MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Châu Thanh Vũ - 9x đam mê Kinh tế học: Việc trường dạy như thế nào sẽ không tác động nhiều đến bạn như trước đây

“Một trong những nhận định sai lầm của giới chỉ trích Kinh tế học đó là việc sử dụng các mô hình toán – tin học để nghiên cứu kinh tế sẽ đồng nghĩa với việc xa rời các yếu tố liên quan đến xã hội và con người”, Châu Thanh Vũ - nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Harvard.

Châu Thanh Vũ hẳn là cái tên không mấy xa lạ với các bạn trẻ. Anh chàng sinh năm 1992 này hiện đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Harvard theo học bổng toàn phần 5 năm. Với blog cá nhân của mình, Châu Thanh Vũ không chỉ mang đến những bài bình luận kinh tế sâu sắc mà còn truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên ngành Kinh tế. Năm 2015, Vũ là 1 trong 5 Đại sứ truyền cảm hứng của chương trình WeChoice Awards. 

Châu Thanh Vũ lớn lên ở Ninh Thuận, nơi ước mơ đầu tiên của anh là theo học cấp 3 tại Sài Gòn. Sau đó, khi học lớp 11 khoa Tin học tại trường phổ thông năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), Vũ đã xuất sắc giành được học bổng UWC và theo học tại Mỹ.

Châu Thanh Vũ - 9x đam mê Kinh tế học: Việc trường dạy như thế nào sẽ không tác động nhiều đến bạn như trước đây - Ảnh 1.

Từ đây, lần đầu tiên Vũ tiếp xúc với bộ môn Kinh tế. Thế rồi chàng trai trẻ đã quyết định theo đuổi niềm đam mê với bộ môn này. Vũ theo học Kinh tế tại Đại học Princeton. Sau 4 năm cử nhân, anh lại tiếp tục nhận học bổng toàn phần nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Harvard. 

Trí thức trẻ đã có cuộc trò chuyện với chàng trai thú vị này để hiểu hơn niềm đam mê của anh đối với Kinh tế học.

Vì sao Kinh tế học lại có sức cuốn hút với anh như vậy? 

Mình thích Kinh tế học vì bộ môn này có cả hai yếu tố: thứ nhất, bộ môn này sử dụng các phương pháp định lượng; thứ hai, những câu hỏi được nghiên cứu mang ý nghĩa xã hội và con người cao. Là cựu học sinh môn tin học nhưng lại thích nghiên cứu xã hội nên mình đã đến với bộ môn này.

Châu Thanh Vũ - 9x đam mê Kinh tế học: Việc trường dạy như thế nào sẽ không tác động nhiều đến bạn như trước đây - Ảnh 2.

Kinh tế học gắn liền với Toán học nên tính chặt chẽ rất cao. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng Kinh tế ngày càng nặng về với các mô hình tính toán mà mất đi vẻ đẹp của một bộ môn khoa học xã hội liên quan đến con người. Anh nhận định như thế nào về vấn đề này? 

Một trong những nhận định sai lầm của giới chỉ trích Kinh tế học đó là việc sử dụng các mô hình toán – tin học để nghiên cứu kinh tế sẽ đồng nghĩa với việc xa rời các yếu tố liên quan đến xã hội và con người. Tất nhiên sẽ có một số trường hợp nhà nghiên cứu quá lạc lối vào thế giới toán học, nhưng hầu hết các mô hình được trọng dụng trong giới hiện nay là cần thiết để hiểu xã hội và con người tốt hơn.

Để mình đưa ra một ví dụ rất cơ bản. Có hai luồng tư tưởng rất khác nhau trong bộ môn Kinh tế vĩ mô là trường phái Cổ điển và trường phái Keynes. Hai trường phái này có quan điểm khác biệt về sự trung tính của đồng tiền, lạm phát và vai trò của chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, tất cả sự khác biệt đều bắt nguồn bằng một giả định của Keynes về độ dính của giá cả và lương trong nền kinh tế. 

Trước đây, hai trường phái này là các luồng tư tưởng, đặt ra các biện chứng bằng lời nhưng chưa được kiểm chứng. Nhiệm vụ của nghiên cứu kinh tế hiện đại là cụ thể hóa các giả thuyết bằng lời này, sử dụng hàng triệu số liệu giá cả từ nhà sản xuất hay siêu thị để đo đạc độ dính kết của giá cả... Từ đó, mới có thể tìm ra chứng cứ thực sự cho một trong hai giả thuyết này chứ không còn là tranh cãi suông.

Châu Thanh Vũ - 9x đam mê Kinh tế học: Việc trường dạy như thế nào sẽ không tác động nhiều đến bạn như trước đây - Ảnh 3.

Nói cách khác, việc sử dụng mô hình toán học và dữ liệu mới để ước lượng là nhu cầu cần thiết của nghiên cứu, chứ không phải các mô hình đẹp được viết ra chỉ để chiêm ngưỡng. 

Ngoài ra, người ta thường nghĩ rằng các nhà kinh tế đặt ra quá nhiều giả định toán học để "làm đẹp mô hình". Trên thực tế, giới kinh tế rất cẩn trọng trong từng giả định được đặt ra (nếu không tin, hãy thử đến một seminar ở Harvard), và mỗi giả định được đặt ra đều cần thiết để giải quyết vấn đề. 

Để dễ hiểu hơn, hãy thử nghĩ về một tấm bản đồ. Bản đồ quá sơ sài sẽ không làm tốt nhiệm vụ dẫn đường; còn bản đồ mà chứa quá nhiều chi tiết thực tế (như độ dốc, chất lượng đường, số lượng cây…) sẽ cần phải to như đời thực! Các mô hình kinh tế cũng thế: chúng đẹp không phải theo nghĩa toán học, mà là để vừa nhỏ gọn, vừa mô phỏng được xã hội và con người một cách tốt nhất.

Châu Thanh Vũ - 9x đam mê Kinh tế học: Việc trường dạy như thế nào sẽ không tác động nhiều đến bạn như trước đây - Ảnh 4.

Theo anh, Kinh tế học có nên kết hợp với các ngành khoa học xã hội khác như Xã hội học, Tâm lý học… để trở nên "mềm mại" hơn? 

Tuỳ thuộc vào định nghĩa "mềm mại" là như thế nào. Nhưng gần đây, môn Kinh tế học đã bắt đầu tạo nhiều mối liên kết với các môn xã hội khác, đặc biệt là tâm lý học và khoa học thần kinh. Giải Nobel năm 2017 cũng đã được trao cho một nhà Kinh tế học hành vi (Richard Thaler), và các công trình của ông liên quan chặt chẽ đến việc hiểu rõ hành vi và tâm lý con người. 

Dự án nghiên cứu hiện tại của mình cũng nằm giữa Kinh tế vĩ mô truyền thống và tâm lý học, tìm hiểu xem cách người ta nghĩ, để ý, và dự đoán giá sẽ tác động đến nền kinh tế vĩ mô như thế nào. 

Mình dự đoán nhiều công trình nghiên cứu quan trọng trong tương lai sẽ là Kinh tế liên kết với một môn khoa học khác (vừa xã hội lẫn tự nhiên).

Châu Thanh Vũ - 9x đam mê Kinh tế học: Việc trường dạy như thế nào sẽ không tác động nhiều đến bạn như trước đây - Ảnh 5.

Anh dự định sẽ sử dụng kiến thức Kinh tế học của mình như thế nào để tạo ra ảnh hưởng tích cực cho xã hội? 

Mình đang nghiên cứu về Tài chính quốc tế và Kinh tế vĩ mô, nên các bài nghiên cứu cũng liên kết chặt chẽ đến chính sách hoặc cải thiện các mô hình được sử dụng. 

Năm 3 đại học, mình viết bài về thị trường lao động, xác định nhóm người nào sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi robot hoá nhất, và chính phủ nên có chính sách gì. Năm 4 đại học, mình viết về ảnh hưởng của các dòng vốn lên các thị trường mới nổi, nói lên tính quan trọng của việc phát triển thị trường nợ ở các nước phát triển.

Nghiên cứu hiện tại của mình, như đã nói, là cố gắng cải thiện mô hình Kinh tế vĩ mô được sử dụng ở các ngân hàng trung ương bằng cách thêm vào các yếu tố hành vi của con người. Nếu ngân hàng trung ương đưa ra các chính sách từ một mô hình sai, bỏ qua hành vi con người trong khi các hành vi này rất quan trọng, thì các chính sách này sẽ gây hại cho nền kinh tế.

Bằng cách này hay cách khác, mình muốn sử dụng nghiên cứu của bản thân để đưa ra góp ý về mặt chính sách.

Châu Thanh Vũ - 9x đam mê Kinh tế học: Việc trường dạy như thế nào sẽ không tác động nhiều đến bạn như trước đây - Ảnh 6.

Các bạn sinh viên học kinh tế ở Việt Nam hiện nay thường không được tiếp xúc đa dạng với các trường phái, các học thuyết khác nhau. Theo anh điều này có bất lợi gì? 

Khi đó, hiểu biết của các bạn về Kinh tế học sẽ rời rạc và thiếu tính hệ thống. Góc nhìn và quan điểm sẽ bị đóng khung trong một số lý thuyết nhất định. 

Mình chỉ muốn nói thêm là sau năm 2000, cơ hội tiếp cận tri thức đã vượt ngoài trường lớp và biên giới quốc gia, nên nếu bạn thực sự nghiêm túc về việc học kinh tế, việc trường dạy như thế nào sẽ không tác động nhiều đến bạn như trước đây. 

Cuối cùng, anh có lời khuyên gì cho các bạn sinh viên ngành Kinh tế? 

Hầu hết sinh viên ngành kinh tế sẽ không đi theo nghiên cứu Kinh tế học, và điều này hết sức bình thường. Thế nên lời khuyên chung của mình sẽ là hai điều. 

Thứ nhất, hãy nghĩ cho bản thân, hiểu rõ công việc tương lai của mình cần kiến thức ở mảng nào, hãy biết điều gì là quan trọng. 

Thứ hai, đừng tin 100% vào những gì mình được dạy hoặc đọc; ngược lại, hãy học hỏi từ nhiều nguồn nhất và tự quyết định cho bản thân ai nói đúng hay sai, và vì sao.

Lan Anh
7pm
Theo Trí Thức Trẻ19/02/2018

Lan Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên