MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chất lượng không khí ở Hà Nội và TP.HCM vượt quy chuẩn quốc gia

04-05-2017 - 11:24 AM | Xã hội

Hà Nội và TP.HCM là những thành phố có nồng độ bụi trong không khí cao hơn so với giới hạn Quy chuẩn quốc gia và vượt quá giới hạn theo Hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới.

Chiều 3/5, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội tổ chức buổi thảo luận về chất lượng không khí Việt Nam. Buổi thảo luận được tiến hành nhằm hưởng ứng Tuần lễ Nhận thức về Chất lượng Không khí Hoa Kỳ.

Tại buổi thảo luận, ông Jason McInerney - Trưởng phòng Môi trường, Khoa học, Công nghệ và Sức khỏe (thuộc Đại sứ quán Hoa Kỳ) đã trình bày về chương trình quan trắc chất lượng không khí của Đại sứ quán.

Theo đó, nhằm cung cấp thông tin để giúp bảo vệ sức khỏe của nhân sự và công dân Hoa Kỳ ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã phối hợp cùng Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ đặt máy quan trắc chất lượng không khí tại một số tòa văn phòng thuộc Bộ.

Tại Việt Nam, thiết bị quan trắc được đặt trên mái nhà Tòa Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội và trên mái Tòa Lãnh sự quán ở TPHCM, sử dụng nguyên tắc đo lường suy giảm beta để cung cấp nồng độ PM2.5 hằng giờ theo đơn vị microgram trên mét khối (PM là viết tắt của chất dạng hạt, còn được gọi là ô nhiễm dạng hạt - thuật ngữ để chỉ một hỗn hợp các hạt rắn và giọt chất lỏng được tìm thấy trong không khí).


báo động chất lượng không khí rất có hại cho sức khoẻ  ở Hà Nội và TP.HCM. Ảnh minh hoạ

báo động chất lượng không khí 'rất có hại cho sức khoẻ ' ở Hà Nội và TP.HCM. Ảnh minh hoạ

Kết quả cho thấy, trong năm 2016, tại Hà Nội chỉ số AQI trung bình là 121 điểm (Chỉ số chất lượng không khí). Năm 2016 có tới 123/365 ngày nồng độ bụi trong không khí cao hơn so với giới hạn Quy chuẩn quốc gia và 282/365 ngày vượt quá giới hạn theo Hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong quý 1 năm 2017, con số này lần lượt là 37 và 78 ngày.

"Trong quý I năm nay, chất lượng không khí tại Hà Nội được cải thiện so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, số ngày chất lượng không khí ở mức “rất có hại cho sức khỏe” tại Hà Nội lại gia tăng" - Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành Trung tâm Sáng tạo xanh (GreenID) cho biết.

Tại TP.HCM, mặc dù ô nhiễm không khí không nghiêm trọng như Hà Nội nhưng so với cùng kỳ năm 2016, chất lượng không khí có xu hướng kém đi. Trong 3 tháng đầu năm, chỉ số AQI ở TP.HCM là 101 điểm, 78 ngày vượt quá quy chuẩn WHO.

Tại Việt Nam, chỉ số PM10/ngày là 150 μg/m3, cao gấp 3 lần so với chuẩn châu Âu và chuẩn WHO (50 μg/m3).

Theo một khảo sát của GreenID thực hiện trên 1.400 người dân Việt Nam trong năm 2016 thì có tới 70% số người đang hoặc từng gặp phải các vấn đề liên quan đến đường hô hấp.

Trước đó, WHO cũng đã liên tục đưa ra cảnh báo Việt Nam là quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí đặc biệt cao so với các nước trong khu vực Châu Á và Thái Bình Dương. Việt Nam có tới hơn nửa tổng số ngày trong năm có chất lượng không khí kém, trong đó Hà Nội là một trong những thành phố có mức độ ô nhiễm cao trên thế giới.

Nghiên cứu của Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy có 2 nguồn gốc sinh ra ô nhiễm không khí là tự nhiên và con người, trong đó tác nhân do con người gây ra gồm các hoạt động về giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp, xây dựng, sinh hoạt dân sinh, nông nghiệp và làng nghề, xử lý chất thải.

Ô nhiễm khí là nguyên nhân chính gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người ở các nước đang phát triển và phát triển. Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, những năm gần đây, các bệnh về đường hô hấp có tỷ lệ mắc cao nhất trên toàn quốc và một trong các nguyên nhân là ô nhiễm không khí. Bên cạnh những tác động lên sức khỏe con người, kinh tế - môi trường, ô nhiễm không khí còn gây ra những vấn đề toàn cầu gồm: sự suy giảm tầng ozon, sự ấm lên của khí quyển, lắng đọng axit...

Theo Hùng Cường

VietQ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên