MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chỉ số Tự do kinh tế của Việt Nam tăng 0,7 điểm nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình khu vực

Chỉ số tự do kinh tế của Việt Nam xếp thứ 35 trong số 43 quốc gia ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Điểm tự do kinh tế của Việt Nam thấp hơn mức trung bình của khu vực và thế giới.

Báo cáo "Chỉ số tự do kinh tế" của Quỹ Heritage công bố ngày 02/02 cho biết Việt Nam xếp hạng 141/180 quốc gia với 53,1 điểm. Điểm số này đã tăng 0,7 điểm so với năm trước nhờ cải thiện tình hình tài khóa, chính phủ liêm chính và gia tăng hiệu quả của bộ máy pháp luật. Tuy nhiên, các chỉ số về tự do thương mại, quyền sở hữu tài sản và tự do lao động vẫn ở mức thấp.

Việt Nam xếp hạng thứ 35 ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Điểm tự do kinh tế của Việt Nam thấp hơn mức trung bình của khu vực và thế giới.

Theo báo cáo, để tiếp tục đạt được mức tăng trưởng cao, Chính phủ cần tiếp tục tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, tăng tính minh bạch của môi trường kinh doanh và hệ thống tài chính, giảm nợ xấu ngân hàng, tự do hóa thương mại và cải thiện các quyền tư hữu tài sản. Báo cáo cho rằng tăng cường sức mạnh thể chế sẽ giúp Việt Nam cải thiện mức độ tự do kinh tế.

Nhìn chung, năm 2017, mức độ tự do kinh tế tiếp tục tăng đạt mức 61,1 điểm – mức cao nhất trong lịch sử xếp hạng. Hơn 100 quốc gia có chỉ số năm 2017 cao hơn so với năm trước đó. Mức độ tự do kinh tế gia tăng giúp GDP tiếp tục tăng trưởng, tình trạng đói nghèo được cải thiện và tác động tích cực đến sự phát triển của mỗi cá nhân trong xã hội.

Chỉ số Tự do kinh tế của Việt Nam tăng 0,7 điểm nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình khu vực - Ảnh 1.

Sự tương quan giữa mức độ tự do kinh tế, GDP và tỷ lệ đói nghèo trên thế giới. Tự do kinh tế (biểu đổ bên trái) và GDP (biểu đồ ở giữa) biến đổi cùng chiều, trong khi đó tỷ lệ dân số đói nghèo (biểu đồ bên phải) có xu hướng ngược lại. (Nguồn: heritage.org)

6 nền kinh tế dẫn đầu trong bảng xếp hạng lần lượt là Hong Kong, Singapore, New Zealand, Switzerland, Australia và Ireland. Đặc biệt, Hong Kong và Singapore lần lượt chiếm giữ hai vị trí cao nhất trong suốt 24 năm qua.

Chỉ số tự do kinh tế của Hong Kong là 90,2; tăng 0,4 điểm so với năm 2016. Mức độ tự do cao có được nhờ vào chính phủ liêm chính, tự do kinh doanh và tự do tiền tệ, tuy vậy chỉ số về quyền tư hữu có giảm.

Theo báo cáo, 6 nền kinh tế kể trên được xếp hạng "tự do" (từ 80 điểm trở lên). Ngoài ra, 90 nền kinh tế thuộc hạng "cơ bản tự do" (70 - 79,9 điểm) hoặc hạng "tự do vừa phải" (60 - 69,9 điểm).

Thu nhập bình quân đầu người ở các nền kinh tế "tự do" và "cơ bản tự do" cao gấp hai lần so với bình quân ở các nước khác và cao gấp 5 lần so với thu nhập bình quân ở các nền kinh tế "bị áp chế".

10 nền kinh tế đứng cuối bảng xếp hạng là CHDCND Triều Tiên, Venezuela, Cuba, Congo, Eritrea, Guinea Xích đạo, Zimbabwe, Bolivia, Algeria và Djibouti.

Báo cáo của Quỹ Heritage nhận xét: "Những kết quả tích cực nhất mà xã hội có được không đến từ việc tái phân phối của cải hay sự can thiệp của Chính phủ". "Thay vào đó, sự dịch chuyển và tiến bộ xã hội đòi hỏi giảm bớt các rào cản về gia nhập thị trường, tự do hội nhập với thế giới và hạn chế sự can thiệp của Chính phủ", báo cáo cho biết.

Chỉ số tự do kinh tế được tính toán dựa trên 12 yếu tố định tính và định lượng thuộc bốn nhóm: Nền pháp trị (Rule of Law), Quy mô của Chính phủ (Government size), Hiệu quả điều tiết kinh tế (Regulatory Efficiency) và Thị trường tự do (Open markets).

Tự do kinh tế được định nghĩa là một quyền cơ bản của mỗi người. Theo đó, mọi người đều có thể kiểm soát sức lao động và tài sản của mình. Trong một xã hội tự do kinh tế, các cá nhân tự do làm việc, sản xuất, tiêu dùng và đầu tư theo cách họ muốn. Chính phủ cho phép lao động, vốn và hàng hóa tự do lưu thông, và hạn chế việc chèn ép hay giới hạn tự do kinh tế ngoại trừ những giới hạn tối thiểu cần thiết để họ bảo vệ và duy trì sự tự do đó.

Lan Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên