MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chi trả cổ tức: Kẻ cười, người khóc

Thời điểm các DN chuẩn bị đại hội cổ đông, thông tin về việc trả cổ tức cho năm tài chính vừa kết thúc luôn được các nhà đầu tư mong chờ và săn đón với mong muốn có thể đón đầu xu hướng, tìm kiếm lợi nhuận.

Tuy nhiên, trong khi nhiều nhà đầu tư hân hoan nhận những khoản cổ tức bằng “tiền tươi” từ DN thì không ít người lại ngậm ngùi ôm cổ phiếu hoặc thậm chí là không được gì từ chính DN mình đã bỏ vốn đầu tư.

Một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trên sàn chứng khoán là Công ty CP Sữa Việt Nam (VNM) luôn làm cho các cổ đông “mát lòng mát dạ” với tỷ lệ trả cổ tức cao. Trong năm 2016, công ty này đã chi trên 7.200 tỷ đồng trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ lên đến 60% cho các cổ đông, trong đó 20% trả cho đợt 2/2015 và 40% cho đợt 1/2016. Ngoài ra, Vinamilk còn chia thưởng 20% bằng cổ phiếu do thực hiện tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu. Số cổ phiếu VNM phát hành chia thưởng lên đến 242 triệu cổ phiếu. Giá trị phát hành theo mệnh giá là 2.420 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu tính theo giá trị trên thị trường hiện là khoảng 130.000 đồng/cổ phiếu thì số cổ phiếu thưởng này có giá trị lên đến trên 31.400 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh năm 2016 của VNM cũng rất ấn tượng với 46.794 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 17% so với năm 2015; lợi nhuận sau thuế đạt 9.364 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2015. Do đó, dự báo mức chi trả cổ tức năm 2016 của VNM sẽ tiếp tục ở mức “khủng”.

Cổ phiếu bèo, cổ tức khủng

Cũng không kém phần ấn tượng chính là những mã penny nhưng lại có tỷ lệ chia cổ tức cao hơn thị giá. Điển hình như Công ty CP Muối Khánh Hòa (KSC) có mức giá hiện chỉ 400 đồng/cổ phiếu nhưng năm 2016 công ty đã trả cổ tức với tỷ lệ tới 12%, tương đương 1.200 đồng/cổ phần. Tương tự, tỷ lệ trả cổ tức của Công ty CP MEINFA (MEF) cũng lên đến 40%, tương đương 4.000 đồng/cổ phiếu, trong khi thị giá hiện chỉ là 900 đồng/cổ phiếu. Mới đây, Công ty Bao bì Vinh (VBC) cũng đã chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 70% bằng tiền mặt. Trước đó, tỷ lệ cổ tức năm 2015 của VBC cũng ở mức 50% bằng tiền mặt. Công ty CP sản xuất và kinh doanh kim khí (KKC) cũng vừa công bố nghị quyết HĐQT về kế hoạch chi trả cổ tức năm 2016 với tỷ lệ 50% bằng tiền mặt. Tỷ lệ cổ tức cao này đến từ kết quả kinh doanh khả quan của KKC trong năm 2016 với lợi nhuận sau thuế đạt trên 38 tỷ đồng, tương ứng EPS cả năm đạt hơn 8.000 đồng. Hiện tại, giá giao dịch của KKC chỉ ở mức 16.400 đồng/cổ phiếu.

Mới đây, Công ty CP Tư vấn đầu tư và xây dựng giao thông vận tải (TVG) cũng đã công bố trả cổ tức với tỷ lệ 10%. Điều đáng chú ý là thị giá của TVG hiện chỉ 500 đồng/đơn vị. Như vậy, mức chi trả cổ tức 1.000 đồng/cổ phiếu đã gấp đôi so với thị giá. Tương tự, Công ty CP May xuất khẩu Phan Thiết cũng có thị giá chỉ 700 đồng/đơn vị, nhưng tỷ lệ trả cổ tức thường xuyên duy trì ở mức 10%. Tuy nhiên, cổ phiếu của những công ty này lại rất ít giao dịch khớp lệnh do các cổ đông chỉ muốn giữ số cổ phiếu này để hưởng cổ tức hàng năm thay vì chạy theo những con sóng đầy rủi ro trên thị trường. Cũng vì vậy nên giá của những cổ phiếu này luôn ở mức ổn định trong nhiều năm qua.

Đáng chú ý, một trong những ngôi sao sáng về tỷ lệ chia cổ tức "khủng" năm nay chính là Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (MAS) với 80% bằng tiền mặt. Trước đó, trong năm 2015, MAS cũng đã trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ lên tới 120%. Với vốn điều lệ chỉ hơn 30 tỷ đồng, nhưng MAS luôn đạt hiệu quả cao trong kinh doanh. Trong năm 2016, MAS đạt 296 tỷ đồng doanh thu, tăng 30% so với năm 2015; lợi nhuận sau thuế đạt gần 45 tỷ đồng, tăng 19%. Nhờ đó, EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) năm 2016 lên gần 14.500 đồng/cổ phiếu. Hiện cổ phiếu MAS đang giao dịch với giá 106.000 đồng/cổ phiếu, P/E (hệ số giá trên thu nhập) ở mức 9,8 lần, được đánh giá là thấp hơn trung bình ngành và trung bình thị trường, khá “rẻ” đối với DN làm ăn hiệu quả, trả cổ tức cao.

Trây ỳ cổ tức

Trong khi đó, do kết quả kinh doanh kém khả quan hoặc thua lỗ, nhiều DN đã “nói không với cổ tức”, thậm chí tình trạng này còn kéo dài trong nhiều năm liền tại không ít DN.

Điển hình như Công ty CP Lilama 45.4 (L44) mới đây đã thông báo lùi ngày chi trả cổ tức của năm 2012 và 2013 bằng tiền mặt từ ngày 29/12/2016 qua tới tận 29/12/2017. Lý giải về điều này, lãnh đạo cho biết công ty đang gặp khó khăn về tài chính, các công ty đang thực hiện nghiệm thu, thanh quyết toán thu khối lượng hoàn thành mất nhiều thời gian vì tiến độ dự án kéo dài, thu hồi vốn chậm, nợ tồn đọng với số tiền lớn. Do đó, công ty chưa thu xếp được nguồn tiền để thanh toán cổ tức cho cổ đông. Hiện mỗi cổ phiếu L44 đang có giá 1.900 đồng. Tương tự, Công ty CP Sông Đà 9.06 (S96) cũng vừa thông báo thay đổi ngày thanh toán cổ tức năm 2010 bằng tiền mặt thêm 1 năm kể từ ngày 31/12/2016. Đây là lần hoãn thứ 4 của S96 cho cổ tức năm 2016 và với cùng lý do là chưa thu xếp được nguồn tiền. Hiện thị giá của S96 là 700 đồng/đơn vị.

Nhiều công ty khác lại chọn cách trả cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu. Cụ thể, trong 2 năm qua, Công ty Nhựa Rạng Đông (RDP) đều dùng cổ phiểu để trả cổ tức cho cổ đông. Tương tự là các công ty: Công ty CP thương mại và Dịch vụ Tiến Thành (TTH), Công ty CP Dược phẩm Bến Tre (DBT) hay nhiều ngân hàng TMCP khác. Giới quan sát nhận định việc trả cổ tức bằng cổ phiếu đang dần trở nên phổ biến trong một vài năm gần đây, thậm chí là có dấu hiệu lạm dụng tại một số DN. Theo phân tích của các chuyên gia vào ngày giao dịch không hưởng quyền để trả cổ tức bằng cổ phiếu, thị trường sẽ điều chỉnh giảm một khoản tương ứng với tỷ lệ trả cổ tức bằng cổ phiếu. Do đó, dù số cổ phiếu sở hữu của nhà đầu tư có tăng lên nhưng tổng giá trị tài sản trước và sau sự kiện lại không thay đổi. Trong khi giá cổ phiếu thì không biết khi nào mới tăng trở lại, còn việc bán ra thì không hề đơn giản.

Theo Khải Kỳ

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên