MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chẳng mấy chốc Trung Quốc sẽ thâu tóm ngành thuốc trừ sâu thế giới cùng với Mỹ và Đức

05-04-2017 - 11:04 AM | Tài chính quốc tế

Mới đây, tập đoàn hóa chất quốc gia Trung Quốc (ChemChina) đã giành được chấp thuận từ cơ quan chống độc quyền Mỹ đối với đề nghị mua lại hãng trừ sâu lớn nhất thế giới của Thụy Điển (Syngenta) với giá 43 tỷ USD.

Quyết định này từ phía giới chức Mỹ đã đưa 1 trong 3 thương vụ lớn nhất trong ngành công nghệ hóa chất đến gần hơn với vạch đích.

Ủy ban thương mại liên bang Mỹ hôm qua cho biết phía này đã yêu cầu hai công ty phải phân phối 3 loại thuốc trừ sâu tại Mỹ như là 1 điều kiện để hoàn tất hợp đồng.

Cả Mỹ và EU đều tỏ ra rất quan tâm đến thương vụ này. Bằng chứng là EU đã lập ra cả một cuộc nghiên cứu chuyên sâu vào năm ngoái. Điều đó cho thấy tầm ảnh hưởng của nó là rất lớn, rất có thể giá thuốc trừ sâu sẽ tăng cao và người nông dân sẽ có ít lựa chọn cho các sản phẩm bảo vệ mùa màng.

Cả Trung Quốc và EU đều đang trong quá trình đánh giá thương vụ, trong đó hạn cuối của EU là 18/4. Trước đó cả ChemChinaSyngenta từng nói muốn kết thúc giao dịch vào cuối tháng 6.

Đây là 1 trong 3 thương vụ có tầm quan trọng cực lớn, làm thay đổi ngành công nghiệp hóa chất toàn cầu. Tuần trước, công ty Dow Chemical đã vượt qua rào cản lớn nhất trong nỗ lực sáp nhập với công ty DuPont bằng chấp thuận của EU. Bayer AG vẫn đang đợi chấp thuận từ phía giới chức để mua lại Monsanto. Nếu 3 thương vụ này hoàn tất, 6 người chơi chính của ngành công nghiệp hóa chất toàn cầu sẽ rút gọn thành 3 gã khổng lồ: Mỹ, Đức và Trung Quốc.

An ninh lương thực 43 tỷ USD

Đằng sau động thái theo đuổi hãng thuốc trừ sâu lớn nhất thế giới của tập đoàn nhà nước ChemChina là tham vọng của Trung Quốc đối với vấn đề an ninh lương thực. Trong bối cảnh tầng lớp trung lưu Trung Quốc ngày càng đông trong khi đất nông nghiệp ngày càng giảm vì một phần lớn đã được chuyển thành sân golf và nhà ở, mua lại Syngenta sẽ mang lại cho Trung Quốc quyền tiếp cận tới các nhóm nông dân trên toàn cầu từ Brazil đến Anh.

Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg tháng trước, giám đốc Syngenta - Erik Fyrwald cho biết "Syngenta sẽ vẫn là Syngenta" và sẽ giữ trụ sở tại Basel, Thụy Sỹ. Ông hy vọng sẽ duy trì được công việc của mình và nói rằng quản lý của ChemChina sẽ không đến Syngenta.

"Chúng tôi không hòa nhập với ChemChina," ông Fyrwald nói. "Sẽ có một vài thành viên từ ChemChina ngồi vào ban quản trị và chủ tịch HĐQT sẽ là ông Ren - chủ tịch của ChemChina. Nhưng chúng tôi hoàn toàn hy vọng hoạt động của công ty sẽ vẫn được duy trì như hiện nay ".

Theo số liệu của Bloomberg, năm ngoái, các công ty ở Trung Quốc đã tiêu tốn 248 tỷ USD để mua lại các công ty ở nước ngoài, trong đó đề nghị mua lại Syngenta của ChemChina là lớn nhất.

Theo công ty nghiên cứu Rhodium Group, thỏa thuận này diễn ra trong bối cảnh làn sóng đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài nở rộ, nâng tổng khối lượng FDI của Trung Quốc ở Mỹ lên 45,6 tỷ USD.

'Lạm dụng Thương mại'

Trước thềm cuộc gặp mặt với Chủ tịch Tập Cận Bình trong tuần này, Tổng thống Donald Trump đã chỉ đạo thực hiện một nghiên cứu xác định mức độ "lạm dụng thương mại" góp phần vào thâm hụt thương mại của Mỹ. Trước đó, ông đã cáo buộc Trung Quốc thực hiện các hành vi thương mại không lành mạnh gây tổn hại cho công nhân Mỹ. Ông Trump cũng kêu gọi nâng thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Thương vụ ChemChina-Syngenta đã được Ủy ban An ninh Quốc gia Mỹ thông qua từ tháng 8/2016. Ủy ban thương mại liên bang Mỹ có thẩm quyền tiếp quản vụ việc này vì Syngenta bán thuốc trừ sâu tại Mỹ. Hơn 1/4 doanh thu của Syngenta năm 2015 đến từ các sản phẩm bảo vệ cây trồng ở Bắc Mỹ. Công ty này cũng có một số cơ sở nghiên cứu và sản xuất ở Mỹ.

Anh Sa

Bloomberg

Trở lên trên