu không sản xuất mà chỉ làm thương mại thì có ngày không còn khả năng cạnh tranh. Chỉ có làm sản xuất mới có cơ hội phát triển sản phẩm theo chiều sâu, tạo nên thương hiệu và giá trị cao hơn.

Như bạn thấy đấy, trước đây nếu muốn mua sắm thì đến các cửa hàng nhưng hiện nay chỉ cần ở nhà, mua online, giá rẻ hơn vì cắt hết các khâu trung gian. Tương lai có phải là các đại lý trung gian biến mất hết không? Tôi nghĩ chỉ trừ vài trường hợp đại lý bán xe máy, ôtô kèm trung tâm bảo dưỡng thì có khả năng tồn tại.

Cơ hội đến với tôi một cách ngẫu nhiên. Có thể là do tôi còn trẻ, không giỏi lắm nhưng đáng tin nên người ta chỉ cho biết có một cơ sở sản xuất ở Đài Loan muốn thanh lý máy móc để giao đất nhà máy cho chính phủ xây cao tốc với mức đền bù giá cao.

Thời điểm đó tôi chưa lên kế hoạch chuyển sang sản xuất sợi mà dự tính 4 hoặc 5 năm nữa mới bắt đầu. Vì vậy, tôi do dự không mua vì không biết gì về sản xuất sợi, máy lại là máy cũ.

Tuy nhiên, một người bạn thân lớn tuổi hơn, làm trong ngành sợi phân tích dù máy cũ nhưng của Đức, mới dùng vài năm, thời gian sử dụng còn 20-30 năm nữa và có thể đa dạng hóa. Đồng thời, sẽ có đội ngũ chuyên viên giúp đỡ trong vòng 1 năm, đương nhiên tôi trả phí.

Thời điểm đó, tôi nghĩ hôm nay không làm thì vài năm nữa cũng phải làm, nhưng hiện có cơ hội tốt.

5 năm đầu thành lập Sợi Thế Kỷ là đoạn đường cực khổ của tôi, cực hơn cả dự tính. Tôi gần như ăn, ngủ tại nhà máy ở Củ Chi, ngày làm việc 16 tiếng. Cũng trong 5 năm này, tôi thuê hết chuyên gia này đến chuyên gia khác, đa số đến từ Đài Loan nên tôi trở thành phiên dịch. Trong quá trình đó, tôi cố gắng phiên dịch cho mọi người hiểu thấu. Khi mọi người hiểu thì chính tôi cũng hiểu thấu. 5 năm này là căn cơ, căn bản để tôi hiểu biết về ngành.

- Vậy phải chăng thành lập Sợi Thế Kỷ là điều mạo hiểm nhất của ông?

- Thực ra thì không bởi trước đó tôi đã có công ty thương mại riêng, nhập khẩu hàng về phân phối lại, có kho riêng, có sẵn khách hàng rồi.

Điều mạo hiểm nhất với tôi có lẽ là bỏ công việc tại xưởng sản xuất sản phẩm ống nhựa để đi làm nhân viên kinh doanh sợi (sale). Tại xưởng sản xuất, tôi làm đến chức danh Giám đốc Kỹ thuật, chỉ đứng sau ông chủ, nhận lương hơn 200.000 đồng/tuần, tương đương 1 tháng lương của những người khác. Còn nhân viên kinh doanh sợi thì lương hơn 110.000 đồng/tháng mà lúc đó tôi chẳng biết gì cả.

Lúc đó, tôi nghĩ làm sale là khởi điểm còn điểm cuối chưa biết được, trong khi Giám đốc Kỹ thuật là điểm cuối. Làm sale là cơ hội để tiếp xúc thương trường.

CEO Sợi Thế Kỷ: Việc mạo hiểm nhất là bỏ sản xuất đi làm sale - Ảnh 2.

- Trong quá trình phát triển Sợi Thế Kỷ, ông ắt hẳn gặp không ít biến cố. Dịch Covid-19 có thể coi là một trong số đó?

- Năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ bán phá giá, tôi dự đoán được nhưng chỉ không ngờ diễn ra sớm quá và thị trường này tắc thì mở ra thị trường khác.

Còn với dịch Covid-19 quả thật là biến cố lớn nhất bởi quá bất ngờ, không có trong dự kiến của con người. Đồng thời, dịch bệnh diễn ra trên toàn thế giới, tác động đến cả cung và cầu của nền kinh tế. Trong kinh doanh, cầu giảm là một ảnh hưởng vô cùng lớn, tôi không thể nhìn thấy đường ra.

Một điều thấy rõ là dịch Covid-19 càng khiến chuỗi cung ứng của Trung Quốc bị ảnh hưởng. Đối với riêng Sợi Thế Kỷ, quý I kinh doanh rất tốt nhờ gián đoạn nguồn cung từ Trung Quốc (nơi luôn tạo ra tình trạng thừa cung) giúp cho cung và cầu thế giới trở nên cân bằng hơn. Qua tới quý II, dịch bệnh lan rộng ra, chúng tôi bị ảnh hưởng nhiều nhất do các thương hiệu ngưng hợp đồng ngay. Bản thân tôi 3 ngày không làm gì là đã muốn bệnh rồi. Vậy mà trong suốt tháng 4 đến giữa tháng 5, tôi không có công việc gì để làm. Cảm xúc của tôi lúc đó thực sự là rất hoang mang.

Quý III phục hồi dần khoảng 60-70% và quý IV khả quan hơn, đạt khoảng 80-90% công suất so với trước đó. Tôi quan niệm trên thương trường điều duy nhất không thay đổi chính là luôn luôn có biến cố. Do vậy, đang trơn tru tôi luôn nghĩ đến trục trặc, đang an toàn nghĩ đến nguy cơ để chuẩn bị trước. Biến cố liên tục diễn ra từ lúc tôi làm thương mại cho đến làm sản xuất nhưng nhờ quan niệm trên mà dù bị tổn thương, đau đầu nhưng không gục ngã. Trong nguy cơ, đối thủ gục ngã mà tôi không gục ngã là đủ rồi.

CEO Sợi Thế Kỷ: Việc mạo hiểm nhất là bỏ sản xuất đi làm sale - Ảnh 3.

- Vậy còn tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung?

- Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là điều tất nhiên phải diễn ra. Trong 2 thập kỷ qua, Trung Quốc đã bành trướng một cách không có giới hạn trong tất cả các ngành hàng, trong đó có sợi. Sự bành trướng này theo diện rộng mà không phải theo chiều sâu, đi vào sản xuất đại trà. Minh chứng là 2 thập kỷ qua, các doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng tăng cường sản lượng sản xuất khiến cung nhiều hơn cầu, bán giá rẻ và tranh thủ xuất khẩu tạo nên thặng dư với các nền kinh tế khác, trong đó có Mỹ.

Theo tôi, ngoại trừ Trung Quốc, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xét chung có lợi cho các nước khác. Trung Quốc không bán được hàng sang Mỹ, nên ngừng nhập khẩu và bán phá giá. Đó là một khía cạnh. Khía cạnh còn lại là Mỹ không nhập khẩu hàng Trung Quốc thì nhu cầu không mất đi. Đơn hàng không đến Trung Quốc thì có thể qua các nước khác trong đó Châu Á và Đông Nam Á là chính.

Bởi vậy, Đông Nam Á và Việt Nam được xác định hưởng lợi. Vấn đề là cuộc chiến này căng thẳng đến mức nào và diễn biến theo hướng nào? Nếu không có dịch Covid-19 và chỉ có chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thì tôi cho rằng tới nay Việt Nam đã được hưởng lợi.

- Ông có thể chia sẻ rõ hơn khi nhiều quan điểm cho rằng thương chiến Mỹ - Trung khiến ngành sợi khó khăn hơn, hàng hóa không thể xuất khẩu sang Trung Quốc và giá bán giảm?

- Sợi xuất đi Trung Quốc là sợi sơ ngắn, bao gồm trộn giữa polyester và sợi thiên nhiên làm từ bông, chủ yếu thông qua phương pháp tạo sợi truyền thống. Loại sợi này giá thành cao hơn, được sử dụng nhiều hơn nhưng lại ít biến hóa hơn, nói đúng hơn là mặt hàng đại trà. Trung Quốc các năm qua có cơ chế bảo vệ ngành sản xuất bông trong nước, không cho nhập khẩu bông làm giá bông Trung Quốc lệch pha so với giá thị trường quốc tế, nên doanh nghiệp các nước trong đó có Việt Nam tận dụng nguyên liệu bông từ các nước khác để sản xuất và xuất khẩu sợi sơ ngắn pha cotton hoặc sợi cotton sang thị trường này.

Trung Quốc có những sản phẩm cung dư thừa so với cầu nhưng lại thiếu hụt sợi tái chế. Đây là điều rất nghịch lý. Năng suất của Trung Quốc vượt 30% nhu cầu sợi thế giới nhưng là sản phẩm đại trà, máy móc cứ theo một motip mà chạy, sản phẩm cứ giá này không bán được thì tiếp tục hạ giá.

Khi thương chiến xảy ra, Trung Quốc ngưng nhập hàng và tiến hành bán phá giá sản phẩm sợi. Việc này gây ra ảnh hưởng chung cho các doanh nghiệp sợi, bản thân Sợi Thế Kỷ cũng không tránh khỏi. Tuy nhiên, việc bán phá giá của Trung Quốc mang nét đặc trưng rất rõ là bán phá giá sản phẩm đại trà, giống như bán một chai nước suối không có thương hiệu. Sản phẩm mà Trung Quốc bán phá giá không đặt nặng về chất lượng, phục vụ nhu cầu có tính đặc thù của khách hàng.

- Vậy Sợi Thế Kỷ làm gì để giảm thiểu tác động từ ngành sợi Trung Quốc?

- Các năm qua Sợi Thế Kỷ dần dần chuyển cơ cấu sang các sản phẩm đặc biệt, đánh vào nhu cầu đặc thù của khách hàng. Ví dụ, khi làm sợi filament cũng có sản phẩm đại trà nhưng chúng tôi không đi theo hướng đó. Sợi Thế Kỷ tập trung tạo nên sự khác biệt để xuất đi Nhật Bản, Hàn Quốc cho nhu cầu riêng, xuất đi Mỹ cho ngành công nghiệp sản xuất xe hơi, xuất đi Đài Loan cho những khách hàng sản xuất áo quần thể thao… Với Trung Quốc, Sợi Thế Kỷ chỉ bán đi những sản phẩm mà thị trường này thiếu hụt như sợi tái chế.

Ngành dệt may là 1 trong 4 ngành đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người. Do vậy, tôi cho rằng hiện nay dịch Covid-19 vẫn còn tác động nhưng dần ít đi và cầu trở nên ổn định hơn. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn căng thẳng thì sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc qua các nước châu Á, Đông Nam Á ngày càng mạnh. Ngành dệt may Việt Nam càng hưởng lợi sau dịch bệnh.

Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký với các khu vực khác đều đem lại lợi ích cho doanh nghiệp sợi Việt Nam.

CEO Sợi Thế Kỷ: Việc mạo hiểm nhất là bỏ sản xuất đi làm sale - Ảnh 4.

- Từ khi nào Sợi Thế Kỷ bắt đầu làm những loại sợi đặc biệt này?

- Điều này xuất phát từ triết lý kinh doanh. Ngay từ khi thiết lập cơ sở sản xuất, Sợi Thế Kỷ chọn đáp ứng nhu cầu đặc biệt của khách hàng, lựa chọn thiết bị, máy móc của nhà sản xuất uy tín thuộc top đầu trên thế giới đến từ Đức. Máy móc của họ có thể mắc tiền nhưng đổi lại chất lượng và sự đa dạng hóa, thích ứng được sự thay đổi. Ví dụ như sản xuất 1 cái chai, chúng tôi lựa chọn máy móc để khi nhu cầu thay đổi có thể làm nhiều hình thù.

Do vậy, trong quá trình đầu tư, chúng tôi luôn chừa lại khả năng lắp thêm các cấu phần khác. Sự chuẩn bị này của chúng tôi có thể chưa mang lại lợi ích trong 2 năm, nhưng có thể trong 4 năm hay 10 năm tới. Điều này trước sau cũng phải tới.

Phải nói rõ là không phải tôi dự đoán được từ năm 2000 rằng sẽ có nhu cầu về sợi tái chế nhưng tôi nhìn ra chắc chắn có sự thay đổi trong nhu cầu. Cách đây 2 thập kỷ, nhu cầu con người chỉ đơn giản là có quần áo để mặc nhưng dần dần quan tâm đến mặc cái áo có mát hơn không, nhẹ hơn không và có thân thiện môi trường không…?

Đến 2015-2016, khi khái niệm thời trang xanh thân thiện môi trường xuất hiện, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sợi tái chế tăng lên vừa đúng với những gì mà chúng tôi đã chuẩn bị sẵn. Tôi nhanh chóng kết nối đối tác đến từ Mỹ Unifi, Inc. để khai thác.

Hiện nay, khi nền kinh tế dần hồi phục thì có một điều lạ là nhu cầu sản phẩm sợi tái chế (recycled) lại tốt hơn hàng truyền thống. Điều này có vẻ ngược suy nghĩ mọi người, đáng lẽ dịch bệnh khiến thu nhập giảm thì đồ rẻ dễ bán hơn đồ mắc phải không? Thực thế thì năm ngoái, chỉ khoảng 30% đơn hàng của công ty là sợi tái chế nhưng quý IV năm nay tăng lên khoảng 50%.

Theo báo cáo McKinsey mà tôi nhận được, sau dịch bệnh, quan điểm của người tiêu dùng thay đổi. Fast Fashion (thời trang nhanh) có thể không còn là xu thế dẫn đầu. Thay vào đó, người tiêu dùng đi vào những tiêu chí khác như có lợi cho sức khỏe không, có thoải mái hơn không, có thân thiện môi trường không. Tóm lại, người tiêu dùng có xu hướng về sức khỏe và môi trường hơn là kiểu mẫu mới.

Theo đó, nhu cầu không chỉ là sợi recycled mà là recycled+. Nếu xu hướng này thực sự diễn ra thì trúng ngay cái "mâm" của Sợi Thế Kỷ (cười). Hướng phát triển sản phẩm mới của Sợi Thế Kỷ hiện nay là bảo vệ môi trường cộng thêm tính năng khác. Ví dụ như cộng thêm chống tia cực tím, cộng thêm co giãn, cộng thêm hút ẩm, cộng thêm màu…

- Nhìn lại mấy chục năm trên thương trường, ông đánh giá con đường mình đã chọn ra sao?

- Tôi luôn nghĩ rằng một khi mang lại giá trị, lợi ích cho người xung quanh thì không cần lôi kéo họ cũng tìm đến tôi. Nếu tôi giải quyết được "nỗi đau" cho khách hàng thì họ chạy về hướng mình.

Tôi bị ảnh hưởng quan điểm này từ ông Vương Vĩnh Khánh, người sáng lập tập đoàn Formosa – được mệnh danh huyền thoại kinh doanh của Đài Loan. Ông nói rằng "làm sao mà tôi tạo được lợi ích cho người xung quanh thì họ không muốn tôi chết mà muốn tôi tồn tại mãi. Vì họ nhận được lợi ích khi tôi tồn tại".

Tôi giải quyết được khúc mắc trong sản xuất của khách hàng thì họ trả tôi giá cao chút là điều hiển nhiên thôi. Nếu tôi mang lại lợi ích cho người thân, bạn bè, đối tác thì rất tự nhiên họ cũng mang lại lợi ích cho tôi. Tất nhiên, không phải mọi việc đều đưa ra 1 lấy lại 1, đây chỉ là quan điểm cuộc sống thôi.

CEO Sợi Thế Kỷ: Việc mạo hiểm nhất là bỏ sản xuất đi làm sale - Ảnh 5.

- Vậy cuộc sống của doanh nhân Đặng Triệu Hòa trong những năm qua như thế nào?

- Tôi là con người làm việc thì tập trung hết sức mà chơi cũng hết mình (work hard – play hard). Lúc tôi làm việc thì đừng làm phiền đến tôi, lúc tôi chơi thì cũng bỏ qua tất cả.

Thực sự thì cơ hội để đi chơi, hưởng thụ không nhiều nên tôi muốn định nghĩa lại sự hưởng thụ. Với tôi, hưởng thụ không nhất thiết là đến khách sạn, resort 6 sao nằm cả ngày, ăn ngon mà thành công trong công việc cũng có thể hưởng thụ. Tôi hoàn thành công việc, đạt thành tựu cũng là một kiểu hưởng thụ, cảm xúc đôi khi còn sướng hơn đi chơi. Nhiều khi công việc dồn tới rất nhiều, tôi làm ở công ty đến 21h, về nhà làm việc đến 23h, khi hoàn thành kịp tiến độ thì tôi đi ngủ trong cảm xúc rằng đã chiến thắng.

- Trong hành trình của mình, có bao giờ ông rơi vào bế tắc và có bao giờ cần khoảng lặng để nhìn lại?

- Có chứ, nhiều là đằng khác. Trước đây, mỗi năm sinh nhật của tôi là không đi đâu hết, ở một mình để suy nghĩ lại cả năm nay làm được gì, điều gì làm được, điều gì mới đạt chút ít, điều gì chưa đạt… Hiện nay thì tôi không thể đợi được 1 năm nữa, khi nào cảm thấy hơi áp lực thì bỏ làm nửa ngày, 1 ngày, không tiếp ai không liên lạc gì.

Mỗi năm có 2 ngày sinh nhật. Ngày tây thì mọi người biết kêu đi không đi thì không được nhưng sinh nhật ta thì riêng tư, một mình tôi biết.

- Điều tự hào và hạnh phúc nhất của ông là gì?

- Quá dễ (cười), đó là ngồi đây là nói câu chuyện Sợi Thế Kỷ.

Đương nhiên còn điều nữa là gia đình, các con tôi, ít nhất là đến bây giờ, chịu khó học hành, suy nghĩ cũng trưởng thành không đến nỗi ỷ nhà có tiền tiêu dùng phung phí.

- Ông có ý định để các con kết thừa sự nghiệp ở Sợi Thế Kỷ?

- Sợi Thế Kỷ là tâm huyết của tôi nhưng tôi không muốn ép buộc các con phải kế nghiệp. Tôi sợ nhất là nghe các con nói "không muốn như vậy, do bố, do gia đình, phải hy sinh vì gia đình".

Bất cứ ai trong 3 đứa con tôi về Sợi Thế Kỷ, tôi luôn chào đón nhưng chắc chắn không muốn ép buộc các con mình điều gì.

Con lớn tôi đi học ở Anh, vừa rồi thực tập giữa kỳ tại EY Vietnam, sau tốt nghiệp sẽ tìm việc làm tại Anh. Tôi khuyến khích cứ đi trải nghiệm, sau vài năm về châu Á hay Việt Nam và vào Sợi Thế Kỷ thử nghiệm thì tùy. Đứa thứ 2 có vẻ muốn học kinh doanh, nhưng tôi cũng chỉ tư vấn theo hướng nào, sau này con muốn làm gì, đi đâu hay về công hiến cho Sợi Thế Kỷ cũng được. Đứa út thì có sở thích khác biệt là muốn học liên quan đến dược, chế tạo thuốc.

Theo Ngọc Điểm

NDH

Trở lên trên