MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Chiến thắng kỳ lạ" của bà Hillary Clinton

03-08-2016 - 09:00 AM | Tài chính quốc tế

Các thành viên Đảng Dân Chủ đã thành công đoàn kết ủng hộ bà Hillary Clinton, một ứng cử viên không thực sự được yêu mến.

Cuối cùng, ông Bernie Sanders đã quyết định dừng chân. Trước thềm Hội Nghị Toàn Quốc của Đảng Dân Chủ diễn ra từ ngày 25-28/7 tại Philadelphia, ông Sanders đã từng tuyên bố sẽ đấu tranh hết mình cho cuộc “cách mạng chính trị”. Tuy nhiên, khi những người ủng hộ ông quyết định cùng ông đấu tranh và la hò phản đối Hội Nghị ngay trong ngày đầu tiên, ông Sanders đã lên tiếng trấn an họ.

Không chỉ vậy, ông Sanders còn là người tuyên bố bà Hillary chính thức trở thành đại diện của Đảng Dân Chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng trong tháng 11 sắp tới. Bà Hillary đã trở thành người phụ nữ đầu tiên đại diện cho một trong hai chính Đảng của Mỹ tham gia tranh cử tổng thống.

Tại Hội Nghị, ông Barrack Obama cũng thể hiện sự ủng hộ của mình dành cho bà cựu Ngoại trưởng, phê phán tư tưởng chia rẽ của ông Donald Trump, đối thủ của bà Hillary trong Đảng Cộng Hòa, và nỗ lực tìm cách truyền thêm sự tự tin đang mất dần cho người dân nước Mỹ.

Trước đó, bà Michelle Obama cũng đã khéo léo khen ngợi bà Hillary trong bài phát biểu của mình. Ngoài ra, tỉ phú Michael Bloomberg, cựu thị trưởng thành phố New York, cũng đã có mặt trong Hội Nghị và kêu gọi người Mỹ bỏ phiếu cho bà Hillary.

Mặc dù ban đầu ở cả trong lẫn ngoài khu vực diễn ra Hội Nghị của Đảng Dân Chủ, hàng ngàn cử tri ủng hộ ông Sanders đều hô hào phản đối; tuy nhiên, trong những ngày cuối, theo kết quả của một cuộc thăm dò, 90% cử tri ủng hộ ông Sanders cho biết họ sẽ bỏ phiếu cho bà Hillary.

Hội Nghị của Đảng Dân Chủ đã cho thấy một lợi thế vượt trội khác của Đảng. Nếu trong Hội Nghị của Đảng Cộng Hòa, các đại biểu tham gia đều là người da trắng; thì tại Philadelphia, 31% các đại biểu là người da màu.

Vì vậy, nhiều vấn đề quan trọng được nêu ra trong Hội Nghị đều xoay quanh các chủ đề liên quan đến người da màu như kiểm soát súng, tư pháp hình sự và cải cách nhập cư. Đây cũng là con đường ông Obama đã đi để giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử tổng thống trước đây; và hiện tại, bà Hillary chính là người tiếp bước.

Tuy nhiên, sau tất cả những vui mừng, nhộn nhịp, cũng như các cuộc biểu tình tại Philadelphia, câu hỏi đặt ra là liệu bà Hillary có thể thành công như ông Obama trước đây.

Bất ngờ là, tình hình thực tế của bà Hillary lại không được khả quan. Trong cuộc thăm dò dư luận mới nhất, trong tháng trước, bà Hillary đang bị ông Trump dẫn trước 7 điểm. Theo tính toán của nhà thống kê Nate Silver, bà Hillary hiện chỉ có khoảng 53% cơ hội giành chiến thắng trong tháng 11.

Rõ ràng, cuộc đua vào Nhà Trắng đang ngày càng trở nên căng thẳng; và một phần xuất phát từ thành công của ông Trump trong việc lôi kéo giai cấp công nhân da trắng bằng tầm nhìn độc tài, tuyên bố phân biệt chủng tộc và lời hứa hẹn đảo ngược toàn cầu hóa của mình.

Theo kết quả của một cuộc thăm dò dư luận, 7 điểm dẫn trước của ông Trump đến từ những cử tri da trắng không học đại học. Số lượng cử tri này, từ sau những tuyên bố của ông Trump, đã tăng lên gấp đôi. Tuy nhiên, để giành chiến thắng trong tháng 11, ông Trump cần phải nhận được sự ủng hộ từ 70% nhóm cử tri này; và điều này gần như là không thể.

Bà Hillary đã thành công thuyết phục các cử tri da màu giống như những gì ông Obama đã làm trước đây; tuy nhiên, bà lại vấp phải một vấn đề lớn với giai cấp công nhân da trắng. Không chỉ vậy, xếp hạng tín nhiệm của bà cũng khá thấp do vụ việc sử dụng email cá nhân khi còn là Ngoại trưởng. Chỉ 30% cử tri cho rằng bà Hillary là người ngay thẳng, trong khi có đến 43% cử tri tin tưởng sự chân thành của ông Donald Trump.

Điều này dường như đã gây ra một mối quan ngại chung, đó là cả hai ứng viên tổng thống đều không thực sự xuất sắc. Những cử tri trẻ tuổi, một bộ phận cử tri quan trọng góp phần đem đến chiến thắng cho ông Obama, cho biết họ không muốn bỏ phiếu cho cả ông Trump và bà Hillary.

Không chỉ dừng lại ở mục đích hòa giải toàn Đảng, Hội Nghị của Đảng Dân Chủ được tổ chức nhằm xây dựng lại hình ảnh cho bà Hillary. Và có vẻ như, Hội Nghị đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ này, đặc biệt là sau bài phát biểu của chồng bà, cựu tổng thống Bill Clinton; cũng như bài phát biểu của phó tổng thống Biden.

Ông cho biết dù người Mỹ có thể không thích bà, không tin bà; nhưng trong suốt cuộc đời làm chính trị của mình, bà Hillary luôn mong muốn đem đến nhiều lợi ích cho người dân.

Chỉ còn 100 ngày trước cuộc bầu cử chính thức, và bà Hillary cần phải có một cú lội ngược dòng. Ở Philadelphia, cử tri không ủng hộ ông Donald Trump, nhưng rõ ràng, không phải tất cả họ đều yêu quý bà Hillary Clinton.

Quỳnh Mai

Economist

Trở lên trên