MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Thách thức cho xuất khẩu Việt Nam

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang đang là điểm nóng toàn cầu. Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV - TS Cấn Văn Lực nhận định: "Trung Quốc không xuất khẩu được hàng hóa sang Mỹ, có thể xuất sang các nước bên cạnh, đồng thời thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Điều này tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc. Những điều chỉnh trên sẽ khiến nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc tăng lên."

TS Cấn Văn Lực
TS Cấn Văn Lực
Chuyên gia tài chính ngân hàng
287 bài viết

Thưa ông, việc Mỹ tuyên bố tăng mức thuế lên 25% với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tác động thế nào đến thương mại Việt Nam?

TS Cấn Văn Lực: Căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung có thể gây nên tác động trực tiếp và gián tiếp đối với nền kinh tế Việt Nam.

Trong lĩnh vực thương mại, xem xét kỹ danh mục các mặt hàng xuất khẩu từ Trung Quốc chịu áp thuế 25%. Một số ngành, lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có thể được hưởng lợi. Những mặt hàng đó chủ yếu là hàng tiêu dùng (hàng may mặc, giày dép, thủy sản, nông sản, đồ gỗ, điện tử, điện thoại và linh kiện …).

Mặt hàng tư liệu sản xuất, hàng công nghiệp, sắt thép... là lĩnh vực chịu thuế suất 25%. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu những hàng hóa này của Việt Nam sang Mỹ chiếm tỉ trọng rất nhỏ (chỉ khoảng 0,5-1,5% tổng nhập khẩu những mặt hàng này của Mỹ).

Như vậy, một số ngành hàng của Việt Nam có thể được hưởng lợi. Tuy nhiên, DN Việt Nam phải nhanh nhạy, chủ động thông tin, tìm ra những lợi thế để khai thác, tranh thủ cơ hội để chiếm lĩnh thị phần. Mặt khác, cần tập trung vào cải cách cơ cấu và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Thách thức cho xuất khẩu Việt Nam - Ảnh 1.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam trong ngắn hạn

Vậy tác động tiêu cực đến thương mại Việt Nam là gì, thưa ông?

TS Cấn Văn Lực: Thứ nhất, căng thẳng thương mại leo thang ảnh hưởng tiêu cực tới thương mại và tăng trưởng kinh tế toàn cầu, khiến tổng cầu giảm.

Việt Nam hiện đang là một trong những nền kinh tế có độ mở thương mại hàng đầu khu vực. Tổng cầu giảm sẽ tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, nhất là khi đây là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam năm 2018.

Thứ hai, với các mức thuế suất cao, giá hàng hóa nhập khẩu từ mỗi nước có thể tăng, khiến giá những mặt hàng đó nhập khẩu vào Việt Nam cũng tăng lên.

Nguyên liệu sản xuất bị áp thuế sẽ tăng giá, dẫn tới chi phí sản xuất tăng, vừa tăng chi phí cho doanh nghiệp, vừa tăng áp lực lạm phát của Việt Nam.

Thứ ba, do vị trí địa lý gần gũi, nên hàng hóa dư thừa của Trung Quốc không xuất khẩu được vào Mỹ sẽ chuyển hướng sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam.

Ngoài ra, cuộc chiến thương mại do Mỹ phát động với mục tiêu đánh vào ngành sản xuất công nghiệp của Trung Quốc. Hiện tại, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc lại chủ yếu là các sản phẩm công nghiệp.

Như vậy, nếu chiến tranh thương mại leo thang, nhiều khả năng Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu hàng công nghiệp sang Việt Nam.

Đồng thời, khi Trung Quốc không xuất khẩu được hàng hóa sang Mỹ, sẽ phải thúc đẩy tiêu dùng nội địa, khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa vào Trung Quốc sẽ giảm. Điều này tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc. Những điều chỉnh trên sẽ khiến nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc tăng lên.

Thứ tư, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể làm xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu, gây ra những tác động xấu đến tất cả các nước tham gia chuỗi, trong đó có Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!


Theo Lan Hương

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên