MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO tập đoàn dệt may Hồng Kông: "Việt Nam là ưu tiên hàng đầu khi chuyển nhà máy từ Trung Quốc về Đông Nam Á"

08-12-2016 - 13:13 PM | Tài chính quốc tế

Tập đoàn dệt may TAL vẫn sẽ đầu tư vào Việt Nam dù có TPP hay không và dự định sẽ rót thêm 500 triệu USD vào Việt Nam.

Donald Trump vừa lên làm Tổng thống Mỹ và liên tiếp có những phát ngôn cảnh báo sẽ đem lại việc trở lại nước Mỹ, xóa bỏ NAFTA hay TPP, thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ chủ nghĩa bảo hộ quay lại và xóa tan những thành tựu toàn cầu hóa mà thế giới đã đạt được.

Bối cảnh hiện nay tác động như thế nào đến các quốc gia Asean và giải pháp thích nghi là gì?

Đây chính là chủ đề của một phiên thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị Bloomberg ASEAN Business Summit 2016 đang diễn ra tại khách sạn JW Marriot Hà Nội. Các diễn giả tham gia gồm ông Roger Lee, CEO của tập đoàn dệt may TAL Apparel; ông Chartsiri Sophonpanich – Chủ tịch ngân hàng Bangkok Bank và ông Phạm Văn Thịnh – CEO của Deloitt Việt Nam.

Giới kinh doanh lạc quan về tương lai không có TPP

Mở đầu phiên thảo luận, ông Nisid Hajari – Chủ mục Bloomberg View của Bloomberg câu hỏi làm thế nào để các doanh nghiệp Asean (vốn phụ thuộc vào xuất khẩu) có thể tìm ra hướng đi mới khi mà hoạt động thương mại khó khăn hơn hay tận dụng nguồn vốn chảy khỏi Trung Quốc.

Ông Roger Lee cho rằng hiện nay mọi thứ đều chưa rõ ràng. Chúng ta chưa biết Trump sẽ làm gì, ông chỉ nói sẽ mang công việc trở lại Mỹ. Ông lấy ví dụ ở Mỹ, tập đoàn dệt may TAL khó có thể tìm được công nhân toàn là người Mỹ. Donald Trump nói vậy nhưng thực tế để thực hiện được là rất khó.

Ông Phạm Văn Thịnh là người trả lời câu hỏi TPP có nguy cơ bị hủy bỏ ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế Việt Nam, liệu Việt Nam có tập trung vào RCEP - Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực giữa ASEAN và 6 đối bao gồm Trung Quốc – hay không?

“Việt Nam sẽ tiếp tục mở cửa hội nhập, thực hiện đàm phán thương mại song phương với nhiều quốc gia khác. Không có hiệp định này thì sẽ có hiệp định khác, cả đa phương và song phương. Nếu chúng ta nhìn vào cán cân thương mại Việt Nam Hoa Kỳ thì chúng tôi đang xuất siêu”, ông Thịnh nói.

Lạc quan với viễn cảnh không có TPP cũng là quan điểm của Chủ tịch ngân hàng Bangkok Bank. Ông chia sẻ rằng hiện các doanh nghiệp Thái Lan cũng không phải hoàn toàn chỉ tận dụng lao động giá rẻ để phát triển.

“Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp ASEAN. 1+1 không phải là 2, nếu chúng ta tận dụng dược lợi thế so sánh của mỗi bên thì khi kết hợp lại con số sẽ là lớn hơn 2. Lực lượng thanh niên ngày càng đông lên cũng là động lực phát triển cho khu vực này”.

“Chúng tôi sẽ chuyển nhà máy từ Trung Quốc về Việt Nam”

Đó là câu trả lời của ông Roger Lee cho câu hỏi tập đoàn của ông sẽ ưu tiên quốc gia nào, cho đâu là nơi tốt nhất để chuyển nhà máy từ Trung Quốc về Việt Nam khi mà giá nhân công ở Trung Quốc đang tăng lên như hiện nay.

Ông Roger ca ngợi chính phủ Việt Nam tạo rất nhiều thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài. Cơ chế một cửa giúp các doanh nghiệp có được giấy phép trong thời gian ngắn.

Tập đoàn TAL vẫn sẽ đầu tư vào Việt Nam dù có TPP hay không và dự định sẽ rót thêm 500 triệu USD vào Việt Nam. “TPP sẽ mang lại thuận lợi nhưng không có TPP thì chúng tôi vẫn đầu tư vào Việt Nam. Chúng tôi hướng đến dài hạn”.

Thu Hương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên