MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính phủ báo cáo Quốc hội "sức khoẻ" tập đoàn, tổng công ty

Kết thúc năm tài chính 2018, có 855 doanh nghiệp có vốn Nhà nước và nhà nước đang đầu tư tại đây 1.533.001 tỷ đồng...

Vốn chủ sở hữu 1.218.898 tỷ, tổng doanh thu 1.420.911 tỷ, lãi trước thuế 152.168 tỷ,  lỗ lũy kế  9.025,902 tỷ... là những con số "đo" một phần sức khoẻ của 80 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - công ty con.

Chính phủ vừa gửi đến Quốc hội báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc và việc quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp năm 2018.

Theo báo cáo này thì tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2018, có 855 doanh nghiệp có vốn Nhà nước và nhà nước đang đầu tư tại đây 1.533.001 tỷ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm 2017.

Tách riêng tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của 80 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - công ty con (gọi chung là tập đoàn, tổng công ty) Chính phủ cho biết khối này đang có tổng tài sản 2.690.431 tỷ đồng.

Đầu tư tài chính ngắn hạn theo số liệu báo cáo hợp nhất của khối là 356.715 tỷ đồng, tăng 21% so với 2017, còn đầu tư tài chính dài hạn là 127.261 tỷ đồng, giảm 3%.

Đáng chú ý, nợ khó đòi của các tập đoàn, tổng công ty tăng 2%, lên 12.277 tỷ đồng, chiếm 2% tổng số nợ phải thu.

Dẫn đầu về nợ khó đòi là các doanh nghiệp viễn thông: Tập đoàn Viễn thông quân đội 1.413 tỷ đồng; Tổng công ty Viễn thông Mobifone 605 tỷ đồng; Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam 493 tỷ đồng.

Trong số nợ phải thu khó đòi trên 300 tỷ có Tập đoàn công nghiệp Than – khoáng sản (385 tỷ đồng), tổng công ty Thương mại Sài Gòn (362 tỷ đồng), Tổng công ty Cà phê Việt Nam (361 tỷ đồng); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (355 tỷ đồng)...

Báo cáo cũng điểm danh một số công ty mẹ có tỷ lệ nợ phải thu/tổng tài sản ở mức cao (trên 40%) như: Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (nợ phải thu là 5.486 tỷ đồng, chiếm 44%); Công ty mẹ - Tổng công ty Thái Sơn (nợ phải thu 2.041 tỷ đồng, bằng 62%); Công ty mẹ - Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (nợ phải thu 778 tỷ đồng, bằng 62%); Công ty mẹ - Tổng công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (nợ phải thu 218 tỷ đồng, chiếm 50%).

Phân tích nguồn vốn, Chính phủ cho biết, theo báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty , tổng số nợ phải trả là 1.454.668 tỷ đồng, chiếm 54% tổng nguồn vốn. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2018 là 1,13 lần (công ty mẹ là 1,20 lần); có 17 công ty mẹ có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần.

Nợ vay cả ngắn hạn và dài hạn từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng trong nước của các tập đoàn, tổng công ty là 374.025 tỷ đồng, giảm 9%. Một số "ông lớn" có số nợ vay tương đối lớn như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam 95.933 tỷ đồng; Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam 114.769 tỷ đồng; Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam 42.961 tỷ đồng; Tập đoàn Viễn thông quân đội 28.658 tỷ đồng; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam 27.467 tỷ đồng; Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam 11.056 tỷ đồng...

Nợ nước ngoài của các tập đoàn, tổng công ty là 484.769 tỷ đồng (vay ngắn hạn là 7.432 tỷ đồng; vay dài hạn là 477.337 tỷ đồng). Trong đó, vay lại vốn ODA của Chính phủ là 186.256 tỷ đồng, vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh là 220.497 tỷ đồng, vay nước ngoài theo hình thức tự vay, tự trả là 70.584 tỷ đồng, còn lại là các hình thức huy động khác.

Về tình hình sản xuất kinh doanh, theo báo cáo, khối các doanh nghiệp lớn này có tổng doanh thu đạt 1.420.911 tỷ đồng, tăng 9%, lãi phát sinh trước thuế 152.168 tỷ đồng, tăng 3%.

Báo cáo hợp nhất có 10 tập đoàn, tổng công ty còn lỗ lũy kế là 9.025,902 tỷ đồng và 4 công ty mẹ còn lỗ lũy kế là 1.054,262 tỷ đồng.

Năm 2018, tổng các khoản phát sinh phải nộp ngân sách đạt 231.697 tỷ đồng, tăng 5%.

Những tập đoàn, tổng công ty có số thu vào ngân sách nhà nước lớn như tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam 79.579 tỷ đồng, Tập đoàn Viễn thông quân đội 34.036 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam 25.903 tỷ đồng...

Chính phủ khẳng định, doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua vẫn là công cụ để điều tiết nền kinh tế, bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tạo nguồn thu cho ngân sách.

Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của một số doanh nghiệp nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư, một số dự án của doanh nghiệp nhà nước còn thua lỗ, thất thoát vốn lớn, mà điển hình là 12 dự án thua lỗ lớn của ngành công thương.

Theo Hà Vũ

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên