MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chỉ một loại biển số xe: Ý kiến trái chiều

24-12-2016 - 10:04 AM | Xã hội

Trong khi có ý kiến cho rằng việc xóa bỏ các loại biển xanh, biển đỏ để thể hiện mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật thì phía Bộ Công an đánh giá việc phân biệt cũng nhằm quản lý tốt hơn.

Tại hội nghị an toàn giao thông ngày 22-12 vừa qua, ông Trần Ngọc Sơn - Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Lào Cai, đề xuất xóa biển đỏ, biển xanh đối với xe công để thống nhất biển xe một màu trên toàn quốc. Ý kiến này đã gây ra nhiều tranh luận.

Phù hợp thực tiễn

Theo ông Trần Ngọc Sơn, quy biển số xe về một màu sẽ bảo đảm mọi công dân bình đẳng trước pháp luật. Ông Sơn kiến nghị chỉ cần đăng ký một màu biển xe, trong đó chia ra các loại xe khác nhau. Ví dụ như xe con một loại, xe tải một loại. Cách này ở Trung Quốc đã làm.


Lực lượng chức năng tại sân bay Tân Sơn Nhất nhắc nhở xe công dừng đỗ đúng nơi quy định. Ảnh Hoàng Triểu

Lực lượng chức năng tại sân bay Tân Sơn Nhất nhắc nhở xe công dừng đỗ đúng nơi quy định. Ảnh Hoàng Triểu

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, đánh giá đây là đề xuất phù hợp với thực tiễn. Theo ông Liên, trừ xe quân đội có đặc thù riêng thì biển số xe để 2 màu xanh, trắng như hiện nay là bất hợp lý và tạo sự không bình đẳng giữa những người tham gia giao thông. “Dù trong luật không có quy định ưu tiên xe biển xanh và xe biển trắng nhưng thực tế khi có vi phạm luật giao thông đường bộ, những người đi xe biển xanh thường được ưu tiên hoặc du di trong xử lý vi phạm. Đó là bất bình đẳng” - ông Liên nói.

Theo ông Đăng Kim Hùng, Chánh Văn phòng Ban ATGT TP HCM, quan điểm của Ban ATGT TP HCM là bất kể biển xe màu gì, khi vi phạm cũng phối hợp các đơn vị liên quan xử lý, không châm chước, né tránh. Điều quan trọng là các đơn vị quản lý xe công phải chấn chỉnh, giáo dục tài xế, không được cậy quyền, hống hách. Người lái xe cơ quan mà vi phạm giao thông sẽ tạo tiếng xấu cho đơn vị mình. Một đội trưởng thuộc Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an TP HCM cho rằng nếu chuyển sang biển trắng, việc nhận diện chỉ có thể thông qua còi hụ và đèn ưu tiên gắn lên xe. Từ đó, có thể phát sinh tình trạng tự ý mua còi, đèn rồi mạo danh khi lưu thông, làm rắc rối thêm.

Chưa giải quyết vấn đề ưu tiên công vụ

Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách tư pháp - Bộ Công an, cho rằng đánh đồng biển kiểm soát giữa xe công vụ và xe cá nhân sẽ khó quản lý. Việc này cần phải đánh giá rất cẩn thận bởi tác động nhiều mặt. Ông Quân khẳng định trong quy định pháp luật không ưu tiên xử lý xe biển xanh, biển đỏ. Việc không xử phạt là do người thực thi nhiệm vụ chưa nghiêm chứ không phải lỗi của “biển xanh”, “biển đỏ”. “Không phải xe biển xanh, biển đỏ được ưu tiên trên đường. Luật Giao thông đã quy định rõ xe công an, xe quân đội, xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe tang là đối tượng ưu tiên khi làm nhiệm vụ khẩn cấp” - ông Quân nêu.

Tuy nhiên, ông Quân nhận định nếu các xe đều đeo biển trắng thì việc giải quyết ưu tiên xe công vụ sẽ rất khó khăn. “Khi xe biển xanh đi lễ hội thì người dân còn phát hiện ra chứ biển trắng dân phát hiện sao được. Chưa kể yêu cầu bảo vệ, vào các trung tâm hội nghị quốc gia, hội nghị quốc tế không thể để xe biển trắng tự do ra vào được. Nếu thêm giấy tờ thì cũng thành phiền phức, tốn kém”.

Về trường hợp này, ông Bùi Danh Liên nói nên có các phù hiệu để gắn trên những chiếc xe được quyền ưu tiên theo luật định, giúp lực lượng thực thi công vụ có thể dễ dàng nhận biết.

Người dân làm sao giám sát?

Về vấn đề này, bạn đọc Báo Người Lao Động cũng có 2 luồng ý kiến. Bạn đọc Tuấn Tú viết: “Ý kiến hay, cái gì có lợi và bình đẳng cho mọi người thì nên làm ngay”. Trong khi đó, một số bạn đọc lại cho rằng không cần thiết. “Nếu xếp cùng một loại, nhưng người điều khiển xe lại “dọa” bằng cảnh phục, quân phục... thì liệu các vị kiểm soát giao thông có dám ách? Cái chính là ở người thi hành công vụ” - một bạn đọc đặt vấn đề. Nhiều bạn đọc lo ngại tình trạng lợi dụng xe công để làm việc riêng thì dư luận sao phân biệt được mà phản ánh. Bạn đọc Nguyễn Thái nhìn nhận: “Nếu người thực thi công vụ làm đúng, người lái xe làm đúng thì không việc gì phải thay đổi cả”. Bạn đọc Trần Anh cho rằng không phải tại các biển số mà tại cơ chế và cán bộ. Biển xanh, biển đỏ là để dân giám sát việc dùng xe công. Nếu không phát hiện việc sử dụng xe biển xanh sai quy định thì có khi Trịnh Xuân Thanh còn leo lên cao nữa.

Bạn đọc Hoàng Ly đúc kết: “Việc phân loại biển số như hiện nay cũng có cái hay, như nhờ nó mà phát hiện ra vụ Trịnh Xuân Thanh hay nhiều vụ khác. Cái gốc của vấn đề là biển số gì thì cũng phải tuân thủ đúng luật”.B.Việt (tổng hợp)

Theo Nguyễn Quyết - Văn Duẩn - Lê Phong

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên