MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chiến tranh thương mại cản bước hành trình soán ngôi USD của đồng nhân dân tệ

12-07-2018 - 14:10 PM | Tài chính quốc tế

Những lo ngại xung quanh cuộc chiến thương mại với Mỹ có thể sẽ khiến giới chức Trung Quốc kiên định hơn với quyết tâm kiểm soát các thị trường tài chính trong nước và trì hoãn việc thả nổi đồng NDT.

Đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc đã lao dốc trong vài tuần trở lại đây trước những lời đe dọa về cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong phiên giao dịch ngày 11/7, giá trị đồng NDT được giao dịch trên các thị trường tài chính bên ngoài Trung Quốc đã giảm xuống 6,6918 NDT/USD, tiến gần đến mức thấp nhất trong 11 tháng qua là 6,7344 NDT/USD ghi nhận trong phiên này 3/7.

Không những thế, đồng NDT còn chịu áp lực hơn nữa với những lo ngại về khả năng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Sự "yếu đuối" của đồng NDT trước những mối đe dọa từ bên ngoài như vậy đang đặt ra vấn đề về triển vọng NDT thách thức vị thế đồng tiền dự trữ chủ yếu trên toàn thế giới của đồng USD.

Ông Chen Siqing, chủ tịch Ngân hàng Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc đang dần trở thành một lực lượng quan trọng trong quản trị tài chính toàn cầu, kể từ khi đồng NDT được đưa vào giỏ tiền tệ dự trữ quốc tế được biết đến với tên gọi Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF hồi tháng 10/2016. Đồng NDT rõ ràng cũng là đồng tiền duy nhất có tiềm năng thách thức vị thế là đồng tiền dự trữ trên toàn thế giới của đồng USD.

Tuy nhiên, kể từ năm 2016 vẫn chưa có những tiến triển đáng kể trong việc xóa bỏ những biện pháp kiểm soát vốn đối với đồng NDT, một điều kiện tiên quyết để quốc tế hóa đồng tiền này.

Sự chần chừ của giới chức Trung Quốc trong việc thả nổi đồng NDT là điều dễ hiểu. Những lo ngại về việc các dòng vốn ồ ạt thoái lui khỏi thị trường Trung Quốc và sự sụt giảm của thị trường chứng khoán vào mùa hè năm 2015 đã khiến Bắc Kinh thận trọng với những tác động có thể xảy ra từ việc thả tự do hơn nữa đồng NDT. Nếu các kiểm soát đối với đồng NDT được dỡ bỏ ngay bây giờ, phần lớn các nhà phân tích tin rằng giá trị đồng tiền này sẽ rơi xuống mức thấp hơn cả 7 NDT/USD.

Điều thú vị là, ngay cả khi Chính phủ Trung Quốc vẫn đang "chần chừ" với kế hoạch quốc tế hóa đồng NDT, thì đồng tiền này vẫn đang được sử dụng rộng rãi ở bên ngoài biên giới Trung Quốc, đặc biệt trong việc thanh toán. Ông Rob Koepp, chuyên gia kinh tế hàng đầu của Economist Intelligence Unit ở Hong Kong cho biết đồng NDT là đồng tiền được được giao dịch rộng rãi nhất trong hoạt động du lịch nước ngoài. Ông Koepp nhận định thông qua hoạt động thanh toán, người Trung Quốc đang quốc tế hóa đồng tiền của mình.

Ông Ge Huayong, chủ tịch China Union Pay, công ty phát hành thẻ tín dụng hàng đầu Trung Quốc, cho biết hiện có 50 quốc gia chấp nhận thẻ của Union Pay, trong khi 26 triệu khách hàng của công ty này không sống ở Trung Quốc. Ngay cả những người di chuyển bằng tàu điện ngầm ở Nga cũng có thể thanh toán bằng thẻ Union Pay. Trong khi đó, 4 triệu công ty ở Mỹ đã chấp nhận Alipay, một hệ thống thanh toán khác của Trung Quốc, chủ yếu để phục vụ các khách hàng đến từ nước này.

Là yếu tố đang làm chao đảo các thị trường chứng khoán và tiền tệ trên khắp châu Á, những lo ngại xung quanh cuộc chiến thương mại với Mỹ có thể sẽ khiến giới chức Trung Quốc kiên định hơn với quyết tâm kiểm soát các thị trường tài chính trong nước và trì hoãn việc thả nổi đồng NDT.

Trong trung hạn, tình hình sẽ phụ thuộc nhiều vào Tổng thống Trump. Không thể lường trước được hậu quả của một cuộc chiến thương mại khốc liệt, nhưng một cuộc khủng hoảng thương mại gây tổn hại cho tăng trưởng và cán cân thanh toán của Trung Quốc có thể lại làm dấy lên những lo ngại về các dòng vốn tháo chạy khỏi thị trường và đẩy lùi hơn nữa ngày mà đồng NDT được quốc tế hóa.

Tuy nhiên, nếu "thảm họa" này không xảy ra, thì việc đồng NDT tăng giá chỉ là vấn đề thời gian. Sự mạnh lên của đồng tiền này, song song với sự nổi lên của Trung Quốc, sẽ được hoan nghênh, đặc biệt khi mà nó sẽ góp phần bình ổn hệ thống tài chính thế giới có nguy cơ bị tổn thương bởi một vị tổng thống Mỹ dường như không quan tâm gì đến những ảnh hưởng mà những chính sách "nước Mỹ là trên hết" của ông có thể gây ra cho cộng đồng quốc tế.

Khánh Ly

Nikkei

Trở lên trên