MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Những mặt hàng nào đang bị đe dọa?

07-07-2018 - 14:14 PM | Thị trường

Washington đã áp đặt mức thuế nhập khẩu 34 tỷ USD lên Trung Quốc và Bắc Kinh cho biết họ sẽ đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt đối với các sản phẩm của Mỹ có giá trị tương tự như đậu nành, thịt lợn và bông.

Mỹ và Trung Quốc cũng đã tiến hành áp thuế nhập khẩu lên tới 16 tỷ USD hàng hóa của nhau. Điều này sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu năng lượng của Mỹ, chẳng hạn như than đá và dầu thô và một số lĩnh vực khác. 

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Những mặt hàng nào đang bị đe dọa? - Ảnh 1.

Nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc từ Mỹ, Brazil và phần còn lại của thế giới.

Đậu nành

Chính sách thuế nhập khẩu của Bắc Kinh sẽ có tác động lớn nhất lên đậu tương, hàng hóa nông nghiệp xuất khẩu hàng đầu của Mỹ sang Trung Quốc trong năm 2017 trị giá khoảng 12,7 tỷ USD. Điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến với người nông dân Mỹ ở các bang như Lowa và Texas, những bang mà đã ủng hộ Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2016.

Việc mua đậu tương ở Mỹ từ Trung Quốc, nước nhập khẩu hạt có dầu hàng đầu thế giới đã giảm trong thời gian gần đây.

Một thương nhân Mỹ cho biết, một số hàng hóa được xuất khẩu cho Trung Quốc có nguồn gốc từ Tây Bắc Thái Bình Dương của Mỹ có khả năng sẽ được gửi đi nơi khác do các nhà sản xuất đều muốn tránh phải trả thuế.

Tuy nhiên, trong những tháng tới, Trung Quốc sẽ "đấu tranh" để thay thế đậu nành từ Mỹ, buộc các nhà chế biến đậu nành để làm dầu và thức ăn gia súc hoặc trả thêm thuế hoặc tìm kiếm sản phẩm thay thế.

Rabobank cho rằng Trung Quốc có thể phải mua tới 15 triệu tấn đậu nành Mỹ với mức giá bị áp thuế. Ngân hàng này cho biết thêm trong một lưu ý, các nhà sản xuất không thể vượt qua mức chi phí tăng cao ít nhất trong thời gian ngắn hạn, điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận vốn đã thấp của họ.

Tác động lớn nhất có thể sẽ được nhìn thấy trong doanh thu trong mùa vụ tiếp theo của Mỹ, sẽ xuất hiện trên thị trường vào tháng 9.

Trong khi đó, Brazil, nước xuất khẩu đậu nành hàng đầu thế giới, có khả năng ghi nhận nguồn cung sẽ tụt dốc, đã được cảnh báo có thể phải nhập khẩu hạt đậu nành từ Mỹ trong năm nay để đáp ứng nhu cầu của các nhà chế biến địa phương.

Thịt lợn

Thịt lợn Mỹ đã phải gánh hàng loạt mức thuế trong các giao dịch trước đó và bây giờ đang phải đối mặt với mức thuế thêm 25%, điều này sẽ làm tăng tổng mức thuế lên đến 62%.

Thịt lợn châu Âu sẽ giành một số thị phần từ Mỹ, nơi mà đã vận chuyển gần 500 triệu USD giá trị thịt lợn sang Trung Quốc vào năm ngoái. Các lô hàng thịt lợn nhập từ Mỹ đã gần như ngừng hoạt động kể từ khi mức thuế 25% được thực hiện vào ngày 2/4.

Năng lượng

Một khối lượng kỷ lục dầu thô Mỹ đang hướng đến Trung Quốc ngay cả khi các mức thuế dự kiến ​​của Bắc Kinh đe dọa sẽ cắt giảm nhập khẩu từ một doanh nghiệp tương đối mới và đang phát triển cho các nhà xuất khẩu Mỹ.

Dữ liệu luồng thương mại của Thomson Reuters cho thấy, có khoảng 9 tàu với 26,6 triệu thùng dầu thô từ Texas và Alaska với trị giá khoảng 2 tỷ USD dự kiến sẽ cập bến trong vòng 5 tuần tới. Con số này tương đương với 700.000 thùng/ngày hoặc 8% hàng nhập khẩu hàng ngày của Trung Quốc - là một khối lượng lớn cho Mỹ, nhà cung cấp mới cho thị trường Trung Quốc.

Nếu được ban hành, thuế nhập khẩu sẽ làm cho mặt hàng dầu thô của Mỹ kém cạnh tranh hơn các loại dầu thô khác, có thể gây ra sự sụt giảm trong việc mua hàng từ Trung Quốc và buộc các công ty dầu mỏ của Mỹ phải tìm người mua mới.

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Những mặt hàng nào đang bị đe dọa? - Ảnh 2.

Xuất khẩu dầu thô của Mỹ sang Trung Quốc.

Trong bối cảnh thị trường dầu mỏ toàn cầu tương đối tốt, công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie cho biết Mỹ sẽ khó tìm được một thị trường thay thế lớn như Trung Quốc, do các công ty từ Trung Quốc chiếm 20% doanh số dầu thô ở nước ngoài.

Trung Quốc có thể sẽ thay thế sản lượng dầu thiếu hụt của Mỹ bằng những người bán hàng hàng đầu của họ như Nga hoặc Saudi Arabia, gần đây đã công bố kế hoạch tăng sản lượng.

Trong số các sản phẩm năng lượng khác, Trung Quốc đang quan tâm đến việc xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ bởi mức thuế mềm hơn, và khi làm như vậy, nó sẽ trở thành "một vũ khí tiềm năng" nếu cuộc chiến thương mại với Washington ngày càng leo thang.

Tuy nhiên, than có thể bị kẹt "trong làn đạn" nếu như vòng 2 các biện pháp trừng phạt được áp dụng.

Việc thay thế các lô hàng của Mỹ bằng than từ những nơi khác sẽ không khó đối với Trung Quốc, nhưng sẽ là một mất mát lớn cho nhà xuất khẩu nhiên liệu hàng đầu thế giới do việc này sẽ làm "tổn thương" các công ty ở Tây Virginia, một bang ủng hộ Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Ngọc Anh

Reuters

Trở lên trên