MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chỉ tiêu kinh doanh của ngân hàng 2019: Nhìn từ kỳ vọng và thực tiễn

22-02-2019 - 15:34 PM | Tài chính - ngân hàng

Sự thận trọng của các nhà băng là hoàn toàn có cơ sở khi mà môi trường kinh doanh năm 2019 được dự báo sẽ có nhiều rủi ro và biến động hơn so với năm 2018...

Thận trọng

Kết quả điều tra của Vụ Dự báo thống kê (NHNN) cho thấy, năm 2019, khoảng 88% TCTD kỳ vọng, tình hình kinh doanh tiếp tục cải thiện so với năm 2018, trong đó khoảng 35% TCTD dự báo tình hình kinh doanh sẽ cải thiện nhiều. Tuy nhiên, nhìn vào mức tăng trưởng với chỉ tiêu lợi nhuận năm 2019 được nhiều nhà băng đặt ra, có thể thấy họ đã nhận thức rõ về sức ép cũng như những biến động khó lường của năm 2019.

Đơn cử như Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2019, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết, ngân hàng này chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế khoảng 12% (tương đương đạt trên 20.000 tỷ đồng) cho dù năm 2018 lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt trên 18.000 tỷ đồng, tăng trên 60% so với năm 2017. Tăng trưởng tín dụng cũng được Vietcombank dự kiến ở mức 15%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 16,4% của năm 2018.

Còn với BIDV, ông Phan Đức Tú - Chủ tịch HĐQT thông tin, BIDV đề ra mục tiêu tín dụng và huy động vốn năm 2019 tăng trưởng 14%, thu dịch vụ ròng đạt trên 6.300 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ đạt 10.000 tỷ đồng; lợi nhuận hợp nhất dự kiến 10.500 tỷ đồng - chỉ cao hơn năm 2018 khoảng hơn 875 tỷ đồng...

Ở khối NHTMCP tư nhân, nhiều ngân hàng cũng có sự thận trọng nhất định. Chẳng hạn, HDBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế dự kiến 5.077 tỷ đồng, tăng trưởng 26,8% - thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 65,7% năm 2018. Hay MB cũng chỉ đưa ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng 20% - thấp hơn mức tăng trưởng 31% năm 2018...

Trao đổi với một chuyên gia kinh tế, vị này cho rằng sự thận trọng của các nhà băng là hoàn toàn có cơ sở khi mà môi trường kinh doanh năm 2019 được dự báo sẽ có nhiều rủi ro và biến động hơn so với năm 2018. Theo đó, năm 2019 Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực. Mặc dù không phủ nhận sẽ có nhiều cơ hội mở ra, song CPTPP cũng mang tới nhiều thách thức đối với nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt nó đòi hỏi tính cạnh tranh cao hơn. Đi cùng với đó là yêu cầu đặt ra đối với nền kinh tế Việt Nam cần phải theo kịp những quy định của CPTPP.

Chưa hết, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn tiềm ẩn nguy cơ leo thang; kinh tế toàn cầu giảm tốc, các đồng tiền mạnh trên thế giới, đặc biệt là USD và nhân dân tệ biến động bất thường cũng sẽ tạo nhiều sức ép đến thị trường tiền tệ, tỷ giá trong nước.

Tăng vốn là ưu tiên hàng đầu

Không chỉ vậy, các ngân hàng cũng phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức nội tại trong năm nay. Theo chuyên gia, có hai vấn đề lớn mà các ngân hàng phải đối diện. Thứ nhất là nợ xấu, dù tỷ lệ nợ xấu trên sổ sách của ngân hàng giảm xuống khá sâu, nhưng nợ xấu tuyệt đối vẫn cao và nợ xấu tiềm ẩn vẫn còn khá lớn. Đó chắc chắn sẽ là một thách thức không nhỏ với các nhà băng, bởi nợ xấu cũng là nguyên do “bào mòn” lợi nhuận do chi phí dự phòng rủi ro tăng lên.

Theo TS-LS. Bùi Quang Tín, nợ xấu sẽ ngày càng đáng lo hơn nếu đặt trong bối cảnh phải tuân thủ chuẩn mực của Basel II. Trong bối cảnh phải tuân thủ quy định của Basel II, khi thời gian không còn nhiều, thì nợ xấu càng phải nhanh chóng giải quyết. Nếu không, tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng sẽ xuống rất thấp.

Thứ hai, năm nay là năm các ngân hàng phải thật sự khẩn trương mới có thể đáp ứng được hai văn bản quan trọng do NHNN ban hành để hướng dẫn cụ thể việc triển khai Basel II là Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (hiệu lực từ 1/1/2020) và Thông tư 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Hiện mới chỉ có Vietcombank, VIB, OCB được NHNN trao quyết định thực hiện chuẩn mực an toàn vốn Basel II. Trong khi còn nhiều ngân hàng đang phải rốt ráo xây dựng nền tảng, cơ sở thực hiện hai thông tư quan trọng này.

Mặc dù tính toán theo các quy định hiện tại, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của toàn hệ thống vẫn trên 12%. Nhưng nếu áp dụng theo Thông tư 41, hệ số này sẽ bị giảm xuống khá nhiều, có thể dưới 8%, bởi bên cạnh rủi ro tín dụng, các ngân hàng còn phải tính toán thêm về rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động.

Theo các chuyên gia, tăng vốn đang là vấn đề cấp bách để các nhà băng đáp ứng chuẩn Basel II. Còn nếu không tăng được vốn, thì các nhà băng cũng không thể dám đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, thậm chí có nhà băng còn phải thu hẹp bớt quy mô tài sản như trường hợp của VietinBank hồi quý IV/2018. Tín dụng không tăng thì lợi nhuận cao sao được.

Theo tính toán của Moody’s, nếu muốn duy trì tỷ lệ tăng trưởng cho vay, các ngân hàng Việt Nam sẽ cần thêm 7 tỷ USD để đạt được tỷ lệ vốn cấp 1 là 11% vào năm 2018 và 2019. Nếu không tăng vốn bên ngoài được, Moody’s ước tính tỷ lệ vốn cấp 1 của các ngân hàng thuộc khu vực tư nhân được xếp hạng sẽ giảm xuống còn 8% vào cuối năm 2019 thay vì mức 9,4% vào cuối năm 2017. Trong khi các ngân hàng có vốn nhà nước được xếp hạng giảm xuống chỉ còn 6,1% thay vì 6,9%. Như vậy, tăng vốn sẽ là thách thức rất lớn.

Không chỉ tăng vốn mà để đáp ứng chuẩn Basel II còn đòi hỏi các ngân hàng phải đầu tư lớn vào hạ tầng cơ sở, CNTT, con người, phải tái cơ cấu lại cơ chế của mình, hệ thống quản trị rủi ro... Tất cả những điều đó sẽ tiêu tốn một nguồn lực không nhỏ. “Nhiều ngân hàng còn lúng túng trong xây dựng một hệ thống quản lý rủi ro theo hai thông tư này. Việc đó tạo ra chi phí, phải sử dụng nhiều nguồn nhân lực, tài lực để thực hiện”, chuyên gia chia sẻ.

Theo Khuê Nguyễn

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên