MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chỉ trong 3 năm, giá trị xuất khẩu tỉnh này tăng 80 lần, gần bằng Bắc Ninh và trở thành hiện tượng

Trước năm 2014, Thái Nguyên là một tỉnh có các chỉ số kinh tế - xã hội ở mức trung bình và chỉ nổi tiếng với "chè Thái". Giá trị xuất khẩu năm 2013 là 246 triệu USD và chưa từng lọt vào nhóm “xuất khẩu tỷ USD”. Khi ấy, giá trị mà Thái Nguyên đóng góp vào kim ngạnh xuất khẩu Việt Nam là 0,19%, bằng 1/100 những gì mà Bình Dương xuất khẩu.

Và con số 1/100 ấy đã được san lấp hoàn toàn chỉ sau 3 năm. Năm 2016, Thái Nguyên với giá trị xuất khẩu đạt mức 19,637 tỷ USD, đã chính thức vượt qua Bình Dương để lọt top 3 địa phương đóng góp nhiều nhất cho kim ngạnh xuất khẩu cả nước.

Đứng trên Thái Nguyên trong danh sách này là Bắc Ninh (22,146 tỷ USD) và TP. Hồ Chí Minh (31,681 tỷ USD). Như vậy từ năm 2013 – 2016, giá trị xuất khẩu của Thái Nguyên đã tăng gấp 80 lần, đóng góp 11,12% vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.

Từ khóa “FDI” + “Công nghiệp điện tử”

Sự kiện đánh dấu bước tăng trưởng đột phá của Thái Nguyên là khi Samsung chính thức đầu tư 5 tỷ USD vào tỉnh này để xây dựng tổ hợp công nghệ mới (SEVT).

Tháng 3/2014, nhà máy đi vào vận hành. Và cũng chỉ sau 20 ngày đi vào hoạt động, SEVT cũng đã xuất khẩu được khoảng 90 triệu USD. SEVT - Dự án đầu tư được coi là quá thần tốc của Samsung và bởi vì thời gian được cấp chứng nhận đầu tư và bắt đầu đi vào thi công, tuyển công nhân cũng chỉ trong vòng một tháng. Quá trình thần tốc này dĩ nhiên có đóng góp không nhỏ của UBND tỉnh Thái Nguyên.

Phải chăng cũng giống như Bắc Ninh, Samsung đi tới đâu ngôi vương sản xuất công nghiệp và giá trị xuất khẩu thuộc về tỉnh đó?

Về cơ cấu đóng góp thực tế thì rõ ràng là vậy. Nhưng thực tế thì Samsung chỉ là biểu hiện bề ngoài của công thức tăng trưởng giá trị xuất khẩu. Tất cả 6 tỉnh/thành thuộc “câu lạc bộ trên 10 tỷ USD” đóng góp cho xuất khẩu cả nước đều là những địa phương thuộc “top” thu hút FDI nhiều nhất (năm 2016, TP. Hồ Chí Minh vẫn giữ vị trí số 1 trong danh sách này). Và các doanh nghiệp FDI hiện đang chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (2016).

Trong trường hợp của Thái Nguyên, nếu như cuối năm 2012, địa phương này đứng ở vị trí 44/63 tỉnh, thành phố thu hút FDI trong cả nước, thì đến nay tỉnh đã vươn lên tốp đầu cả nước. Tính riêng trong giai đoạn 2011-2016, Thái Nguyên có hàng trăm dự án đầu tư, trong đó có hơn 60 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là trên 7 tỷ USD, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố.

Rõ ràng FDI luôn tạo lợi thế rất lớn cho các địa phương tiếp nhận. Nhưng đó chỉ là một nửa cho công thức tăng trưởng. Bởi không phải dự án FDI nào cũng tạo ra giá trị xuất khẩu cao.

Trong cơ cấu xuất khẩu Việt Nam, nhóm hàng điện thoại, máy tính, linh kiện điện tử luôn chiếm tỷ trọng rất lớn (42% năm 2016). Trong nền kinh tế, công nghiệp điện tử cũng là ngành tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất. Bất kỳ quốc gia lớn nào cũng có ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao phát triển rất mạnh. Vì vậy, từ khóa tiếp theo chính là công nghiệp điện tử.

Thu hút FDI trong lĩnh vực điện tử là chìa khóa đưa Bắc Ninh, Thái Nguyên có được tăng trưởng vượt bậc như hôm nay. Samsung cũng là ví dụ cụ thể nhất đại diện cho công thức này. Tuy nhiên, giá trị thực sự của việc lọt “top” phải là tạo được giá trị lan tỏa của các tập đoàn như Samsung tới doanh nghiệp trong nước. Tạo sức mạnh tự thân mới là con đường phát triển dài hạn.

Linh Bùi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên