MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chiến lược chuyển dịch cơ cấu thu nhập của VPBank có gì đáng chú ý?

28-02-2021 - 14:12 PM | Tài chính - ngân hàng

Chiến lược chuyển dịch cơ cấu thu nhập của VPBank có gì đáng chú ý?

Thu nhập ngoài lãi đang dần chiếm tỷ trọng cao hơn trong cơ cấu doanh thu của VPBank nhờ việc mở rộng nguồn thu từ phí bảo hiểm, phí giao dịch và hoạt động đầu tư.

Trên thị trường hiện nay, song song với việc tăng trưởng lãi từ hoạt động cho vay, các ngân hàng đang có xu hướng đẩy mạnh nguồn thu ngoài lãi thuần nhằm tăng sự bền vững hơn cho cơ cấu thu nhập. Theo nhận định của chuyên gia phân tích chứng khoán, tăng thu từ các hoạt động ngoài lãi sẽ giảm bớt áp lực tăng trưởng tín dụng của các nhà băng, nhất là trong bối cảnh rủi ro nợ xấu đang rất lớn vì dịch bệnh. Đồng thời, cơ cấu thu nhập cũng bền vững hơn, bớt phụ thuộc vào chu kỳ tín dụng.

VPBank là một trong những ngân hàng có chuyển dịch rất mạnh trong xu hướng trên. Năm 2020, thu nhập ngoài lãi hợp nhất của ngân hàng tăng gần 17,6%, đạt 6.682 tỷ đồng, nâng tỷ trọng từ 15,6% lên hơn 17%. Nguồn thu này đóng góp đáng kể vào con số tăng trưởng 26% của lãi trước thuế gần 13.020 tỷ đồng. Riêng thu nhập phí tăng 20% lên 3.356 tỷ đồng, chiếm 50% cơ cấu thu nhập ngoài lãi. Các khoản thu nhập từ tài sản tài chính và xử lý nợ xấu cũng cao hơn, lần lượt đạt 25% và 14% so với năm 2019.

Chia sẻ tại buổi gặp mặt nhà đầu tư hồi đầu tháng này, bà Lê Hoàng Khánh An, Giám đốc Tài chính VPBank cho biết, tăng trưởng thu nhập ngoài lãi là chiến lược mà ngân hàng theo đuổi từ nhiều năm trước. Tỷ trọng nguồn thu này hiện nay cao hơn nhiều so với mức chỉ 10% vào thời điểm 2016, và dự kiến sẽ tăng tiếp trong thời gian tới.

Năm qua, ngân hàng mẹ VPBank tục duy trì đà tăng trưởng thu nhập ngoài lãi nhờ thu nhập từ phí và chứng khoán đầu tư. Trong đó, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư tăng 45,8%, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 27,5%.

Ngân hàng cũng giảm tỷ trọng cho vay tín chấp do chính sách thận trọng hơn trong năm 2020 và tập trung nhiều hơn vào những hoạt động mang lại mức thu nhập về phí. Theo bà Khánh An, ngân hàng vẫn xác định bán chéo bảo hiểm, ngân hàng giao dịch và phí từ thẻ là những động lực thúc đẩy nguồn thu ngoài lãi.

Trong tương lai, ngân hàng dự tính chi tiêu của khách hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng rất cao, qua đó thu nhập từ phí cũng sẽ tăng tương ứng. Đồng thời, ngân hàng cũng sẽ thực hiện nhiều giải pháp về thanh toán, quản lý dòng tiền để tăng trưởng tốt nguồn thu phí từ ngân hàng giao dịch.

Theo nhận định của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), mảng dịch vụ của các ngân hàng vẫn có tiềm năng tăng trưởng lớn trong dài hạn. Thu nhập phí thanh toán và phí thẻ được kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng do xu hướng khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt và định hướng của các ngân hàng tập trung vào bán lẻ và đầu tư vào chuyển đổi số, 2 định hướng VPBank theo đuổi. Thông qua nền tảng công nghệ hiện đại, theo bà Khánh An, VPBank có thể phát triển dịch vụ đa dạng, tạo ra thêm các ứng dụng, tiện ích mới, tăng tốc độ xử lý giao dịch cho khách hàng, qua đó tăng thu từ phí giao dịch thẻ tín dụng, thanh toán.

Bà Khánh An chia sẻ thêm, những nỗ lực về số hóa và tự động hóa của ngân hàng đã giúp nâng cao được trải nghiệm của khách hàng và tăng doanh số trên những kênh mới như kênh online và kênh số hóa. VPBank tiếp tục nằm trong top các ngân hàng dẫn đầu thị trường về số thẻ được phát hành.

Với mảng bán chéo bảo hiểm, Giám đốc tài chính VPBank cho rằng, sẽ phụ thuộc nhiều vào thị trường bảo hiểm trong năm 2021 và những năm tới, do đó còn nhiều biến số. Dù vậy, VPBank nhận thấy có nhiều cơ hội để tận dụng và tăng trưởng thu nhập. VDSC cũng chung nhận định khi cho rằng, nguồn thu từ bán chéo bảo hiểm sẽ tiếp tục tăng nhờ xu hướng gia tăng tỷ lệ người tham gia bảo hiểm và tỷ trọng kênh bancassurance trong tổng thu nhập phí bảo hiểm, đặc biệt là mảng nhân thọ. VPBank đã ký hợp đồng độc quyền bancassurance trong 15 năm với AIA, một trong những tập đoàn bảo hiểm nhân thọ lớn nhất thế giới từ năm 2017. Sự hợp tác này sẽ tiếp tục đóng góp vào nguồn thu từ phí bảo hiểm cho VPBank.

Chia sẻ thêm với nhà đầu tư, bà Khánh An cho biết, trong Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng tới năm 2025, định hướng năm 2030, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu đến cuối năm 2020 tỷ trọng thu nhập từ phí dịch vụ đạt khoảng 12 - 13%, và đến cuối năm 2025 tăng lên mức 16 - 17%. Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh, hệ sinh thái thanh toán trực tuyến ngày càng mở rộng sẽ là các yếu tố giúp ngân hàng, trong đó có VPBank đặt quyết tâm chuyển dịch mạnh mẽ hơn.

H. Kim

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên