MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chỉ 2/500 đơn vị được các doanh nghiệp FDI lựa chọn sau 3 lần tổ chức kết nối, liên kết chuỗi

Sản phẩm không đạt tiêu chuẩn vẫn là rào cản lớn giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước với doanh nghiệp FDI. Trong khi đó, các dự án liên kết của Nhà nước sẽ được ban hành sớm nhất vào năm 2019.

Chỉ 2 doanh nghiệp trong nước được doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lựa chọn sau 3 lần kết nối với dung lượng 500 doanh nghiệp. Đó là thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình kết nối nữa doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước với các doanh nghiệp FDI. Ví dụ trên cũng phản ánh thực trạng khó khăn trong liên kết chuỗi giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp lớn.

"Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa có con số chính xác về số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi giá trị. Theo các đánh giá sơ bộ, sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào chuỗi giá trị rất hạn chế, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Có hai nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng trên: Một là, năng lực nội tại của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn yếu; Hai là, chính sách của Nhà nước có nhưng chưa tới.

Thực tế, sản phẩm được nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo ra chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của doanh nghiệp lớn. Do đó, dù muốn liên kết để giảm chi phí, doanh nghiệp lớn vẫn phải nhập khẩu sản phẩm từ nước ngoài.

Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được thông qua từ tháng 6/2017 nhưng các dự án cụ thể vẫn đang trong quá trình xây dựng. Theo bà Bùi Thu Thủy, các dự án như thế sẽ do nhiều bộ ngành đưa ra nằm trong đề án lớn mà Chính phủ sẽ dồn các nguồn lực để ưu tiên. Việc xây dựng các dự án đang được tiến hành và năm 2019 là thời điểm sớm nhất có thể ban hành. Hiện tại, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được hưởng các ưu đãi về thuế, đất đai, tiếp cận thị trường…

Tuy nhiên, các lãnh đạo doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đang có sự hiểu lầm rất lớn về Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông Đặng Huy Đông cho rằng, ưu đãi về vốn sẽ chỉ dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa "xuất sắc nhất".

"Không phải hỗ trợ tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo kiểu vãi thóc. Cũng không có một quốc gia nào đủ tiền để đưa cho tất cả các doanh nghiệp. Chỉ hỗ trợ cho những người xuất sắc nhất, tồn tại được trên thị trường cạnh tranh sòng phẳng" - ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong giai đoạn xây dựng và ban hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chỉ 2/500 đơn vị được các doanh nghiệp FDI lựa chọn sau 3 lần tổ chức kết nối, liên kết chuỗi - Ảnh 1.

Ông Đặng Huy Đông: "Không phải hỗ trợ tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo kiểu vãi thóc"

Theo ông Đặng Huy Đông, sản phẩm của doanh nghiệp phải chứng minh được tính ưu việt so với những sản phẩm cùng loại trên thị trường. Một ban thẩm định gồm đại diện nhà khoa học, người sử dụng sản phẩm, nhà nước sẽ được thành lập để xem xét và chọn ra sản phẩm tốt nhất. Trên cơ sở bình chọn này, đầu ra của sản phẩm tốt nhất trên sẽ được bảo đảm vì có sự tham gia của người sử dụng sản phẩm trong ban thẩm định.

Nhà nước sẽ hỗ trợ thông qua thực nghiệm, nghiên cứu, để sản phẩm tiếp tục hoàn thiện và chứng minh được hiệu quả trên một quy mô lớn hơn. Công tác kiểm định, cấp chứng nhận,… cũng sẽ được hỗ trợ kinh phí. Việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng cũng sẽ dề dàng hơn khi sản phẩm đã chứng minh được tính ưu việt trên thị trường và được chính người sử dụng tin dùng.

Nhưng khi ban thẩm định chưa được thành lập, 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được tiếp cận vốn tín dụng trong năm 2017. Số liệu được Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia công bố cho thấy doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn là khách hàng tiềm ẩn rủi ro cao khiến các ngân hàng còn e ngại.

"Ngân hàng luôn rất thận trọng và đánh giá rằng doanh nghiệp vừa và nhỏ là phân khúc có độ rủi ro cao hơn so với doanh nghiệp lớn. Để phù hợp với tình hình hiện nay, ngân hàng buộc phải thay đổi cách tiếp cận. Cần phục vụ doanh nghiệp nhỏ và vừa như đối với khách hàng cá nhân. Việc thẩm định cũng cần thay đổi theo hướng không chỉ dựa trên yếu tố tài chính và tài sản bảo đảm, vì điểm yếu của họ là thiếu tài sản bảo đảm và báo cáo tài chính không minh bạch, rõ ràng" – bà Nguyễn Quỳnh Nga, Phó Giám đốc khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ngân hàng Phương Đông.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ khó có thể đáp ứng các tiêu chuẩn như đối với doanh nghiệp lớn. Có nhiều doanh nghiệp chỉ có 1-2 thành viên và không sở hữu tài sản giá trị lớn để thế chấp. Vì vậy, ngân hàng buộc phải áp dụng chuẩn "đục lỗ", chỉ yêu cầu doanh nghiệp thực sự hoạt động và phát sinh dòng tiền,… là có thể vay vốn. Đây là cách tiếp cận quản trị rủi ro ở danh mục thay vì quản trị rủi ro trên từng khoản vay. Ngoài ra, việc liên kết với quỹ bảo lãnh tín dụng tại địa phương, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở, cũng giúp chia sẻ rủi ro trong việc cho vay.

Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp đánh giá, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa bao giờ là công việc dễ dàng. Thậm chí, Chính phủ Nhật Bản cũng từng không thành công dù miễn tới 100% thuế nếu doanh nghiệp lớn bắt tay với doanh nghiệp và vừa cùng thực hiện một dự án. Nhưng bản thân mỗi doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn cần tự nâng cao năng lực trước khi đòi hỏi nhà nước hỗ trợ trong liên kết với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI.

Diệu Quấn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên