MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chạy đua thu phí, ngân hàng tăng mạnh nguồn thu từ dịch vụ

19-12-2018 - 10:29 AM | Tài chính - ngân hàng

Thu nhập dịch vụ tăng lên chủ yếu là nhờ tăng trưởng cao của phí giao dịch, bảo lãnh, cùng với các dịch vụ giá trị gia tăng khác như bảo hiểm, môi giới, bán chéo, thẻ tín dụng và ngân hàng số,...

Ngân hàng ngày càng coi trọng thu phí dịch vụ

Theo lẽ thường, thu nhập lãi thuần, hay còn gọi là thu nhập từ hoạt động cho vay, luôn đóng vai trò là nguồn thu chính của các ngân hàng. Dù vậy, vài năm trở lại đây, trong bối cảnh các ngân hàng đang có xu hướng giảm dần sự phụ thuộc vào cho vay, thu nhập từ các hoạt động dịch vụ phi truyền thống đã trở thành một trong các yếu tố quyết định tốc độ tăng trưởng thu nhập hoạt động.

Điều này càng trở nên quan trọng hơn với các ngân hàng khi NHNN đang có xu hướng thắt chặt tiền tệ hơn kể từ nửa sau năm 2018.

Theo khảo sát của bộ phận phân tích Công ty Chứng khoán VDSC đối với báo cáo tài chính của các ngân hàng, thu nhập dịch vụ của các ngân hàng ngày càng tăng trưởng mạnh hơn, đóng góp nhiều hơn vào thu nhập hoạt động, nhất là khi ngành ngân hàng đang dịch chuyển sang hướng ngân hàng bán lẻ.

Thu nhập dịch vụ tăng lên chủ yếu là nhờ tăng trưởng cao của phí giao dịch, bảo lãnh, cùng với các dịch vụ giá trị gia tăng khác như: bảo hiểm, môi giới, bán chéo, thẻ tín dụng và ngân hàng số, thanh toán chứng khoán,...

Trong số các ngân hàng niêm yết hiện nay, ACB và MB là các ngân hàng có đóng góp từ thu nhập dịch vụ cao nhất. Ngược lại, mức đóng góp của thu nhập dịch vụ ở HDBank là thấp nhất mặc dù vậy ngân hàng này đang có đà tăng trưởng cao nhất về thu nhập dịch vụ trong 9 tháng đầu năm 2018.

Các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng thu nhập dịch vụ cao tiếp theo là MB và Vietinbank.

Trong khi đó, tỷ trọng đóng góp của thu nhập dịch vụ tại ACB, Vietcombank và BIDV đang có xu hướng giữ nguyên hoặc giảm nhẹ.

Chạy đua thu phí, ngân hàng tăng mạnh nguồn thu từ dịch vụ - Ảnh 1.

Một giao dịch chuyển tiền từ tài khoản Vietcombank sang tài khoản tại BIDV với mức phí giao dịch là 11.000 đồng.


HDBank và MB có tiềm năng tăng trưởng thu nhập dịch vụ cao hơn các ngân hàng khác nhờ thu nhập từ bảo hiểm.

Mặc dù thu nhập dịch vụ của HDBank chỉ đóng góp 1,9% vào thu nhập hoạt động trong 9 tháng đầu năm 2017, tỷ trọng này đã tăng lên 2,6% trong cả năm 2017 và 5,0% trong 9 tháng đầu năm 2018.

Điều này là nhờ tăng trưởng mạnh trong hoạt động môi giới bảo hiểm, vốn chiếm trên 60% thu nhập dịch vụ của HDBank.

Về phía MB, trong 9 tháng đầu năm 2018, việc đẩy mạnh hoạt động của công ty bảo hiểm nhân thọ của MB Ageas Life đã giúp MB tăng trưởng 22% thu nhập từ bảo hiểm so với cùng kỳ, từ đó đóng góp vào tăng trưởng vượt trội của thu nhập dịch vụ tăng 62,9% so với cùng kỳ.

Thay vì tìm kiếm đối tác hợp tác phân phối bảo hiểm độc quyền, MB cam kết lâu dài với liên doanh bảo hiểm nhân thọ của chính họ. Do đó, MB nhiều khả năng sẽ đạt mức tăng trưởng bền vững trong dài hạn, thay vì thu về những khoản thu nhập bất thường trong ngắn hạn.

VDSC cho rằng tăng trưởng thu nhập dịch vụ của MB sẽ đạt 80% trong năm 2018 và 50% trong năm 2019, nhờ tăng trưởng thu nhập từ kinh doanh bảo hiểm.

Trong khi đó, trong 9 tháng đầu năm 2018, thu nhập dịch vụ thuần của Vietinbank đã tăng 55% so với cùng kỳ và chiếm khoảng 7,5% tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng.

Ngân hàng lớn chuyển mình chậm hơn

Hệ thống ngân hàng lõi công nghệ cao của Vietinbank được vận hành vào tháng 2/2017 được kỳ vọng sẽ đủ mạnh và an toàn để phục vụ chiến lược ngân hàng bán lẻ của Vietinbank; nâng cao khả năng phát triển các sản phẩm dịch vụ dành cho khách hàng SME, cá nhân; và đưa ngân hàng này trở thành ngân hàng thanh toán của thị trường chứng khoán Việt Nam, vốn từng là sân chơi riêng của BIDV.

ACB, Vietcombank và BIDV, mặc dù có tốc độ tăng trưởng thu nhập dịch vụ thấp hơn, cũng đang có những kế hoạch riêng có thể thúc đẩy tỷ trọng đóng góp, bao gồm nâng cấp hệ thống và đầu tư và ngân hàng số.

Trong năm 2018, ACB đã tăng cường cung cấp dịch vụ trong nhiều hoạt động như giao dịch, thanh toán, đại lý bảo hiểm, bảo lãnh, môi giới chứng khoán và các dịch vụ khác. Do đó, phí từ hoạt động bảo hiểm và bảo lãnh sẽ có đóng góp đáng kể vào thu nhập dịch vụ của ngân hàng này từ năm 2018 trở đi.

Ngoài ra, ACB cũng đang đầu tư 30-35 triệu USD mỗi năm cho dự án “Ngân hàng tương lai” sẽ triển khai trong giai đoạn 2020-2024. Dự án này sử dụng công nghệ và dữ liệu lớn (big data) để củng cố các hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ, bao gồm việc triển khai lắp đặt mạng lưới máy nạp tiền tự động (CDM).

Chạy đua thu phí, ngân hàng tăng mạnh nguồn thu từ dịch vụ - Ảnh 2.

Trong quá trình tăng tốc cho mảng thu nhập dịch vụ, Vietcombank vấp phải nhiều phản ứng gay gắt từ khách hàng vì đồng loạt tăng phí các loại nhưng không hề báo trước.


Còn đối với Vietcombank, hoạt động dịch vụ cũng được thúc đẩy nhờ tăng cường bán chéo sản phẩm. Ngoài ra, Vietcombank sẽ chính thức triển khai hệ thống ngân hàng lõi mới từ năm 2019, với kỳ vọng phục vụ tốt hơn cho các khách hàng thuộc phân khúc bán lẻ.

Đối với BIDV, với mức tăng trưởng thu nhập dịch vụ ở mức rất thấp, ngân hàng cũng đang có kế hoạch nâng cấp hệ thống lõi từ cuối năm nay hoặc năm sau, dù sẽ chậm hơn một chút so với các ngân hàng khác.

Ttrong ngắn hạn, thu nhập dịch vụ sẽ còn tiềm năng tăng trưởng tốt chủ yếu nhờ hoạt động thanh toán và bảo hiểm, tuy mức tăng trưởng có thể khác nhau giữa các ngân hàng tùy vào lợi thế và chiến lược riêng của họ. Trong dài hạn, không tính các khoản thu nhập bất thường, tỷ trọng đóng góp của thu nhập dịch vụ trong thu nhập hoạt động ước tính tăng từ 8,6% năm 2018 lên 10% năm 2019 và 13,8% vào năm 2022.

Theo Ngân Giang

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên