MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chất lượng lao động thấp, Việt Nam sẽ đánh mất cơ hội dân số vàng?

Đang ở thời kỳ dân số vàng, nhưng chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện vẫn đang là thách thức cho phát triển...

Đây là đánh giá của các chuyên gia tại Hội thảo xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi) từ góc nhìn dân số và bình đẳng giới do Uỷ ban các vấn đề xã hội phối hợp với các đơn vị tổ chức, ngày 10/10.

Lao động trẻ dồi dào có tương xứng chất lượng?

Theo kết quả điều tra lao động việc làm của Tổng cục Thống kê, đến hết quý 3/2019, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 55,7 triệu người, lao động từ 15 đến 59 tuổi đạt 49,1 triệu người, chiếm 88,2% lực lượng lao động.

Từ kết quả này cùng với nhiều phân tích khác, TS Lê Thị Phương Mai, Chuyên gia Qũy Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) đánh giá, Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, mà nếu tận dụng tốt họ có thể đóng góp vào việc tăng trưởng kinh tế, mở rộng đầu tư vào xã hội.

Mặc dù vậy, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay vẫn đang là thách thức. Tuy có một lực lượng lao động trẻ dồi dào nhưng trình độ tay nghề và chuyên môn kỹ thuật thấp, chưa đáp ứng cho định hướng phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, các chương trình giáo dục đào tạo, đặc biệt đào tạo nghề vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Tình trạng thất nghiệp cao trong thanh niên, đặc biệt là những người tốt nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng là vấn đề đáng báo động.

Theo một báo cáo chung của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê và Tổ chức Lao động quốc tế cho thấy, có khoảng 162.000 lao động có bằng cử nhân và thạc sỹ hiện không tìm được việc hoặc phải làm các công việc không đúng với ngành/nghề được đào tạo.

"Điều này cho thấy một lực lượng lao động lớn vẫn còn thiếu kỹ năng và kiến thức để đáp ứng yêu cầu của thị trường, cộng với năng suất lao động thấp sẽ khiến nền kinh tế rơi vào bẫy với các hoạt động giá trị thấp thấp và tỷ lệ tăng trưởng thấp", chuyên gia UNFPA cảnh báo.

10 năm chỉ giảm được 3% lao động giản đơn

Thừa nhận còn tồn tại những thực tế trên, TS Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cũng chỉ ra một điểm rất đáng lưu ý khác là việc chuyển dịch cơ cấu lao động theo các nhóm nghề, nhất là lao động giản đơn hiện nay giảm rất chậm, từ 39% năm 2009 còn 36% vào năm 2018.

"Trong 10 năm nhưng chỉ giảm được 3%, tức là trong suốt một thời gian dài chuyển dịch cơ cấu lao động theo nhóm nghề không nhiều, nền kinh tế gần như vẫn giữ nguyên cơ cấu sử dụng lao động giá rẻ", ông Vinh phân tích.

Thoạt nhìn, nếu so sánh với một số nước trong khu vực, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Việt Nam có vẻ "tiến bộ" nhưng theo ông Vinh thì vấn đề chất lượng, bằng cấp của lao động khi vào làm việc vẫn là điều đáng lo ngại.

Hầu hết lao động được tuyển dụng vào làm vẫn phải đào tạo lại, thậm chí rất nhiều người phải làm trái ngành nghề do đào tạo trái với nhu cầu của thị trường. "Trong suốt thời gian dài khu vực đào tạo vẫn theo khung, ai có khả năng đến đâu thì đào tạo đến đó mà chưa chưa chú ý đến thị trường. Do đó, trình độ thực sự với bằng cấp vẫn có khoảng cách", ông Vinh đánh giá và cho rằng đây là xu hướng ngược ở Việt Nam.

Cụ thể là với các nước trong khu vực, sự phù hợp giữa bằng cấp, trình độ và việc làm ngày càng thu hẹp thì ở Việt Nam xu hướng này lại dãn ra. Thực tế này khiến Việt Nam chưa giảm được bất cập đào tạo với yêu cầu của nhà tuyển dụng, cùng với thiếu lao lao động lành nghề, các nhóm có chuyên môn kỹ thuật, nhà quản lý, đổi mới sáng tạo, trong khi đây là những nhóm có khả năng dẫn dắt nền kinh tế.

Không phủ nhận nước ta hiện có một lực lượng lao động trẻ và đang ở thời kỳ dân số vàng, nhưng ông Vinh nhấn mạnh thêm rằng, quá trình già hóa dân số đang diễn ra rất nhanh, trong khi tốc độ tăng lực lượng lao động đang giảm dần.

Do vậy, ông cho rằng, những vấn đề trên cần được lưu ý trong thiết kế các chính sách của Bộ luật Lao động (sửa đổi) sắp tới trong việc đối xử với các nhóm lao động khác nhau.

Bình luận thêm về vấn đề này, bà Lê Thị Phương Mai cho rằng, cơ hội dân số vàng chỉ đến một lần, dự kiến với Việt Nam sẽ kéo dài đến năm 2041. Do đó, để tận dụng được nguồn nhân lực cần có một chính sách quản trị thị trường lao động tốt. Chuyên gia UNFPA cũng khuyến nghị rằng, các điều khoản trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) cần quy định rõ điều kiện để gắn kết giữa cơ sở đào tạo, dạy nghề và thị trường để đưa Việt Nam lên cao hơn trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Theo Dương Nhật

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên