MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chi phí nhân công Việt Nam đắt nhất Đông Nam Á và tương lai của "công xưởng thế giới"

Theo đánh giá của World Bank, Việt Nam không hẳn là nước có nhân công giá rẻ, ngược lại, chi phí nhân công của nền kinh tế hơn 90 triệu dân này cao hẳn so với nhiều nơi khác. Lợi thế cạnh tranh về giá công nhân dường như đã không còn.

Báo cáo "Việt Nam: Tăng Cường Năng lực Cạnh Tranh Và Liên Kết Của DNVVN" do World Bank thực hiện cho biết chi phí nhân công ở Việt Nam cao hơn hầu hết các nước trong khu vực.

Kết quả nghiên cứu của World Bank nhìn chung chỉ ra rằng năng suất ở Việt Nam không quá thấp so với các nước châu Á khác, và có thể so sánh được với các nước Đông Nam Á và Ấn Độ. Năng suất lao động của các doanh nghiệp Việt khá cao có lẽ một phần là do mức độ thâm dụng vốn lớn và ngày càng tăng.

Tuy nhiên, chi phí lao động của Việt Nam cao hơn một số nước trong khu vực mà theo World Bank đánh giá là "có lẽ chi phí này đã phản ánh đúng năng suất của mỗi nước" nên đây có thể không phải là một hạn chế lớn đối với năng lực cạnh tranh.

Cụ thể, đối với năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP), theo nghiên cứu, TFP Việt Nam có vẻ cao hơn hầu hết các đối thủ cạnh tranh trong khu vực và các nước BRIC (các nền kinh tế lớn mới nổi).

Năng suất lao động của Việt Nam khá cao. Doanh nghiệp trung vị tạo ra khoảng 10.500 USD giá trị gia tăng trên mỗi công nhân. Mức này tương đương với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, cao hơn Ấn Độ nhưng thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế BRIC.

Ước lượng phân bố năng suất lao động chỉ ra mật độ tập trung lớn nhất tại mức 8.000 USD và chỉ có một số ít doanh nghiệp tạo ra được hơn 60.000 USD giá trị gia tăng trên mỗi công nhân.

Tuy nhiên, World Bank cho biết năng suất lao động của Viêt Nam chỉ cao hơn Campuchia ở nhóm các doanh nghiệp có năng suất thấp nhưng lại thấp hơn ở hầu hết các nhóm doanh nghiệp còn lại.

"Điều này cho thấy sự yếu kém của các doanh nghiệp trong nhóm dẫn đầu của Việt Nam", báo cáo World Bank nhận định.

Mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam dường như thâm dụng vốn nhiều hơn so với các nước Đông Nam Á khác và ngang bằng với các nền kinh tế BRIC. Các doanh nghiệp trung vị của Việt Nam có mức thâm dụng vốn khoảng 7.300 USD/công nhân.

Chi phí nhân công Việt Nam đắt nhất Đông Nam Á và tương lai của công xưởng thế giới  - Ảnh 1.

Đây được cho là lý do giải thích phần nào năng suất lao động ở Việt Nam cao hơn các nước láng giềng, bởi vì phương pháp đo lường năng suất lao động sẽ cho kết quả cao hơn khi các doanh nghiệp dùng vốn để thay thế cho lao động.

Mặc dù có mức độ thâm dụng vốn tương đương các doanh nghiệp ở BRIC, nhưng doanh nghiệp trung vị của Việt Nam lại có năng suất thấp hơn, cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng vốn không hiệu quả.

Bên cạnh đó, chi phí nhân công tại Việt Nam cao hơn hầu hết các nước trong khu vực. Tiền công và tiền lương của doanh nghiệp trung vị tại đây vào khoảng 2.739 USD/lao động. Mức này cao gấp hai lần các nước Lào, Myanmar, Malaysia, và hơn từ 30 – 45% so với Campuchia, Thái Lan, Philippines. Tuy nhiên, tiền công thấp hơn tương đối so với các nền kinh tế BRCI (nến kinh tế lớn mới nổi) trừ Ấn Độ.

Chi phí nhân công Việt Nam đắt nhất Đông Nam Á và tương lai của công xưởng thế giới  - Ảnh 2.

Như vậy, Việt Nam đang dần mất đi một yếu tố cạnh tranh quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng World Bank cho biết nhiều doanh nghiệp đã thẳng thắn trao đổi chọn Việt Nam làm điểm đầu tư bên cạnh môi trường kinh doanh ổn định, điều kiện thương mại tốt còn bởi chi phí lao động rẻ.

"Nhân công giá rẻ, như vậy, tính đến nay vẫn là một trong những yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại", ông nói bởi nguồn vốn FDI hiện vẫn đang phân bổ tới những ngành nghề sử dụng nhiều lao động có kỹ năng thấp, thuộc khâu lắp ráp cuối cùng.

Một kết quả khảo sát hồi đầu năm của JETRO cũng cho thấy chi phí nhân công cao đang trở thành rủi ro đứng đầu khi thu hút đầu tư doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam với tỷ lệ phản hồi của 60% doanh nghiệp. Tỷ lệ này cao hơn 10% - 20% so với rủi ro đến từ "hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện" và "thủ tục hành chính phức tạp".

Những vấn đề này đang đặt ra thách thức lớn trước mục tiêu trở thành công xưởng mới cho thế giới của Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng được xem là cơ hội mới, buộc Việt Nam phải thay đổi, đặc biệt khi chính bản thân nền kinh tế đang muốn định hướng lại dòng vốn ngoại.

Ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ KHĐT cho biết mục tiêu chiến lược và định hướng FDI thế hệ mới giai đoạn 2018 – 2030 là từng bước chuyển dần từ thu hút bằng lợi thế nhân công giá rẻ sang cạnh tranh bằng nguồn lực chất lượng cao.

Ông Conlin Blackwell, thuộc nhóm nhân sự của VBF cho biết để thay đổi định kiến của nhà đầu tư ngoại, Việt Nam cần cải thiện chất lượng năng suất lao động thông qua việc đa dạng hóa hình thức đào tạo, tăng cường các sàn giao dịch việc làm để tạo sự kết nối giữa cung và cầu. Bên cạnh đó, ông cũng nhắc đến việc liên kết các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp cũng như chú trọng phát triển công nghệ, khoa học kỹ thuật.

N.Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên