MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chân dung Thủ tướng lớn tuổi nhất thế giới: Cha đẻ của hiện đại hoá Malaysia, tái đắc cử ở tuổi 92

28-08-2019 - 07:25 AM | Tài chính quốc tế

Ở cương vị Thủ tướng, ông Mahathir có công dẫn dắt Malaysia qua những bước phát triển, hiện đại hoá thần kỳ.

Từ một bác sĩ phẫu thuật, ông Mahathir Mohamad trở thành chính trị gia, giữ chức Thủ tướng Liên bang Malaysia 22 năm liền (1981 - 2003) và tiếp tục trúng cử chức vụ này ở tuổi 92 (ngày 10/5/2018). Ông được coi là nhà kiến tạo, đưa Malaysia từ nước nông nghiệp trở thành cường quốc công nghiệp, trung tâm viễn thông.

Tiểu sử - Sự nghiệp chính trị

Ông Mahathir Mohamad sinh năm 1925 tại Alor Setar, miền Bắc Malaysia, tốt nghiệp Đại học Y khoa King Edward VII (Singapore) chuyên ngành phẫu thuật và nội khoa. Ông gia nhập Đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO) và tham gia sinh hoạt chính trị ngay từ lúc học đại học.

Năm 1964, ông Mahathir giành chiến thắng trong cuộc tranh cử hạ viện với đa số phiếu 60,2%, chính thức gia nhập chính trường.

Chân dung Thủ tướng lớn tuổi nhất thế giới: Cha đẻ của hiện đại hoá Malaysia, tái đắc cử ở tuổi 92 - Ảnh 1.

Năm 1974, ông Mahathir chiến thắng trong cuộc bầu cử vào Quốc hội và trở thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Ông chủ trương xây dựng một "nền giáo dục dành cho nhân dân" ở trình độ trung học phổ thông, đề cao toán học và khoa học công nghệ.

Năm 1978, ông trở thành Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Công thương.

Năm 1981, ông giữ cương vị Thủ tướng thứ tư của Malaysia.

Năm 2003, ông Mahathir Mohamad từ chức sau 22 năm làm Thủ tướng, trở thành một trong những nhà lãnh đạo nắm quyền lâu nhất châu Á. 

Năm 2018, ông tái tranh cử chức Thủ tướng đại diện cho liên minh đối lập ở tuổi 92 và giành chiến thắng vang dội trước Thủ tướng đương nhiệm Najib Razak thuộc Liên minh Barisan Nasional. Ít ai có thể ngờ ông Mahathir quay lại chính trường, thành lập đảng đối lập Pakatan Harapan và đánh bại liên minh đã nắm chính quyền suốt 60 năm để trở thành một trong những thủ tướng tái đắc cử lớn tuổi nhất trên thế giới.

Đóng góp của Thủ tướng Mahathir đối với sự phát triển Malaysia

Về kinh tế

Ở cương vị Thủ tướng, ông Mahathir có công dẫn dắt Malaysia qua những bước phát triển, hiện đại hoá thần kỳ, biến Malaysia từ nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp trở thành một cường quốc công nghiệp, trung tâm viễn thông, tài chính và sản xuất công nghệ cao trong khu vực ASEAN và châu Á.

Từ năm 1988 đến 1997, tốc độ tăng trưởng trung bình của Malaysia hơn 10%, tiêu chuẩn sống tăng gấp 20 lần, nạn đói gần như được quét sạch hoàn toàn, các chỉ số phúc lợi xã hội như tỷ lệ biết chữ đạt ngang hàng các nước phát triển. Kinh tế giảm phụ thuộc vào nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên, hướng tới sản xuất và xuất khẩu, Malaysia trở thành một trong những nước tăng trưởng nhanh nhất trong số các nền kinh tế đang phát triển trên thế giới.

Giai đoạn này, Thủ tướng Mahathir bắt đầu tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước, bao gồm các hãng hàng không, dịch vụ và viễn thông. Ông phát động nhiều dự án quốc gia có quy mô lớn, tiêu biểu là đường siêu tốc Bắc - Nam, siêu hành lang truyền thông đa phương tiện, thủ đô Putrajaya, sân bay quốc tế Kuala Lumpur, đập thủy điện Bakun ở Sarawak, thành phố cảng Tanjung Pelepas ở Johor, cao ốc Petronas. Các dự án này mang lại nguồn lợi ích kinh tế lớn, tạo công ăn việc làm hiệu quả theo cấp số nhân.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, thay vì giảm chi tiêu công, tăng lãi suất như khuyến nghị của IMF, ông Mahathir quyết định tăng chi tiêu chính phủ, cố định tỷ giá đồng Ringgit/USD. Nhờ đó, kinh tế Malaysia hạn chế được thiệt hại và phục hồi nhanh hơn các nước láng giềng Đông Nam Á. Sau này, chính IMF thừa nhận: "Mahathir Mohamad đã đúng".

Hiện nay, ở tuổi thứ 94, Thủ tướng Mahathir vẫn mang trong mình sứ mệnh phục hồi nền kinh tế, phát triển Malaysia. Ông cũng dành nhiều sự quan tâm cho công nghệ. Năm 2018, ông đã đưa ra Chính sách về công nghiệp 4.0 có tên là "Industry4WRD" - chính sách định hướng Malaysia tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực sản xuất. Ông kêu gọi các doanh nghiệp vừa và nhỏ đi đầu trong chuyển đổi số, làm chủ công nghệ, để có thể thu hút các nhà đầu tư và cạnh tranh trên quy mô toàn cầu.

Về giáo dục

Ông chủ trương xây dựng một "nền giáo dục dành cho nhân dân" ở trình độ trung học phổ thông, đề cao toán học và khoa học công nghệ. Suốt thời kỳ đương nhiệm Thủ tướng, ông Mahathir tiếp tục xúc tiến mạnh mẽ nghị trình giáo dục bậc cao cả về số lượng lẫn chất lượng.

Các trường nội trú được xây dựng phục vụ cho cộng đồng bản xứ có thu nhập thấp. Hàng năm, ông Mahathir đưa hàng chục nghìn học sinh đi đào tạo đại học tại Mỹ, Anh, Úc và các nước phương Tây. Ông cũng thúc đẩy tự do hóa việc thành lập các trường đại học. Các công ty tư nhân có lịch sử lâu dài hoạt động tại Malaysia được khuyến khích thành lập, xây dựng quan hệ hợp tác hoặc mở các trung tâm giáo dục bậc cao và trung tâm tài năng.

Cuộc sống đời thường

Từng là một bác sĩ, ông Mahathir rất quan tâm tới sức khoẻ cả về thể chất lẫn trí lực. Ông không hút thuốc, uống rượu hay ăn quá nhiều. Ông chỉ ăn vừa đủ để có sức khỏe làm việc và luôn duy trì số cân nặng ổn định suốt nhiều năm qua, thậm chí ông vẫn có thể mặc vừa quần áo từ 30 năm trước. Không chỉ quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, chính trị gia 94 tuổi này cũng tích cực vận động thể chất với môn bóng bầu dục và đi bộ, rèn luyện trí nhớ bằng cách đọc nhiều sách báo và giữ cho đầu óc luôn bận rộn.

Nhận lời mời của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad và phu nhân thăm chính thức Việt Nam từ ngày 26 đến 28/8. 

Chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Mahathir nhằm củng cố hơn nữa quan hệ giữa hai nước, đồng thời tạo cơ hội để tăng cường quan hệ song phương với mục tiêu đưa kim ngạch hai chiều lên 15 tỷ USD vào năm tới, thúc đẩy các phương thức hợp tác mới trong một loạt lĩnh vực, như thương mại và công nghiệp, an ninh, giáo dục và nông nghiệp, cùng các vấn đề khu vực và thế giới mà hai bên cùng quan tâm.

Chân dung Thủ tướng lớn tuổi nhất thế giới: Cha đẻ của hiện đại hoá Malaysia, tái đắc cử ở tuổi 92 - Ảnh 2.

Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Shariffah Norhana Syed Mustaffa cho biết, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (30/3/1973), quan hệ song phương đã liên tục được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực. Hiện Malaysia đang là đối tác thương mại lớn thứ 11 của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 13 của Malaysia, đồng thời đứng thứ 4 trong số các nước có quan hệ thương mại với Malaysia tại khu vực ASEAN. Bên cạnh đó, Malaysia còn là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 8 của Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt 12,48 tỷ USD tính đến hết năm 2018.

Thủ tướng Mahathir dự kiến thăm Khu công nghệ cao Hòa Lạc và có bài phát biểu với sinh viên Việt Nam về quá trình chuẩn bị của Malaysia trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thăm nhà máy sản xuất ô tô Vinfast và Khu công nghiệp Nội Bài được quản lý bởi liên doanh giữa Việt Nam và Malaysia.

Khánh An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên